Chưa biết bao giờ nạo vét xong Hồ Gươm

Chưa biết bao giờ nạo vét xong Hồ Gươm
TP - Công trình nạo vét Hồ Gươm, sẽ kịp hoàn thành để chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mùng 10 - 10 - 2010? Hóa ra không phải. PGS.TS Hà Đình Đức trải lòng với Tiền Phong về những gập ghềnh trong quá trình thực hiện dự án khoa học này.

>> Hút bùn hồ Gươm: Không kinh động cụ Rùa
>> Chưa yên tâm triển khai công nghệ phục hồi Hồ Hoàn Kiếm

Chưa biết bao giờ nạo vét xong Hồ Gươm ảnh 1
Hồ Gươm - Ảnh: www.wikiwak.com

Cú điện thoại lạ lùng

Hệ thống thiết bị nạo vét Hồ Gươm được thử nghiệm cẩn thận  ở Ao cá Bác Hồ nhưng khi chuẩn bị tiến hành ở Hồ Gươm, thiết bị đã được kiểm chứng ấy đột nhiên được lệnh chuyển khỏi khu vực hồ thiêng nội nhật trong đêm 11-11-2009. Có chuyện đó không, thưa ông?

PGS.TS Hà Đình Đức: Đúng là có chuyện đó. Chính tôi cũng ngạc nhiên vì đây là một dự án được chuẩn bị rất kỹ cả về pháp lý lẫn tổ chức thực hiện.

Dự án “Phục hồi và ổn định bền vững hồ Hoàn Kiếm Hà Nội - Nghiên cứu khả thi (VNM05/A07)” là một trong số 12 dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực nước và môi trường được ký kết trong biên bản ghi nhớ hợp tác song phương về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nước và môi trường ngày 11-10-2005 giữa PGS. TS. Trần Quốc Thắng, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN), đại diện phía Việt Nam, và ngài Reinhard Junker, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Y tế Sinh học Bền vững, Bộ Liên bang về Giáo dục&Nghiên cứu, đại diện phía Đức.

Để dự án có tên trong “Phụ lục tổng quan về các dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực nước và môi trường”, các chuyên gia Việt Nam đã tham khảo các công trình nghiên cứu trước đây về hồ Hoàn Kiếm,  khảo sát thực địa trên hồ.

Từ tháng 3-2005 đến tháng 9-2009, nhờ nỗ lực của các cơ quan và chuyên gia hai bên, công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất.

Ngày 09-10-2009, UBND TP Hà Nội có công văn giao nhiệm vụ triển khai sử dụng công nghệ hút bùn của CHLB Đức để nạo vét thí điểm hồ Hoàn Kiếm gửi các sở, ban, ngành của Hà Nội.

Chưa biết bao giờ nạo vét xong Hồ Gươm ảnh 2
PGS.TS Hà Đình Đức (thứ hai, bên phải) cùng các quan chức UBND TP Hà Nội bên Hồ Gươm

Từ trung tuần đến cuối tháng 10-2009, Sở KH&CN Hà Nội tổ chức nhiều cuộc họp với các bên liên quan để triển khai công nghệ hút ép bùn trên hồ Hoàn Kiếm, với lịch làm việc cụ thể như ngày 05 - 07/11/2009 tập kết thiết bị tại hồ Hoàn Kiếm, ngày 08 - 15/11 lắp đặt thiết bị tại hồ Hoàn Kiếm, ngày 16 - 17/11 vận hành thử hệ thống và tìm giải pháp tối ưu, ngày 18 - 27/11 tiến hành nạo hút ép bùn, và ngày 28/11  đến 06/12 tháo dỡ thiết bị chuyển vào container để chuyển về Đức.

Khu vực hút thử nghiệm đã được xác định. Máy móc đã được tập kết bên bờ hồ Hoàn  Kiếm và quây rào bằng lưới B 40 để chuẩn bị tiến hành nạo hút. Bỗng nhiên, trưa 11-11-2009, tôi nhận được cú điện thoại từ ông Giám đốc Sở KH&CN: ”Bác ơi, nội nhật đêm nay, phải đưa máy móc khỏi hồ Hoàn Kiếm” mà không một lời giải thích.

Hôm sau, chiều 12/11, Sở KH&CN triệu tập cuộc họp bàn “Kế hoạch triển khai công nghệ hút bùn CHLB Đức để nạo vét thí điểm hồ Trúc Bạch”. Điều đó có nghĩa là, tạm dừng triển khai ở Hồ Gươm và phải chuyển máy móc về Trúc Bạch.

Tại cuộc họp, tôi phát biểu: “Đây là dự án được ký kết giữa hai chính phủ. Nếu có gì thay đổi, phải trao đổi với tôi (chủ nhiệm dự án - PV) và các chuyên gia Đức. Đây là vấn đề quốc thể, không thể tùy tiện”.

Sau đó, các đại biểu dự cuộc họp vẫn lên hồ Trúc Bạch, khảo sát nơi tập kết máy móc và nguồn điện. Đến khoảng 8h30 ngày 13-11, Phó Giám đốc Sở KH&CN lại bỗng nhiên gọi điện báo cho tôi mọi việc lại bình thường, nghĩa là vẫn làm ở hồ Hoàn Kiếm.

Tại sao các ông không làm theo yêu cầu của ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN Hà  Nội là chuyển ngay thiết bị trong đêm 11-11? Ông có hỏi ông Rao vì sao đưa ra đề nghị ấy không?

Cú điện thoại đó quá bất ngờ. Nhiều chuyên gia Việt Nam và Đức chỉ biết quyết định ấy cho đến khi dự cuộc họp hôm sau. Các đơn vị Việt Nam tham gia không phát biểu gì. Chuyên gia Đức rất buồn, không phát biểu.

Tôi chắc không phải đấy là đề nghị của ông Rao. Trước đó chưa đầy 30 phút, ông ấy còn cùng tôi đứng ở khu vực lắp đặt máy móc bên hồ Hoàn Kiếm. Lúc nhận được cuộc điện thoại, tôi nghĩ hỏi cũng không ích gì nên không hỏi.

Ông có đoán người ra lệnh là ai không? Theo ông, vì sao họ có quyết định đột ngột như thế?

Tôi không suy đoán là ai. Chỉ biết người đó trên quyền ông Rao. Có thể vì tính nhạy cảm và linh thiêng của hồ Hoàn Kiếm nên họ sợ.

Phục sự kiên nhẫn của chuyên gia

Nghĩa là có trục trặc giữa nhóm chuyên gia dự án với Hà Nội?

Trước tiên tôi phải nói lời cảm ơn đến tập thể chuyên gia tham gia dự án về đức tính kiên nhẫn của họ. Đây là tập thể chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín. Họ làm việc hết sức nghiêm túc và trung thực. Kết quả thu được đáng tin cậy.

Ban đầu các nhà quản lý chưa thực sự tin tưởng đối với sự thành công của dự án nên đôi lúc công việc cũng gặp trở ngại cho đến khi kết thúc công việc hút ép bùn trên diện tích thí điểm, với sự chứng kiến của đông đảo báo chí, nhân dân và các quan chức Hà Nội.

Ông có thể nêu ví dụ về sự kiên nhẫn của chuyên gia ?

Cách đây 5 năm, sau khi làm việc với Cty Thoát nước Hà Nội và Sở Giao thông Công chính Hà Nội, thảo luận các ý tưởng và giới thiệu công nghệ của CHLB Đức nhằm cải tạo hồ Hoàn Kiếm, các chuyên gia Đức đến gặp và trao đổi với tôi lần đầu tiên vào ngày 13-5-2005, tôi chưa đồng ý.

Đến ngày 14-9-2005, chuyên gia Đức lại đến gặp tôi và trình bày công nghệ hút ép bùn của Đức, chỉ hút tách bùn. Họ còn chú ý đến tâm linh và  tính nhạy cảm của hồ Hoàn Kiếm nên bước đầu tôi thấy có thể chấp nhận được. Nhưng tôi cho họ biết thực hiện ở hồ Hoàn Kiếm không hề đơn giản.

Họ tiếp tục chờ đợi cho đến khi có tên dự án trong biên bản ghi nhớ hợp tác song phương ngày 11-10-2005.

Công tác chuẩn bị kéo dài bốn năm, có những lúc gần như đổ vỡ. Ngay cả với sự kiện bất ngờ ngày 11-11 nêu trên, chuyên gia Đức cũng không phản ứng gì và cùng ra hồ Trúc Bạch khảo sát với các quan chức Hà Nội dù đấy là môt việc làm đơn phương của Thành phố, không thảo luận, không thông báo trước cho đối tác.

Có được sự kiên nhẫn ấy, có lẽ ngoài việc tin ở kết quả khoa học còn là đức tính của một dân tộc.

Không phải dự án chào mừng

Chưa biết bao giờ nạo vét xong Hồ Gươm ảnh 3 Không thể ấn định ngày hoàn thành. Đây không phải là dự án chào mừng Chưa biết bao giờ nạo vét xong Hồ Gươm ảnh 4 - PGS.TS Hà Đình Đức 

Hà Nội muốn mua lại hệ thống hút bùn ở Hồ Gươm cũng là một quyết định bất ngờ?

Đáng lý, sau khi dự án khả thi kết thúc vào 27-11-2009, các chuyên gia Đức tháo dỡ máy móc đóng vào container đưa về cảng Hải Phòng và rời khỏi Việt Nam ngày 06-12-2009.

Có lẽ thấy hệ thống máy móc hút ép thí điểm đem lại hiệu quả nên Thành phố muốn mua lại và muốn được chuyển giao công nghệ để tiếp tục thực hiện ở hồ Hoàn Kiếm và có thể thực hiện trên một số hồ khác.

Quyết định này cũng gây bất ngờ và khó khăn cho phía Đức bởi vì nhập máy phải thông qua hải quan Việt Nam, đóng thuế và có thời hạn. Đây là hàng hóa tạm nhập tái xuất. Máy để lại phải xin gia hạn nếu không sẽ bị phạt theo luật pháp. Nhưng tôi tin mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp.

Công việc mua lại thiết bị và chuyển giao công nghệ còn phải chờ đàm phán và ký kết hợp đồng giữa hai bên.

Chỉ còn hơn 200 ngày nữa là đến lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Theo ông, việc nạo vét toàn bộ Hồ Gươm có xong trước giờ G?

Hồ Hoàn Kiếm có vị trí đặc biệt không chỉ về cảnh quan, môi trường mà cả về tâm linh. Hồ đang đứng trước nguy cơ suy thoái, trở thành sình lầy trong một thời gian không xa.

Lớp trầm tích tồn đọng hàng trăm năm làm tôn cao đáy hồ. Chỗ sâu nhất trong hồ chỉ 1 m, còn trung bình 0,60 – 0,70 m. Nhưng khi tiến hành vẫn phải giữ cho được hai đặc trưng cơ bản: 1/ Màu xanh vốn có của hồ, cụ thể là giữ được hệ vi tảo mà trong đó có các chủng tảo tạo nên mà xanh đó; 2/ Bảo đảm an toàn cuộc sống của cụ rùa, linh hồn của hồ Hoàn Kiếm.

Vì thế không thể ấn định ngày hoàn thành. Đây không phải dự án chào mừng. Tôi dự tính, khi nạo vét toàn bộ, môi trường Hồ Gươm có thể diễn biến hoàn toàn khác so với diện tích nạo thí điểm. Phải theo dõi chặt chẽ  và có thể dừng lại một thời gian để môi trường  ổn định mới tiếp tục được.

Hơn nữa, dự án này không trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi mới nhận được thông tin, đến ngày 17-1-2010, đoàn chuyên gia Đức sẽ tới Việt Nam trong đó có GS. Petef Werner, trưởng dự án về phía Đức. Ngày 21-1, chúng tôi sẽ bàn giai đoạn tiếp theo.

Thời gian hoàn thành còn phụ thuộc vào khối lượng bùn phải hút và diễn biến về môi trường trong khi vận hành máy móc nên không thể nói trước được.

Giả sử trong quá trình nạo vét hồ tuân thủ đúng những gì hai bên đã thoả thuận, bỗng đâu vẫn xảy ra sự cố gì đó với loài rùa quý. Hai bên có bàn với nhau sẽ quy trách nhiệm thế nào không?

Trong quá trình nạo vét hồ phải theo dõi về sự biến động của môi trường và sự an toàn của cụ rùa. Đây là trách nhiệm của tất cả các chuyên gia môi trường và chuyên gia công nghệ tham gia dự án, chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho một nhóm hay một cá nhân nào.

Đến thời điểm này, niềm tin dự án thành công có bị lung lay trong ông không? Trở ngại lớn nhất nào mà ông đã vượt qua? Ông thấy điều gì hài lòng nhất, điều gì lo nhất?

Cải tạo hồ theo công nghệ hút ép tách bùn CHLB Đức ít gây xáo trộn môi trường vì bùn được máy hút trực tiếp vào ống dẫn mà tầng đáy không bị khua khoắng. Tôi tin dự án sẽ thành công.

Trở ngại lớn nhất đã vượt qua là đưa máy xuống hồ và hoạt động thí điểm theo quyết định của thành phố thành công. Điều tôi hài lòng nhất là giai đoạn thực nghiệm được công luận và nhân dân đồng tình. Đó là thành công bước đầu.

Lo nhất là sự phối hợp giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý để tìm được tiếng nói chung vì mục tiêu của dự án.

Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG