Ngồi xe lăn chạy theo "án cao su"

Ngồi xe lăn chạy theo "án cao su"
TP - Bố bỏ nhà đi không về, ông bà nội mất, cô gái tật nguyền Phạm Thị Ánh Nguyệt bỗng mất nốt cả nơi cư trú. Cô kiện ra tòa, nhưng vụ án mãi không được xử. Sức khỏe cô ngày một yếu, bác sỹ đưa ra những dự đoán xấu.

Phạm Thị Ánh Nguyệt sinh năm 1980, thường trú tại số 25, ngõ 630, đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Bố Nguyệt là ông Phạm Công Cảnh, thương binh chống Mỹ. Vết thương vùng sọ não nên thần kinh ông không ổn định.

Vì nhiều lý do, vợ chồng ông ly dị. Hai con - trong đó có Nguyệt - được tòa giao cho ông Cảnh nuôi. Cách đây 15 năm, ông Cảnh bỏ đi khỏi nhà, rồi bặt vô âm tín.

Hai chị em Nguyệt ở với ông bà nội, tại địa chỉ thường trú nêu trên. Do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, Nguyệt tật nguyền từ nhỏ, di chuyển trên xe lăn. Nghe hiểu được, nhưng nói khó khăn, Nguyệt không thể sống tự lập.  

Không nơi cư trú

Năm 2004, TP Hà Nội mở rộng nút giao thông Ngã Tư Sở. Nhà ông bà nội Nguyệt sâu trong ngõ thành nhà mặt đường, trong khi nhà cô ruột Nguyệt (bà Phạm Thị Thuận) gần đấy lại trong diện bị giải tỏa.

Chị gái Nguyệt lấy chồng, Nguyệt ở với ông bà nội. Sau này, Nguyệt mới biết, đúng thời gian ấy, chính xác là ngày 10/8/2004, ông bà Nguyệt đã lập bản di chúc, giao toàn bộ nhà - đất đang ở cho cô của Nguyệt hưởng thừa kế. Năm 2005, cô của Nguyệt đập ngôi nhà cũ của ông bà nội Nguyệt, xây lên ngôi nhà mới sáu tầng.

Đầu năm 2006, Nguyệt chịu hai cái tang liên tiếp của bà nội rồi ông nội. Sau khi ông bà mất, ngôi nhà mới xây sáu tầng được cô của Nguyệt cho thuê. Chị gái Nguyệt có hỏi cô: “Em cháu ở đâu bây giờ?”. Câu trả lời khiến cả hai chị em Nguyệt bật khóc: “Ông bà đã di chúc lại cho cô ngôi nhà này. Đây là tài sản của cô”.

Mẹ Nguyệt, sau khi ly dị chồng, không đi bước nữa. Trước hoàn cảnh éo le của đứa con tật nguyền, mẹ Nguyệt đón Nguyệt về ở. Khổ nỗi, người phụ nữ này cũng không có nhà. Hiện, hai mẹ con Nguyệt đang ở nhờ trong một ngôi chùa thuộc tỉnh Hưng Yên.

"Án cao su"

Trong đơn gửi báo Tiền Phong, Nguyệt nói trước khi ông bà nội mất, cô của Nguyệt vẫn thương yêu và có trách nhiệm với cả hai chị em Nguyệt.

Có lẽ, cô của Nguyệt chẳng vui gì khi phải ra tòa tranh chấp tài sản với đứa cháu mồ côi, tật nguyền.

Có người tư vấn, hoàn cảnh không thể sống tự lập như Nguyệt, tuy ông bà không di chúc cho hưởng thừa kế song, theo luật dân sự, Nguyệt vẫn được hưởng một phần trong số di sản của ông bà. Mẹ Nguyệt đại diện cho Nguyệt liền khởi đơn ra TAND quận Đống Đa, Hà Nội.

Hành trình tố tụng của Nguyệt đầy gian nan, bắt đầu từ việc đăng tin tìm bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân. Hết thời gian luật định, không có hồi âm, Nguyệt đề nghị TAND Quận Đống Đa tuyên bố ông Phạm Công Cảnh đã chết, sau đó Nguyệt mới đủ thủ tục khởi kiện vụ án chia thừa kế.

Đơn của Nguyệt được TAND Quận Đống Đa chính thức thụ lý ngày 2/5/2008. Ngày 29/9/2008, tòa Đống Đa có quyết định chuyển vụ án lên tòa Hà Nội. Ngày 17/11/2008, tòa Hà Nội có quyết định trả vụ án lại cho tòa Đống Đa. Nguyệt khấp khởi chờ ngày tòa mở.

Ngày 16/7/2009, tòa Đống Đa một lần nữa lại có quyết định chuyển vụ án cho tòa Hà Nội. Cô gái tật nguyền long đong chiếc xe lăn đi tìm công lý, chưa biết bao giờ đến đích.

Yếu tố nước ngoài?

Lý do hồ sơ bị chuyển đi chuyển lại là hai cấp tòa Đống Đa và Hà Nội có quan điểm trái ngược nhau về thẩm quyền xét xử vụ án.

Tài sản tranh chấp là thửa đất trên đó có ngôi nhà sáu tầng. Hiện, bà Thuận (cô của Nguyệt) cho Cty Cổ phần Phát triển Liên Việt thuê. Đại diện theo pháp luật của Cty Liên Việt là bà Nguyễn Thị Bích Liên, có hộ khẩu tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TPHCM. Bà Liên đang ở nước ngoài.

Tòa Đống Đa xác định, Cty Liên Việt là “người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan” trong vụ án. Do đại diện theo pháp luật của Cty này đang ở nước ngoài, tòa Đống Đa cho rằng, thẩm quyền xét xử thuộc về tòa án cấp tỉnh.

Quan điểm này không được TAND TP Hà Nội chấp nhận nên, mỗi khi nhận hồ sơ, tòa Hà Nội lại trả về cho tòa cấp dưới...

MỚI - NÓNG