Đâu là việc làm thực sự kính Chúa, yêu nước?

Đâu là việc làm thực sự kính Chúa, yêu nước?
Đài RFA đêm 28/1 dẫn lời một giáo dân có tên là Gioan Baotixta từng có dịp gặp Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, trả lời phỏng vấn Đài với những nội dung mà tôi thấy cần phải có đôi điều trao đổi để làm rõ sự thật.

Theo lời giáo dân Gioan Baotixta thì "vụ giáo dân Hà Nội tập trung cầu nguyện trước Tòa khâm sứ để đòi Nhà nước trả lại cơ sở và đất đai của Giáo hội đang khiến mọi người theo dõi" - điều này là đúng. Song quý Đài lại cho rằng "hôm nay báo chí có một số tờ đăng sự việc có vẻ khác đi, nói rằng sự việc phải chấm dứt".

Xin được nói ngay rằng, chính người được quý đài phỏng vấn đã "nói khác đi", đã nói không đúng bản chất của hiện tượng "tập trung cầu nguyện đông người". Tôi là một giáo dân ở ngay Hà Nội đã chăm chú theo dõi sự kiện này từ mươi hôm nay thì thấy rõ có ai đó đang lợi dụng việc không nên làm đó để thực hiện cái ý nguyện trái với lời răn của Chúa, trái với nguyện vọng sống "tốt đời đẹp đạo" của đông đảo giáo dân.

Quả thật lúc đầu chưa rõ thực hư ra sao, chỉ mới nghe theo lời đồn, tôi đã đến tận nơi chứng kiến thì dần dần trong suy nghĩ của tôi và những người có ý thức tôn trọng tín ngưỡng mới vỡ lẽ rằng, đã có không ít người bị lợi dụng đức tin, ào ạt kéo tới khu vực 42 Nhà Chung (Hà Nội) để "cầu nguyện bảo vệ Chúa", để "đòi Nhà nước trả lại cơ sở và đất đai của Giáo hội".

Tôi và một số bà con nhắc nhau hãy tĩnh tâm tìm câu trả lời cho câu hỏi: căn cứ gì để quy tội "Nhà nước đã chiếm đất của Giáo hội". Theo chúng tôi, sức thuyết phục của mọi lý lẽ trước hết phải dựa vào Luật Đất đai mà Nhà nước đã ban hành, trong đó ghi rõ một điều cực kỳ quan trọng: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý; rằng các tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất đai mà Nhà nước ủy quyền.

Mặt khác, mảnh đất ở 42 Nhà Chung từ năm 1960 đã được các chức sắc đứng đầu Tòa Giám mục tự nguyện bàn giao cho chính quyền Hà Nội quản lý. Từ đó đến nay, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm đã giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin của quận quản lý liên tục mảnh đất này và dùng nó vào mục đích phục vụ những hoạt động công ích.

Nghị quyết số 23 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng đã quy định rõ cách thức giải quyết những trường hợp đất đai thuộc dạng này. Một vài tờ báo của Hà Nội đã nói rõ bản chất của sự kiện này, nhưng người trả lời phỏng vấn của quý đài lại quy chụp "báo chí nói không đúng với hiện tượng".

Vậy cái gọi là điều "không đúng" ấy cụ thể ra sao thì quý đài lại lờ đi! Quý đài viện dẫn rằng: "Chẳng hạn, báo chí nói người dân bị lừa, bị kích động", nhưng tôi (tức người trả lời phỏng vấn) chẳng hề thấy chuyện đó; rằng "những người đến đó để cầu nguyện, chứ không phải để thay phiên nhau như cách nói của báo chí" (!)

Theo chúng tôi, báo chí nói như vậy có phần còn nương nhẹ. Thật ra, lợi dụng cái gọi là "cầu nguyện hòa bình", đã có một số người hung hăng quậy phá, gây rối trật tự an ninh, nhảy qua hàng rào để xông vào hành hung một số cán bộ Phòng Văn hóa, dùng gậy đánh bị thương một số người, trong đó có một người bị trọng thương; tiếp đó xô đổ cả cánh cổng trụ sở!

Là những giáo dân luôn kính Chúa, yêu nước, chúng tôi thấy chính mình bị xúc phạm khi một số người đã đặt tượng Đức Mẹ và gắn Thánh giá trong khuôn viên 42 Nhà Chung, mà nơi ấy đang là trụ sở của Nhà Văn hóa quận. Có lẽ nào hình ảnh Đức Mẹ luôn được tôn kính và phải đặt tại nơi trang nghiêm thì nay lại được mang đến đặt tại nơi công sở; để rồi mượn cớ hô hào những người nhẹ dạ cả tin dồn về đó thực hiện cái gọi là "cầu nguyện hòa bình" (!)

Cùng với việc làm này, đầu tháng 11/2007, giáo xứ Thái Hà tự động xây nhà nguyện, hang đá trái phép trên khu đất đang tranh chấp tại tổ 3b, phường Quang Trung do Cty Vật tư vận tải xi măng đang quản lý. Tiếp nữa, họ tự ý đục tường, trổ cổng sang đất của cơ sở khác, tổ chức hàng trăm giáo dân, không chỉ ở Hà Nội, mà ở cả Hà Tây, Bắc Ninh kéo về đẩy đổ tường rào của Cty Cổ phần may Chiến Thắng...

Vậy những hành động đó thể hiện lòng "kính Chúa yêu nước" hay đã phản lại chính Chúa và dân tộc? Hành động đó là "cầu nguyện hòa bình" hay thực sự đang kích động những người nhẹ dạ cả tin gây sức ép với chính quyền để thực hiện những mưu toan không chính đáng?

Chúng tôi hoan nghênh thái độ của chính quyền Hà Nội đã kiên trì giải thích, thuyết phục, coi trọng đối thoại, tỏ rõ thiện chí trong việc xem xét những đề nghị phù hợp thực tế, cùng nhau tìm cách giải quyết thấu lý, đạt tình. Chúng tôi hoan nghênh những ý kiến chân tình, thẳng thắn của ông Huỳnh Đảm - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong cuộc tiếp xúc với Đức Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt.

Điều thật đáng buồn là trong khi báo chí thông tin kịp thời những ý kiến có trách nhiệm của những người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền Hà Nội, người trong cuộc là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt không phản ứng gì thì Đài RFA lại cho rằng "nói như thế là không trung thực"; rằng "phía chính quyền muốn đưa những bài báo này ra để dọn đường cho dư luận xã hội" (!)

Thiết nghĩ, nếu hiểu chữ "dọn đường" theo nghĩa đẹp thì chúng tôi thấy sự "dọn đường" ấy là cần thiết vì vào thời điểm năm cùng tháng tận, Tết sắp đến, Xuân đang về, không lẽ nào họ lại hô hào giáo dân từ các nơi xa dồn về Hà Nội, ngày đêm đứng giữa trời, đội mưa, tắm rét để hỗ trợ cho những việc làm trái pháp luật, xâm hại an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Chính đây mới là tiếng nói trung thực của số đông giáo dân thực sự kính Chúa yêu nước, mong muốn đồng hành cùng dân tộc xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo" trong bầu không khí đất nước đoàn kết, thanh bình.

Phùng Nhân Quốc
Giáo dân Hà Nội

MỚI - NÓNG