Ông Giám đốc giải nào cũng có phần

Võ sỹ Judo Văn Ngọc Tú (áo trắng ảnh lớn) tham dự Olympic mà không có HLV, chuyên gia chỉ đạo trong khi ông giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đi Olympic theo tuyển Judo (ảnh nhỏ). Ảnh: VSI
Võ sỹ Judo Văn Ngọc Tú (áo trắng ảnh lớn) tham dự Olympic mà không có HLV, chuyên gia chỉ đạo trong khi ông giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đi Olympic theo tuyển Judo (ảnh nhỏ). Ảnh: VSI
TP - Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn) không bỏ sót bất kỳ giải đấu nào của đoàn thể thao Việt Nam trong khu vực, châu lục và trên thế giới những năm gần đây. Ông Hùng quan trọng như thế nào vậy?  

Trong danh sách 50 thành viên đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio de Janeiro 2016 (Brazil) theo quyết định của Bộ VH-TT&DL hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng lại tiếp tục có tên. Ngay từ khi danh sách này được công bố, đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích về việc trong khi nhiều VĐV thiếu chuyên gia, HLV đi kèm để chỉ đạo, hướng dẫn, thì ngành thể thao vẫn rộng tay “chia phần” cho quan chức.

Vì chuyện này nên mới xảy ra những chuyện “không giống ai”, như việc một Vụ trưởng xuất thân là dân điền kinh như ông Nguyễn Trọng Hổ lại được giao quản môn…. cầu lông. Hai tay vợt Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang đành phải dự Thế vận hội mà không có HLV. Hay như cô gái vàng của Judo Việt Nam Văn Ngọc Tú cũng trong cảnh một mình phó hội.

Cho đến khi đặt chân lên đất Brazil vài hôm, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Rio de Janeiro 2016 đã lên tiếng thừa nhận, các VĐV Việt Nam gặp khó khăn vì thiếu bác sĩ.

Trường hợp Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng, theo tìm hiểu do đang là Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam, ông Hùng đã đăng ký theo đội tuyển Judo, mặc dù có tên trong danh sách cán bộ đoàn. Như trên đã đề cập, Judo Việt Nam chỉ có mình Văn Ngọc Tú dự giải, không chuyên gia, HLV đi cùng. Tổng cục TDTT giải thích, ông Hùng đi Rio de Janeiro vì có trách nhiệm quản lý VĐV.

Chuyện này thật khó xuôi tai! Dân thể thao ai cũng biết ông Hùng đã nhiều năm chuyển qua công tác quản lý ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội, không còn thường xuyên lo công tác chuyên môn của môn Judo, trong khi người VĐV Văn Ngọc Tú cần là một chuyên gia, để giúp cô có thể thi đấu tốt nhất tại Olympic. Theo tìm hiểu, kịch bản “ăn theo” đội tuyển Judo được áp dụng khá nhiều lần đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng ở các giải đấu trong và ngoài khu vực của đoàn thể thao Việt Nam. Điểm sơ sơ thì SEA Games 2015 (Singapore), SEA Games 2013 (Myanmar), ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc), ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), Olympic London 2012 (Anh), và nay là Olympic Rio de Janeiro 2016 ở Brazil, không giải nào vắng ông Giám đốc!

Thôi thì ở đấu trường khu vực như SEA Games, đành tạm bằng lòng với giải thích của ngành thể thao, là do làm Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội, ông Hùng cần đi để còn “quản” VĐV, dù lãnh đội, HLV trưởng chả thiếu. Nhưng đến đấu trường Olympic ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng không bỏ thì thật khó hiểu.

Olympic Rio de Janeiro 2016 là giải đấu thể thao Việt Nam đoạt nhiều vé nhất, nhưng cũng chỉ vỏn vẹn 23 VĐV đạt chuẩn. Hay như Olympic London 2012, Việt Nam cũng chỉ có 18 vé. Số lượng ít, đây lại đều là những gương mặt xuất sắc nhất ở các bộ môn của thể thao Việt Nam, có đủ kinh nghiệm quốc tế và ý thức chuyên nghiệp để thực hiện trách nhiệm với quốc gia.

Nhưng có vẻ như vẫn chưa yên tâm, nên ngoài 16 HLV, chuyên gia vốn thừa khả năng quản lý VĐV, ngành thể thao còn đưa thêm 11 cán bộ sang Brazil, có ông Nguyễn Mạnh Hùng. Trong khi đấy thì như nói trên, hôm mới đây ông Trần Đức Phấn vừa lên tiếng kêu khó vì thiếu bác sĩ! Nếu nhìn vào tần suất tham dự các giải đấu của thể thao Việt Nam trong và ngoài khu vực, từ cấp thấp như SEA Games đến lớn như Olympic, rất dễ để tin rằng ông Nguyễn Mạnh Hùng đóng vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu của đoàn thể thao Việt Nam.

Trung tâm HLTTQG Hà Nội dưới thời ông Nguyễn Mạnh Hùng làm lãnh đạo, từ cấp phó rồi lên chức Giám đốc, lâu lâu lại có chuyện đàm tiếu ì xèo liên quan đến khẩu phần, chất lượng bữa ăn cho VĐV. Thiết nghĩ Trung tâm cứ làm tốt chức năng quản lý, phục vụ các đội tuyển và đội tuyển trẻ quốc gia tập huấn tại đây đã là hoàn thành nhiệm vụ. Tiền thuế của dân, đâu phải để lãng phí! 

MỚI - NÓNG