Công bằng với thủy điện

Công bằng với thủy điện
TP - “Hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra sau hai cơn bão số 9 và số 11 vừa qua đối với miền Trung, Tây Nguyên rõ ràng có nguyên nhân của sự mất rừng, trong đó có phần mất rừng do xây dựng các công trình thủy điện từ lớn tới nhỏ, và cách vận hành xả nước chệch choạc vào thời điểm lũ của một số nhà máy thủy điện”.

Báo Tiền Phong số ra ngày 17/11 dẫn lời Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Trách nhiệm của thuỷ điện trước những mất mát về sinh mạng và tài sản trong các trận lũ vừa qua là không thể phủ nhận, né tránh. Tuy nhiên, dòng lũ phê phán thuỷ điện hiện nay đã thật sự chỉ gồm những tiếng nói công bằng, khách quan?

Người dân TP Tuy Hoà không xa lạ với chuyện lội nước bạc, khi TP bị nước lũ dâng ngập, chợ trung tâm phải dời lên Ngã Năm. Dăm ba năm lại có một lần Tuy Hoà chịu cảnh ngập lụt nặng, có chỗ lút cổ.

Từ ngày có thuỷ điện Sông Ba Hạ, người Tuy Hoà nói riêng và hạ lưu sông Ba nói chung hy vọng, không phải chịu cảnh đó nữa. Nên khi mưa to nhưng chưa to hơn mọi năm, mà lũ về không nhỏ hơn mọi năm, dân tình thất vọng, nhiếc móc thủy điện, là điều có thể hiểu được.

Nhưng có người lại quy luôn trách nhiệm cho thủy điện đối với các thiệt hại trong trận lũ vừa qua ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và huyện Đồng Xuân.

Có thể, người nơi khác không biết, nước lũ sông Ba không thể tràn được về ba địa phương này, ở đó cũng không có đập thủy điện nào. Đổ lỗi cho thủyđiện xả lũ gây thiệt hại ở Sông Cầu, Tuy An và Đồng Xuân, là không công bằng.

Ở ba địa phương này, có 75 người chết trong tổng số 80 người chết của tỉnh Phú Yên trong cơn bão số 11, riêng vùng dọc sông Kỳ Lộ có tới 61 người chết. Nếu thượng nguồn sông Kỳ Lộ có một đập thủy điện, thiệt hại về sinh mạng có lớn như vậy? Tại sao không ai đặt câu hỏi đó?           

Theo một chuyên gia thủy văn, luận tội thủy điện xả lũ, phải dựa trên số liệu khoa học. Với lượng mưa A trên nguồn, lưu lượng nước đổ về hồ thuỷ điện là B. Nếu lúc đó hồ thủy điện xả lũ xuống hạ lưu với lưu lượng C nhỏ hơn hẳn B, nó đã điều tiết được lũ.

Nếu hồ thủy điện xả lũ xuống hạ lưu với lưu lượng C lớn hơn B, nó đã góp thêm lũ nhân tạo vào lũ tự nhiên. Còn nếu lưu lượng xả lũ bằng hoặc kém hơn một chút so lưu lượng lũ về hồ, không thể nói rằng hồ thủy điện tạo thêm lũ.

Trong trường hợp này, lỗi của hồ thủy điện chỉ là không cắt được, không điều tiết được lũ.

Trong các nguyên nhân gây tổn thất nặng nề ở các trận lũ vừa qua, có những nguyên nhân từ con người. Hồ thủy điện xả lũ chệch choạc chỉ là một trong những nguyên đó.

Nếu không khách quan đánh giá, nhìn nhận thấu đáo được hết các nguyên nhân gây thiệt hại do con người, làm sao sau này có thể hạn chế được những thiệt hại tương tự.                                                                

MỚI - NÓNG