Những dự án di dời làng cá bè ở Đồng Nai:

Sau mười năm, đâu vẫn hoàn đó

Sau mười năm, đâu vẫn hoàn đó
TP - Sau 10 năm thực hiện dự án di dời, làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán) và làng cá bè ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) và người sống trên bè phát triển theo chiều hướng nhiều hơn và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai vẫn còn đó.
Sau mười năm, đâu vẫn hoàn đó ảnh 1
Một bè cá của một hộ dân ở xã Phú Ngọc kết thêm dèo để tăng diện tích nuôi cá

Để tránh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai do các hộ sinh sống và làm nghề nuôi cá bè trên lòng hồ Trị An, năm 1999, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện dự án di dân làng cá bè La Ngà thuộc huyện Định Quán và làng cá bè ở thị trấn Vĩnh An, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

Nhà ở bờ sống ở bè !

Trong các khu tái định cư cho dân cư làng bè thì khu tái định cư phía xã Phú Ngọc quản lý, người dân nhận đất cất nhà khá đầy đủ bởi vị trí này sát với bè cá là nơi mưu sinh của người dân.

Còn khu tái định cư cho dân cư làng bè xã La Ngà và xã Thanh Sơn cách khá xa nơi đặt bè nên mặc dù đã triển khai dự án từ nhiều năm nay nhưng tại các khu tái định cư này người dân vẫn chưa làm nhà sinh sống, nhiều hộ dân làm nhà thì chỉ là hình thức tạm bợ để giữ đất, người dân vẫn sinh sống ở bè cá coi bè là nhà.

Mục đích của dự án là di dời dân để tránh gây ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai, nhưng vẫn đảm bảo nghề nuôi cá bè truyền thống của người dân, vì vậy chủ trương của dự án là người dân làng bè vẫn được tiếp tục nuôi cá, nhưng không được phát triển thêm bè cá và mỗi bè chỉ được cắt đặt người trông coi chứ không được sinh sống trên bè.

Quy định là vậy nhưng thực tế, tại làng bè xã La Ngà có 168 hộ phải di dời nhưng chỉ có 126 hộ cất nhà tại khu tái định cư, trong số này không đến 100 hộ có người cư trú ở nhà.

Còn tại làng bè Vĩnh An, Mã Đà hầu như người dân không lên bờ vì khu tái định cư là những nơi đồi núi hoang vắng hạ tầng thiếu đủ thứ. Vì vậy, tại các bè cá vẫn tồn tại các gia đình ăn ở, sinh hoạt và đương nhiên mọi nguồn chất thải từ sinh hoạt lại tiếp tục đổ xuống sông, người làm bè cá đều sinh sống ngay trên bè.

Tính ra, trên lòng hồ Trị An và sông Đồng Nai vẫn còn tồn tại cả ngàn bè cá và có hàng ngàn người sinh sống trên bè gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Đồng Nai.  

Ông Lý Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã La Ngà cho biết: “Quả thật thay đổi nghề đối với người dân là rất khó, vì đó là nghề chính của cư dân làng bè, mặc dù đã lên bờ làm nhà sinh sống nhưng họ vẫn gắn bó với nghề nuôi cá”.

Không tăng bè, nhưng tăng… dèo !

Trước đây làng cá bè La Ngà chỉ nằm gọn ở phía hạ lưu cầu La Ngà, nhưng từ vài năm nay người dân đã phát triển bè cá về phía thượng lưu. Ông Lý Văn Ngọc khẳng định: “Khu vực bè cá phía xã La Ngà quản lý không tăng thêm, hiện vẫn là 168 bè. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình có con lớn cho tách ra làm riêng, hoặc phát triển thêm nên đã mở rộng ra diện tích nuôi cá bằng cách làm các dèo rộng ra xung quanh bè”.

Đúng như ông Ngọc nói, các bè cá hiện nay đều được nới rộng bằng các dèo nuôi cá, dèo được kết bằng các thùng phuy làm phao nổi, các phao nổi này giữ khung lưới chìm dưới mặt nước để nuôi cá ở bên trong.

Có bè người ta kết dèo chung quanh, nhưng cũng có những dèo cá diện tích lớn trải dài trên mặt nước, người dân nối dài hai đầu là hai nhà bè để neo giữ dèo. Với hình thức này bè cá không tăng nhưng diện tích nuôi cá đã tăng nhiều ở khu vực làng bè, đây rõ là một hình thức “lách” quy định.

Việc người dân phải kéo bè lên phía thượng nguồn ngoài việc tránh nguồn nước thải nguy hại từ nhà máy đường La Ngà và nhà máy men Mauri còn là nguyên nhân người dân mở rộng diện tích nuôi cá.

Phía xã Phú Ngọc, cái chợ cá vẫn hoạt động nhộn nhịp từ khuya đến suốt ngày hôm sau. Đây là cái chợ có một không hai, người dân vẫn gọi là chợ di động, bởi chợ cá này họp theo quy trình nước lên thì bè lên, chợ lên và ngược lại vào mùa khô nước xuống thì tất cả cùng xuống sát theo mép nước.

Ở chợ này mỗi ngày xe tải chở đến hàng tấn cá tạp phế thải cung cấp thức ăn cho làng cá bè. Mùi cá hôi tanh từ đây bốc lên, đứng trên cầu La Ngà cũng cảm nhận được mùi khó ngửi đặc trưng của làng bè này. 

MỚI - NÓNG