Gần 20 ngàn công nhân tiếp tục đình công

Gần 20 ngàn công nhân tiếp tục đình công
TP - Ngày 5-4, trên 18 ngàn công nhân lao động thuộc ca 1, ca 2 và ca hành chính của Cty Pouchen (tại xã Hòa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn tiếp tục đình công sang ngày thứ ba.
Gần 20 ngàn công nhân tiếp tục đình công ảnh 1

Công nhân Cty Pouchen tràn xuống đường gây ách tắc giao thông - Ảnh: Đức Minh

Khác hai ngày đình công trước, hàng trăm công nhân đã đứng tràn ra mặt đường trước cổng Cty gây ách tắc giao thông trên đoạn đường này theo chiều từ ngã tư Linh Xuân (TPHCM) - TP Biên Hòa. Lực lượng CSGT đã phải điều tiết các phương tiện giao thông đi theo tuyến đường khác.

Các công nhân đình công cho rằng mức lương Cty vừa ban hành thấp, tiền thưởng không thỏa đáng.

Cụ thể, năm 2009, do suy thoái kinh tế, Cty cắt các khoản tiền thưởng ngày lễ, nay tình hình kinh tế đã tốt hơn, Cty có nhiều đơn hàng trở lại nên phải khôi phục lại chính sách thưởng công nhân trong ngày lễ.

Trong những ngày qua, đoàn công tác giải quyết đình công gồm Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, LĐLĐ TP Biên Hòa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Ban Quản lý các KCN, UBND TP Biên Hòa đã tiếp xúc với người lao động.

Đoàn đã xác định nguyên nhân dẫn đến đình công là trong hai năm qua, Cty không nâng lương cho người lao động. Đến nay Cty mới có thông báo nhưng mức nâng lương cho mỗi bậc chỉ có 5%, trong khi công nhân yêu cầu phải nâng mức lương cao hơn 5%.

Đến trưa cùng ngày, Cty Pouchen đưa ra thông báo sẽ thực hiện nâng bậc lương mỗi năm một lần...

* Tại Quảng Nam: Sáng 5-4, gần 1.000 công nhân làm việc tại phân xưởng Gò ráp thuộc Cty sản xuất giày da Rieker (100% vốn của Đức, đóng tại KCN Điện Nam, Điện Ngọc, Quảng Nam) đình công yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, cải thiện chế độ làm việc và đời sống cho công nhân.

Các công nhân đình công cho biết: Công ty đưa ra quy định mỗi công nhân mỗi ngày phải làm việc đạt trên 65% công đoạn sản phẩm, nếu không sẽ bị phạt và trừ lương; công nhân phải làm việc trên 8 tiếng không có giờ nghỉ trưa; khẩu phần ăn không đảm bảo; không có nước uống trong giờ làm việc, mức lương giữa công nhân mới và công nhân cũ như nhau...

Dù công nhân đã nộp bảo hiểm thất nghiệp nhưng hàng tháng công nhân nghỉ việc vì không có hàng cũng không được trả lương theo quy định, không được trả tiền độc hại hằng tháng, nghỉ một ngày bị trừ 150.000 đồng. Mặc dù công nhân phân xưởng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo Cty nhưng không được giải quyết.

Ngay sau khi công nhân đình công, lãnh đạo Cty đã có mặt nhưng lời giải thích đưa ra chưa thỏa đáng.

MỚI - NÓNG