“Dân kiện quan” không dễ!

“Dân kiện quan” không dễ!
TP - Hôm qua, thảo luận ở tổ về dự án Luật Tố tụng hành chính, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, luật này chính là quy định “dân kiện quan”, nhiều người ví như “con kiến mà kiện củ khoai”, nên không đơn giản.
“Dân kiện quan” không dễ! ảnh 1


Được khởi kiện ngay

Nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất Ủy ban Tư pháp, nếu không đồng tình với quyết định hành chính, người dân có thể khởi kiện ngay ra tòa mà không phải qua thủ tục khiếu nại hành chính lần đầu.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, khi khởi kiện là người dân đã rất không hài lòng với quyết định hành chính, nên không cần thiết phải khiếu nại lên cơ quan cấp trên, mà có thể khởi kiện ngay. Tuy nhiên, một số lĩnh vực chuyên ngành như sở hữu trí tuệ thì nên yêu cầu phải giải quyết khiếu nại trước.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP HCM) bày tỏ, đây là dự án luật ông quan tâm nhất. Ông Trừng ủng hộ đề xuất cho người dân khởi kiện ngay ra tòa, không cần khiếu nại lần đầu. Luật sư này cho rằng, Ủy ban Tư pháp còn dè dặt và không nên lo thay cho công dân đi khiếu kiện, bởi quy định những lĩnh vực chuyên môn thì phải giải quyết khiếu nại trước.

Hiện nay, chúng ta đang chuyên môn hóa thẩm phán, chuyên sâu từng lĩnh vực. Nếu thấy cần thì nâng cao chất lượng thẩm phán, chứ không vì lo ngại chất lượng thẩm phán mà không để dân khởi kiện ngay. “Sửa vấn đề này mới hợp lòng dân”- Ông Trừng nói.

Đại biểu Tất Thành Cang (TP HCM) đồng tình, ban hành luật này là rất cấp thiết bởi chính quyền địa phương rất “nóng”. Luật đi vào cuộc sống thì đội ngũ cán bộ, công chức phải nâng mình lên để tham mưu đúng cho lãnh đạo; tăng cường niềm tin của người dân vào các quyết định hành chính.

Băn khoăn hiệu lực tòa án

Mừng vì quy định mở cho dân, nhưng nhiều đại biểu cũng băn khoăn về hiệu lực của tòa án cùng cấp khi xử những vụ việc liên quan đến chính quyền. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) thẳng thắn: “Điều quan trọng nhất là toà có dám xử công bằng không, và người đứng đầu ký quyết định hành chính có phải ra toà không? Điều này đã quy định trong pháp lệnh hiện hành, nhưng “quan” tránh mà toà cũng tránh luôn”.

Đại biểu Ngô Văn Minh phân tích, nhiều trường hợp tòa tuyên quyết định của chính quyền không đúng, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người dân nhưng không thi hành án được. Do vậy, luật cần bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước, nếu không việc giải quyết vụ án hành chính cũng chỉ nửa vời.

Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, luật này thực chất là quy định “dân kiện quan” mà nhiều người hay nói “con kiến mà kiện củ khoai”, nên không phải dễ. Ông Minh cho rằng, cần đẩy nhanh chiến lược cải cách tư pháp, hình thành các tòa án khu vực mới giải quyết được tận gốc vấn đề. Chứ như hiện nay, tòa án rất khó xử các quyết định của cơ quan hành chính cùng cấp.

Đại biểu Chu Sơn Hà cũng băn khoăn về tính khả thi của luật. Thẩm phán trước khi bổ nhiệm phải được cấp ủy cùng cấp xem xét. Vậy làm sao mà ông thẩm phán công tâm khi xem xét quyết định của ông chủ tịch đúng hay sai. “Nếu thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật thì quá đơn giản”- Ông Hà nói.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị, cần mở rộng khái niệm quyết định hành chính để dân có quyền khởi kiện. Hiện có nơi lách bằng cách không ra quyết định hành chính, mà chỉ có công văn truyền đạt ý kiến, thông báo, mang tính chỉ đạo, bắt buộc thi hành, nhưng người dân lại không có cơ sở khởi kiện. Do vậy, trong luật cần quy định, văn bản của cơ quan Nhà nước, đóng dấu quốc huy, do người có thẩm quyền ký, đều được coi là quyết định hành chính.

MỚI - NÓNG