Metro Hà Nội

Metro Hà Nội
TP - Người ta kỳ vọng vào dịp Thăng Long- Hà Nội ngàn năm tuổi (20/10), người dân Thủ đô có thể hãnh diện bước lên tàu điện ngầm để lại phía sau những ký ức không vui về một thời kỳ Hà Nội “chìm” trong ùn tắc giao thông!

Trong phát triển kinh tế xã hội Thủ đô hướng tây luôn đóng vai trò quan trọng. Cách đây tròn 5 năm khi Hà Nội quyết tâm khởi động lại chương trình xe buýt, tuyến phía tây (Nhổn- Giáp Bát) cũng là tuyến xe buýt hoạt động đầu tiên.

Lần này, khi nâng cấp hệ thống vận tải công cộng, tuyến metro Nhổn- Ga Hà Nội được kỳ vọng mở toang cánh cửa  phía tây Hà Nội. Tuyến metro hoạt động còn là chìa khoá hoá giải bài toán tắc đường tại trục Đông- Tây Hà Nội.

Tổng mức đầu tư tuyến Metro số 2 là 1,2 tỷ đô la

Tổng mức đầu tư của dự án là 1,2 tỷ đô la, trong đó, vay ODA ưu đãi từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản ( JBIC) 85% vốn dự án (1,03 tỷ USD), còn lại là vốn đối ứng trong nước, khoảng 181 triệu USD dùng cho GPMB, tái định cư chi phí Ban QLDA...

Lộ trình tuyến Metro số 2:

Điểm đầu tại khu Nam Thăng Long (huyện Từ Liêm)- Nguyễn Văn Huyên- Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám- Phan Đình Phùng- Hàng Ngang- Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng- Hàng Bài- Phố Huế- Đại Cồ Việt- Đào Duy Anh- Chùa Bộc- Tây Sơn- Nguyễn Trãi- điểm cuối tại Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Tổng chiều dài 15,2 km. Trên tuyến có 14 ga, 1 Depot, xưởng sửa chữa.

Theo các chuyên gia giao thông, hiện trên hướng này (đoạn Kim Mã), lưu lượng giao thông đạt 37.600 người/2 hướng/giờ; Đường Cát Linh đạt 25.380 người/2 hướng/giờ. Lưu lượng này vượt quá khả năng thông qua trên mặt cắt giao thông.

Tình trạng ùn tắc giao thông sẽ cực kỳ nghiêm trọng trong thời gian sắp tới. Đặc biệt trên hướng này hiện có nhiều trường đại học, cao đẳng và hàng loạt khu đô thị đang và sẽ được triển khai.

Tuyến đường bắt đầu từ Nhổn (Từ Liêm) đi theo hướng QL 32- Cầu Diễn- Mai Dịch- Nút giao với đường vành đai 3- Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh- Quốc Tử Giám - Ga Hà Nội tổng chiều dài tuyến là 12,5 km.

Trong đó 4 phân đoạn có các đặc điểm lồng ghép giữa đi nổi và đi ngầm. Cụ thể, Phân đoạn 1: Nhổn- Vành đai 3 (5,7km) là tuyến ở giữa đi trên cao; Phân đoạn 2: Vành đai 3- Sứ quán Thuỵ Điển- đường Kim Mã (4,1km) là tuyến lồng ghép ở giữa đi trên cao (riêng đoạn từ nút Daewoo- Sứ quán Thuỵ Điển lồng ghép ở phần đường khu ngoại giao đoàn); Phân đoạn 3: Sứ quán Thuỵ Điển - KS Horison đường Cát Linh (1,3km).

Tuyến lồng ghép ở giữa, đi ngầm (riêng đoạn trên đường Giảng Võ lồng ghép ở phần đường bên phải từ Giảng Võ- đến Cát Linh). Phân đoạn 4: Khách sạn Horison- Ga Hà Nội (1,6km) là tuyến lồng ghép ở giữa, đi ngầm. Tổng cộng có 9,8km đi nổi và 2,9km đi ngầm.

Dự báo nhu cầu đi lại trên tuyến đường sắt Nhổn- Ga Hà Nội vào năm 2010 là 123.800 hành khách (HK), năm 2020 là 274.000 HK. Lưu lượng HK trên đoạn đông nhất vào giờ cao điểm (1 chiều) tới năm 2010 là 6.000 HK, năm 2020 là 9.500 HK.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2010 tuyến metro đầu tiên của Hà Nội sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Metro Hà Nội ảnh 1

Tuyến Metro số 2: Gạch nối Hà Nội xưa - nay!

Tuyến số 2 Nam Thăng Long- Hà Đông có chiều dài 46km. Tuyến sẽ là xương sống quan trọng nhất kết nối các khu đô thị hiện tại và tương lai bằng việc gắn kết giữa sân bay Nội Bài, các khu đô thị mới ở Đông Anh, khu trung tâm hành chính mới ở Từ Liêm với khu phố cổ, khu phố kiến trúc kiểu Pháp và đến thị xã Hà Đông. Trong đó thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư giai đoạn 1 (Nam Thăng Long- Thượng Đình), dài 15,2 km với 100% tuyến đi ngầm qua trung tâm thành phố.

Theo thông số mà nhà tư vấn đưa ra, Metro có 6 toa, dài 132 m chạy hoàn toàn dưới lòng đất. Khả năng vận chuyển đạt trung bình 12.000 lượt khách/giờ/hướng (năm 2020 đạt 31.000 khách/giờ/hướng). Tốc độ thiết kế đạt 100km/giờ, tốc độ thương mại đạt 35km/giờ.

Các nhà quản lý kỳ vọng việc đưa tuyến Metro số 2 vào hoạt động sẽ giải quyết đáng kể nhu cầu đi lại của nhân dân Thủ đô, góp phần hiện thực hoá mục tiêu đạt tỷ lệ đi lại tại nội thành bằng phương tiện công cộng là 30-50% vào năm 2020.

Ngay sau khi phía JBIC (Nhật Bản) ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ SAPROF (tư vấn lập dự án) với Bộ KHĐT và UBND TP Hà Nội, các bên đã tiến hành lựa chọn tư vấn thực hiện SAPROF vào tháng 5 vừa qua.

Việc nghiên cứu dự án đã được thực hiện trong tháng 6 và hoàn thành vào tháng 10/2007. Dự kiến trình báo cáo cuối cùng vào tháng 12/2007.

Sau khi dự án được phê duyệt sẽ tiến hành thiết kế, GPMB và tổ chức đầu thầu, khởi công dự án. Dự kiến tuyến Metro  số 2 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2013. 

15 ga trên tuyến:

Ga S1 (Km+425): Trước cổng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội- Từ Liêm.

Ga S2 (Km1+550): Trên QL 32 cạnh Xí nghiệp kinh doanh thép hình- huyện Từ Liêm.

Ga S3 (Km2+560): Trên QL32, cạnh Tổng kho 101 quân đội, huyện Từ Liêm.

Ga S4 (Km3+330): Trên QL 32, trước cổng chợ Cầu Diễn, Từ Liêm.

Ga S5 (Km 4+280): trên QL 32, trước nghĩa trang Mai Dịch.

Ga S6 (Km5+050): Cạnh trường ĐH Thương mại.

Ga S7 (Km 5+725): Đường Xuân Thủy, trước trường ĐH Sư phạm.

Ga S8 (Km6+715): Đường Cầu Giấy, cạnh cây xăng số 9.

Ga S9 (Km 7+465): Đường Cầu Giấy, Bưu cục Cầu Giấy.

Ga S10 (Km8+110): Đối diện trường ĐH Giao thông vận tải.

Ga S11 (Km8+ 975): Đường Kim Mã, gần khách sạn Daewoo.

Ga S12 (Km9+875): Trước khu Ngoại giao đoàn.

Ga S13 (Km10+705): Đường Giảng Võ, trước cổng Bộ Y tế.

Ga S14 (Km11+520): Ngã tư đường Tôn Đức thắng- Cát Linh.

Ga S15 (Km12+500): Đường Trần Hưng Đạo, trước Ga Hà Nội.

Phương tiện, tần suất hoạt động

Hà Nội sẽ chọn loại tàu metro bánh sắt để giảm chi phí bình quân trên đầu  HK và có tuổi thọ cao. Tàu có 3 khoang (2 khoang có động cơ, 1 khoang không có động cơ) dài 58,5m, rộng 2,8m, tốc độ tối đa 80km/h. Khả năng chuyên chở 431 chỗ đến 587 chỗ, tương lai sẽ tăng lên thành tàu 4 khoang, dài 80m khả năng chuyên chở gần 800 HK và đạt mức chuyên chở đặc biệt 1.002 người.

Tàu chạy từ 5 giờ đến 24 giờ với tần suất 5,4 phút/chuyến. Năng lực giờ cao điểm đạt 6.300 HK/giờ/hướng. Tương lai tăng lên 3,45 phút/chuyến, đạt 9.500 HK/giờ/hướng.

Tổng mức đầu tư 551 triệu euro

Trong đó chi phí xây dựng là 222,9 triệu euro; chi phí thiết bị: 168 triệu euro; chi phí GPMB: 15 triệu euro; chi phí quản lý, chi phí khác là 58,6 triệu euro; Chi phí dự phòng: 46 triệu euro. Dự kiến nguồn vốn vay là 280 triệu euro, vốn trong nước là 230 triệu euro.

Tuyến đường sẽ cần 239.800 m2 đất, trong đó Dêpo: 170.000m2; trên tuyến: 73.400 m2.

MỚI - NÓNG