Tiểu tiên cá Ánh Viên và con đường ra thế giới

Nụ cười rạng rỡ của Ánh Viên sau khi kết thúc nội dung thi đấu. Ảnh: VSI
Nụ cười rạng rỡ của Ánh Viên sau khi kết thúc nội dung thi đấu. Ảnh: VSI
TP - Sau 8 HCV cùng 8 kỷ lục SEA Games, Ánh Viên vừa có cuộc nâng tầm ngoạn mục ra thế giới khi lần đầu lọt vào Top 10 giải VĐTG, rồi đoạt 1 HCB, 2 HCĐ Cúp thế giới. Ngoài tài năng và nỗ lực phi thường của bản thân, sự xuất chúng của kình ngư 19 tuổi quê Cần Thơ còn được quyết định bởi chuyến tập huấn 3 năm 8 tháng trên đất Mỹ, theo đúng chuẩn quốc tế, với nhiều sự khác lạ với bơi Việt Nam.

3 ông thầy, 1 chiếc máy đẩy nước và 1 chiếc cốc trên trán 

Đầu tiên là chuyện HLV, cùng với thầy Tuấn, Viên còn được kèm cặp bởi hai chuyên gia ngoại hàng đầu. Một phụ trách chuyên môn, một chuyên về thể lực. Cứ đúng giờ, họ có mặt tại bể bơi, thực hiện giáo án đúng đến từng chi tiết nhỏ để làm sao cô học trò đến từ Việt Nam luôn phải nỗ lực tới cùng. Sau mỗi ngày, họ lại kiểm tra thành tích, khả năng chịu đựng của Viên bằng máy móc nhằm có điều chỉnh thích hợp, với điểm mấu chốt là phải đẩy khối lượng vận động lên cao một cách vững chắc.

Để có sức đột phá, Viên đã phải tập thể lực không khác gì một VĐV nhiều môn phối hợp, hết nâng tạ lại chạy đua trên máy. Khắc nghiệt nhất chính là bài tập bơi ngược dòng. Theo đó trên một đường bơi chuyên dụng được máy đẩy nước chảy với tốc độ cực mạnh, tài năng trẻ đất Cần Thơ phải cố gắng bơi ngược cho bằng được. Hồi đầu, có lần Viên còn bị dòng nước hất theo đập đầu đau đến chảy nước mắt.

Riêng việc luyện kỹ thuật bơi với Viên cũng vô cùng kỳ công, với những bài tập tưởng như đơn giản mà siêu khó. Với một chiếc cốc đầy nước đặt trên trán, Viên phải bơi ngửa làm sao để nó không đổ. Cũng phải qua tới nửa năm, kình ngư có chiều cao 1m73 mới có thể làm chủ để chiếc cốc chẳng hề rung rinh trên suốt đường bơi, có nghĩa là cơ thể, kỹ thuật bơi ngửa đã đạt tới độ chuẩn cao độ.

Tiểu tiên cá Ánh Viên và con đường ra thế giới ảnh 1

Một bữa ăn thông thường của Ánh Viên với thực đơn gồm rất nhiều món để đảm bảo đủ năng lượng cho việc luyện tập. Ảnh: Trí Sơn

Cùng đó là phải ăn, ăn như một nhiệm vụ và cách tập như lời của Viên. Chuyện về bữa ăn 1 cân thịt bò, mấy chục  con tôm, 1 đĩa mì to, 1 đĩa rau trộn, 1 lít sữa tươi cũng chỉ là một phần trong thực đơn khổng lồ và phức tạp. Đó là bữa chính trong ngày mà có đến nửa năm, Viên vừa ăn vừa nước mắt lưng tròng vì cực quá, hay phải ăn lại nghỉ, nghỉ lại ăn mất gần 2 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, còn có 3 bữa khác, trong đó có khi đang tập nhà bếp lại gọi Viên lên bờ để phục vụ bữa ăn đặc biệt  là một nhúm thức ăn cùng thực phẩm thuốc chuyên biệt đắng đến mức chỉ ăn bằng cách… nuốt thẳng.

“Nuốt” 5-7 km mỗi ngày  

Phía sau những kỳ tích liên tiếp mà kình ngư cao 1m73 này tạo nên, có vô khối câu chuyện lạ đến mức khó tin với mặt bằng chung của TTVN. Ngay một ngày tập bình thường của Viên cũng đã khác biệt hoàn toàn so với các tay bơi trong nước. Đơn giản vì nó theo đúng chuẩn hàng đầu thế giới, và quan trọng nhất, có lẽ cả làng bơi Việt duy nhất chị có đủ khả năng, quyết tâm và sự bền bỉ để theo được.

Tiểu tiên cá Ánh Viên và con đường ra thế giới ảnh 2

Kình ngư Ánh Viên chào cờ khi lá quốc kỳ được kéo lên tại lễ trao huy chương SEA Games 28. Ảnh: VSI

Tùy theo chương trình đào tạo gắn với các chu kỳ do 2 ông chuyên gia Mỹ đặt ra, Viên sẽ có thể phải tập 1, 2 hay thậm chí 3 buổi ngày. Mà phổ biến nhất chính là định mức 2 buổi/1 ngày. Mỗi buổi xuống nước của cô từ 1,5 đến 3 giờ, với cường độ và sự tập trung cao nhất. Tính trung bình, một ngày tập của Viên phải đảm bảo khối lượng vận động tương ứng với mức 5-7 km. Con số này vượt xa các nam tuyển thủ xuất sắc như Quý Phước hay Quang Nhật, đồng thời gấp đôi các đàn em nữ ở ĐTQG như Mỹ Thảo, Phương Trâm.

Kể từ khi đặt chân sang Mỹ từ 2012, Viên gần như không có một ngày nghỉ. Và sau mỗi buổi tập, nhất là thời gian đầu, cô đã rơi vào tình trạng kiệt sức, chân tay rã rời. Rất may nhờ nền tảng thể lực hiếm có, cùng chế độ dinh dưỡng, y học tốt nên khả năng hồi phục của Viên duy trì tốt. Viên luôn làm chủ được quy trình khắc nghiệt một cách tự nhiên, chứ không gồng mình gắng sức kiểu bị động.

Kinh phí đầu tư bằng 1 phần 6 của Schooling

Tại giải VĐTG  2015, Ánh Viên cùng với Josepth Schooling, người đoạt tấm HCĐ lịch sử cho Singapore ở 100m bướm, đã “cứu thua” cho cả làng bơi Đông Nam Á (ĐNÁ) vốn bị coi là “vùng trũng”. Tất nhiên, so sánh giữa 2 người, thành tích của Viên còn kém xa đàn anh bởi cao nhất mới đứng thứ 10 nội dung 400m hỗn hợp.

Tiểu tiên cá Ánh Viên và con đường ra thế giới ảnh 3

Ánh Viên trên bục nhận HCĐ nội dung 400m hỗn hợp tại Cúp thế giới chặng đua ở Paris, Pháp

Thế nhưng, xét về thời gian dài ăn tập, cùng mức đầu tư hãy còn thua xa người đàn anh cùng ĐNÁ, cũng như các tay bơi hàng đầu thế giới, có thể thấy, thành quả của Viên đã là một kỳ tích quá “khủng”. Viên mới ăn tập bài bản, bắt đầu tính từ khi được đặc cách đưa lên ĐTQG, chưa đầy 5 năm, trong đó mới có 3 năm 8 tháng rèn giũa trên đất Mỹ. Còn kỷ lục gia châu Á 20 tuổi Schooling đã được đặt vào trong một quy trình chặt chẽ của cường quốc bơi ĐNÁ Singapore tới 9 năm, với 5 năm sang Mỹ tập luyện dài hạn.

Mức đầu tư cho Viên, thuộc diện tốn kém nhất của TTVN với tổng số giờ đã trên 7 tỷ đồng, và tiếp tục được tăng lên, thực ra chưa ăn thua gì, khi so với Schooling. Đơn cử mức dự kiến của Viên trong cả năm 2015 mới chỉ 140 nghìn USD, bằng 1 phần 6 khoản 900 nghìn USD mà Schooling nhận được.

Tiểu tiên cá Ánh Viên và con đường ra thế giới ảnh 4

Kình ngư Ánh Viên bứt tốc trên đường đua xanh tại SEA Games 28. Ảnh: VSI

HLV “ruột” Đặng Anh Tuấn đã rất có lý khi cho rằng, đẳng cấp và thành tích của Viên sẽ hoàn toàn khác sau 1 hay 2 năm nữa, thời điểm Viên có thể đạt tới độ “chín” nhất về mọi mặt. Tiềm năng và sức vươn của cô còn rất nhiều, chắc chắn sẽ còn có những bước thăng tiến theo kiểu “vượt ngưỡng” nữa nếu có sự đầu tư chuyên biệt và chuyên môn hóa mạnh mẽ. 

Bên cạnh việc nâng cao sức mạnh, sức bền, kỹ thuật, Viên sẽ được tập trung cho một số nội dung mạnh nhất, phù hợp nhất như 200m hỗn hợp, 200m ngửa, 400m tự do và đặc biệt 400m hỗn hợp- đường bơi mà Viên đã đứng thứ 10 giải VĐTG chỉ kém đối thủ hạng 8 vỏn vẹn 0,58 giây, và đoạt 1 HCB, 1 HCĐ tại các Cúp thế giới sau đó. 

Trên đất Mỹ, hiện tại, Ánh Viên đang tập luyện theo một chương trình ổn định gồm  9 đến 12 buổi mỗi tuần, 1-2 buổi tập mỗi ngày, với 1,5 đến 3 giờ mỗi buổi, 20-30 giờ mỗi tuần. Tổng khối lượng bơi tổng cộng hàng  tuần của cô từ 35- 70km. Tùy theo các mục tiêu và giai đoạn, nó sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Theo tính toán, để có thể lọt vào tốp 8 trước khi nghĩ tới chuyện phấn đấu tranh chấp huy chương Olympic 2016, tới đây, tổng khối lượng vận động của Viên sẽ còn phải tiếp tục được nâng cao. Hiện Viên đã giành 3 chuẩn A Olympic.


MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.