Nghệ sỹ mù chơi đàn ghi ta một tay

Nghệ sỹ mù chơi đàn ghi ta một tay
TP - Cụt tay phải, bị mù hai mắt, nhưng anh vẫn chơi đàn ghi- ta rất giỏi và từng đoạt 2 Huy chương vàng hội diễn Văn nghệ ở T.Ư. Vì bát cơm manh áo, người nghệ sỹ mù từng đoạt 2 HCV phải ôm đàn đi hát rong…

Đêm Cửa Lò (Nghệ An) yên tĩnh, tiếng sóng biển chợt vỡ oà trong không gian lặng ngắt rồi tan vào hư vô. 21 giờ, khách đã vãn, đâu đây vọng lại tiếng đàn ghi-ta lẫn trong giọng hát xẩm buồn tủi. Tôi đi về phía có tiếng đàn.

Trước mặt tôi là Vy Văn Ngữ, người đàn ông dân tộc Thái bị mù loà và người vợ khiếm thị đang biểu diễn một khúc nhạc trữ tình cho du khách. Chồng đàn, vợ hát. Vợ chồng mù dò dẫm trong đêm. Trên tay chị cầm nón rách đựng tiền lẻ khách cho. Sau một “ca” diễn, chị cẩn thận cất nhúm tiền vào túi áo. Chiếc áo cũ đã nhàu nhò, lem luốc.

Hát từ chập tối đến nửa đêm, chị vợ thấm mệt bèn trao micro cho chồng. Không những đánh đàn giỏi, anh Ngữ còn có chất giọng đầm ấm, truyền cảm. Điều đặc biệt là anh chơi đàn với cánh tay trái còn lại. Chơi đàn ghi - ta bằng một tay trong khi đôi mắt mù lòa quả là độc nhất vô nhị.

Quê ở xóm Khe Thần, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), năm học lớp 8 Vy Văn Ngữ bị tai nạn nổ mìn khiến hai mắt bị mù, tay phải cụt lên tận khuỷu.

Từ một thiếu niên khỏe mạnh, bỗng Vy Văn Ngữ thành người tàn phế. “Đó là những tháng năm ảm đạm nhất đời tôi. Có lúc tôi chẳng thiết sống nữa, muốn tìm đến cái chết để quên đi tất cả!” - Anh Ngữ kể.

Buồn đau vì vụ tai nạn khủng khiếp giáng xuống cậu con trai, bố mẹ anh đổ bệnh rồi lần lượt qua đời. Bốn anh em nhà Ngữ vừa trưởng thành đã chịu cảnh mồ côi.

Khi còn nhỏ, Ngữ đã say mê đàn ghi - ta. Tiếng đàn thánh thót của anh Thụy - nguyên cán bộ Đoàn Văn công QK4 ở nhà bên hút hồn cậu bé. Ngữ sang nhà anh Thụy, nhờ anh tập đánh đàn, làm quen với từng nốt nhạc. Ngữ ước ao sau này lớn lên sẽ trở thành một nhạc công, cùng cây đàn ghi- ta rong ruổi khắp mọi nẻo đường.

Nhưng sau vụ tai nạn khiến mắt anh mù loà, bàn tay phải cũng không còn nữa, không những giấc mơ làm một nhạc công tan vỡ mà ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày đối với anh cũng rất khó khăn. “Thế là hết!” - Ngữ khóc.

Giữa bóng tối mênh mông bủa vây quanh mình, Ngữ cảm thấy mình lẻ loi, cô độc. Con đường từ nhà tới trường, tới lớp, cánh đồng làng, trái núi ở sau lưng, tất cả nằm sâu trong tiềm thức.

Nỗi bất hạnh chỉ cắt đứt ước mơ, nó không thể làm tan biến niềm say mê âm nhạc của Vy Văn Ngữ. Anh lại tìm đến cây đàn và học cách chơi ghi - ta một tay. Người lành lặn học đánh đàn đã khó, mất một cánh tay và mù hai mắt như Ngữ càng khó khăn gấp bội phần.

Ghì chặt cây đàn, năm ngón tay trái của anh rờ rẫm từng dây, làm quen với phím. Thật khó khăn! Ngữ làm sao để vừa có thể bật lên nốt nhạc vừa điều khiển âm thanh bằng một cánh tay trái? Cùng một lúc, năm ngón tay phải làm hai việc: bật dây và ấn phím. Buổi học đầu tiên nhọc nhằn vô cùng, năm ngón tay anh bỏng rát, ứa máu.

“Rất khó khăn, nhưng không phải là không học được cách đánh đàn bằng một tay!” - Vy Văn Ngữ tự nhủ. Năm này qua năm khác, với lòng say mê âm nhạc và sự bền bỉ, khéo léo, anh đã thành công. Những lời ca nốt nhạc của người nghệ sỹ mù vang lên, lay động lòng người.

Từng đoạt 2 HCV, phải đi hát rong

Giọng hát, tiếng đàn của Vy Văn Ngữ thoát ra khỏi luỹ tre làng. Năm 2000, anh đoạt HVC “Tiếng hát từ trái tim” do Bộ VH-TT (cũ) và Hội Người mù VN tổ chức tại Nhà hát Lớn - Hà Nội.

Đêm đó, Ngữ ôm đàn lên sân khấu độc diễn ca khúc “Giai điệu Tổ quốc” của nhạc sỹ Trần Tiến bằng cánh tay trái còn lại. Năm 2002, Vy Văn Ngữ đoạt HCV tại liên hoan nghệ thuật quần chúng ngành LĐTB-XH do Bộ LĐTB-XH tổ chức. Chứng kiến người nghệ sỹ mù đánh đàn bằng một tay, nhiều người hết sức ngạc nhiên. Tiếng đàn của Vy Văn Ngữ quả là tiếng đàn độc nhất vô nhị!

Ít ai biết sau những lời ca nốt nhạc ấy là một cuộc đời đã trải qua nhiều sóng gió, gian truân.

Ba người em của Ngữ lớn lên, lập gia đình, riêng anh vẫn cô độc một mình cho đến khi gặp Nguyễn Thị Hương. Chị Hương SN 1974 (kém anh 4 tuổi), quê ở xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Sinh ra trong gia đình “đặc biệt”: Bố bị mù, Hương và cậu em trai cũng mù bẩm sinh, cuộc sống khó khăn. Hàng ngày chị đi dạy chữ Brai (chữ nổi dành cho người mù) và bán tăm, bán đũa kiếm sống.

Quen nhau tại hội diễn văn nghệ của người khiếm thị vào năm 2000, giữa đôi bạn trẻ cũng cảnh ngộ tìm thấy ở nhau nhiều điểm tương đồng. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Vy Văn Ngữ và chị Nguyễn Thị Hương đi đến hôn nhân.

Cưới nhau về nhưng không có chỗ ở vì căn nhà cũ Ngữ đã nhường cho người em trai, vợ chồng lang thang nay đây mai đó. Từ sáng sớm đến chiều tối mịt, họ luồn khắp hang cùng ngõ hẻm, đến các trường học, bệnh viện và nhà dân bán từng bó tăm, bó đũa.

Màn đêm buông xuống, vợ chồng anh Ngữ xin tá túc tại trụ sở làm việc của các Huyện hội Người mù. Đất Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương… chẳng nơi nào mà bước chân của vợ chồng mù chưa tới.

Năm 2001, chị Hương sinh bé gái. “Trước khi sinh, vợ chồng tôi đứng ngồi không yên, vì sợ bé có đôi mắt giống mẹ thì khổ cả đời!”, chị Hương nhớ lại. May mắn là đứa bé sinh ra lành lặn, khỏe mạnh.

Họ đặt tên con là Vy Thị Thương. “Tình thương yêu như sợi dây thắt chặt số phận hai chúng tôi, hai kẻ mù loà- anh Ngữ nói- Đặt tên con gái là Thương, vợ chồng tôi cũng muốn bày tỏ lòng tri ân đối với anh chị em hội Người mù tỉnh Nghệ An. Các anh các chị đã động viên, tiếp sức cho tôi và Hương vượt qua mọi thử thách, gian nan!”.

Chính ông Nguyễn Minh Đức- Chủ tịch hội là người đưa anh Ngữ hoà nhập với cộng đồng. Ông Đức từng khuyên nhủ anh Ngữ: “Em nên vào Hội Người mù, vào đó mới thấy nhiều số phận bất hạnh hơn mình nhưng họ vẫn vươn lên!”.

Giá cả đắt đỏ, lượng tăm tre bán được ngày ít đi khiến cuộc sống của đôi vợ chồng mù mỗi lúc thêm khó khăn, túng bấn. Cùng đường, họ buộc phải ôm đàn đi hát rong. Lang thang trên đất Vinh, thường xuyên có mặt ở các điểm đông người, chồng đàn vợ hát. Nhiều người chứng kiến cảnh anh Ngữ què cụt và mù loà đánh đàn bằng một tay, họ đã khóc.

Mùa hè năm nay, anh Ngữ chị Hương gửi con cho ông ngoại, xuôi xuống Cửa Lò. “Mùa du lịch Cửa Lò đông khách, xuống đó chắc sẽ khá hơn!”, anh Ngữ bảo vợ. Hai vợ chồng thuê một căn nhà trọ rộng chưa đầy 10m2 làm nơi tá túc.

Căn phòng ẩm thấp, tối tăm. Cứ đến 7 giờ tối, anh ôm đàn, chị mang loa đi hát rong. Đàn hát đến nửa đêm, khách vãn họ mới trở về “nhà”. Một du khách cảm kích trước tài năng của người nghệ sỹ mù, mua tặng anh một cây đàn ghi - ta điện. Sở trường của anh Ngữ là ghi - ta thùng, nhưng ghi - ta điện thao tác lại thuận tiện hơn. Chỉ có điều, nó quá nặng so với sức vóc của anh.   

Vĩ thanh

Trở về Vinh, tôi không thể quên được hình ảnh của đôi vợ chồng mù lê từng bước nặng nhọc trong đêm thanh vắng, khi giọng hát đã khản và tiếng đàn mỏi mệt buông chùng.

“Tôi cũng muốn đứng trên sân khấu mà hát lắm chứ. Nhưng thân thể tôi thế này, lên sân khấu coi sao được! Vợ chồng tôi bị mù, lại nuôi đứa con nhỏ, đói lắm, đành phải dắt nhau đi hát xẩm, hát rong kiếm tiền nuôi mình nuôi con!”, giọng anh nghẹn ngào.Chị Hương nói, tới đây vợ chồng chị sẽ phiêu bạt vào Nam kiếm sống.

“Đi thì thương con gái, để con ở lại mà đi thật không đành lòng nhưng đi cũng là vì tương lai của con!”, chị Hương nước mắt lưng tròng. Chị nói rồi gục đầu vào vai anh. Dãi nắng dầm mưa, mấy ngày nay chị lên cơn sốt nhưng chẳng thể để anh hát xẩm một mình… 

MỚI - NÓNG
Lý Hải vượt Thái Hòa
Lý Hải vượt Thái Hòa
TPO - "Lật mặt 7: Một điều ước" được kỳ vọng vực dậy doanh thu phòng vé Việt trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Ngay từ những suất chiếu sớm, tác phẩm đã nhận được tín hiệu tích cực từ phía khán giả.