Đề xuất 6.000 tỷ đồng đầu tư tàu một ray: Bộ GTVT lo ngại

Tàu monorail được sử dụng tại nhiều thành phố
Tàu monorail được sử dụng tại nhiều thành phố
TP - Tổng Cty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đầu tư dự án tàu trên cao dọc tuyến đường Láng - Hòa Lạc. Theo Vinaconex nếu được chấp thuận, đơn vị sẽ hoàn thành dự án trong 24 tháng kể từ ngày khởi công.

Hà Nội:

Đề xuất 6.000 tỷ đồng đầu tư tàu một ray: Bộ GTVT lo ngại

Tàu monorail được sử dụng tại nhiều thành phố
Tàu monorail được sử dụng tại nhiều thành phố .

150 tỷ đồng cho 1 km

Theo đề xuất ban đầu (tháng 10-2009), tuyến tàu một ray có điểm đầu là đường vành đai 3 và kết thúc tại ĐH Quốc gia (Hòa Lạc) với chiều dài khoảng 33km, có 10 ga và mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng (165 triệu USD).

Tuy nhiên, sau khi có sự tham góp của các bộ, và UBND TP Hà Nội, tuyến tàu một ray được điều chỉnh theo hướng kéo dài hơn. Điểm đầu từ nam Hồ Tây, cuối đường Liễu Giai ( sân vận động Quần Ngựa) theo đường Nguyễn Chí Thanh- Trần Duy Hưng- Láng- Hòa Lạc. Như vậy tuyến đường có chiều dài khoảng 38km.

Làm việc với PV Tiền Phong ngày 24-6, ông Trần Quang Việt Hà, Trưởng BQLDA thuộc Vinaconex Xuân Mai cho biết, đến nay dự kiến tổng mức đầu tư của dự án lên đến trên 5.800 tỷ đồng, tương đương suất đầu tư khoảng 8 triệu USD/km.

Trên toàn tuyến dự kiến có 14 ga. Đây là tuyến đường 1 ray được xây dựng cao trên mặt đất khoảng 4-5m. Tàu chạy với tốc độ trung bình 60-70km/h trong điều kiện 3km/1 ga. Theo phương án thiết kế dự kiến công suất chuyên chở sẽ đạt khoảng 60.000 hành khách/ngày/hướng, với điều kiện tàu chạy 16giờ/ngày. Số toa tàu hoạt động là 60.

Theo ông Hà, hiện đơn vị đã có những cuộc làm việc và khảo sát công nghệ từ các đối tác Mỹ và Trung Quốc (thành phố Trùng Khánh).

Theo đánh giá ban đầu, tàu monorail của Trung Quốc được ứng dụng theo công nghệ của Hitachi ( Nhật Bản), ưu điểm là rộng, khối lượng vận chuyển lớn, giá thành hợp lý song kết cấu cồng kềnh, tàu chạy một ray ôm hai bên dầm, việc dẫn hướng khó khăn dẫn đến việc đầu tư cho các trạm, ga tốn kém.

Công nghệ thứ hai đang được xem xét là tàu Urbanaut (của Mỹ). Đây là loại tàu chạy trên mặt dầm với ray dẫn hướng. Vì vậy dễ thay đổi hướng đường dẫn, không phải đổi hướng dầm lớn, tàu nhẹ nên tiết kiệm nhiều chi phí.

Về giải pháp khai thác vận hành của tuyến monorail, bà Lê Thị Kim Cương, Phó Giám đốc Ban đầu tư của Vinaconex cho biết, đơn vị đang xin phương thức đầu tư BT (xây dựng chuyển giao). Tuy nhiên, chi phí vận hành, khai thác của tuyến monorail theo bà Cương là phù hợp với thu nhập của người dân Hà Nội. Vé dự kiến sẽ được bán theo chặng và bán toàn tuyến.

Để đảm bảo thu hút khách, Vinaconex cũng tính tới hai phương án. Một là nắn các tuyến đường tàu từ Láng- Hoà Lạc chạy sâu vào các khu đô thị, khu công nghiệp, trường học dọc hai bên trục đường. Phương án này khá tốn kém.

Phương án hai là xây dựng các tuyến đường gom, ga gom sau đó hành khách có thể lên toa tàu tự động chạy ra các ga chính. Do tàu chạy trong các khu đô thị nên một trong những tiêu chí quan trọng đặt ra là phải đảm bảo mỹ quan. “ Monorail chạy bánh hơi, động cơ điện, nên hầu như không có tiếng động đáng kể”- Ông Hà cho biết.

Bộ GTVT lo ngại

Sau khi có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2009 và đầu năm 2010, Vinconex đã nhận được nhiều văn bản tham góp của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội...

Các đơn vị này đều ủng hộ đề xuất của doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn chế. Và rằng, việc đề xuất của Vinaconex là phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, để thực hiện dự án này, doanh nghiệp cần làm việc với Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội để thống nhất phương thức đầu tư.

Nhưng trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ nhiệm vụ chủ dự án nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị này.

Hiện dự án có các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc quan tâm; trong đó có tổ hợp 8 nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc (với tên viết tắt là VKRC) đứng đầu là Cty Namkwang ( Hàn Quốc) đang xúc tiến kêu gọi đầu tư vào dự án.

Bộ GTVT nhất trí với chủ trương, hoan nghênh các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu và đầu tư vào dự án theo hình thức không độc quyền.

Có nghĩa là, các nhà đầu tư được nghiên cứu đồng thời, kết quả dự án sẽ được trao cho nhà đầu tư có đề xuất khả thi nhất

Tiếp đó, Bộ GTVT cho rằng đề xuất của Vinaconex không phù hợp bởi các lý do. Một là: monorail chỉ chạy trên cao, trong khi tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Hoà Lạc - Ba Vì) có những đoạn đi ngầm ( qua Trung tâm Hội nghị quốc gia) và đi trên mặt đất (dọc hai bên đường Láng - Hoà Lạc).

Thứ hai, về năng lực vận tải: với công suất 5.120 người/giờ thì không thể đáp ứng được nhu cầu vận tải ngay khi đưa vào sử dụng. Đặc biệt, lo ngại lớn của Bộ GTVT là với suất đầu tư 5 triệu USD/km (đã điều chỉnh lên 8 triệu USD/km khi kéo dài đến Liễu Giai) là chưa đủ căn cứ.

“ Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì suất đầu tư cho một km monorail trung bình khoảng 45 triệu USD theo thời giá hiện tại”- văn bản của Bộ GTVT khẳng định. Bộ này cũng khẳng định, hầu hết các tuyến đường sắt đô thị mới được xây dựng đều sử dụng loại hình vận chuyển nhanh, khối lượng lớn theo tiêu chuẩn đường sắt đôi điện khí hoá, khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm, có thể chạy trên mặt đất, trên cao và đi ngầm.

Được biết, ngày 22-3-2010, Bộ GTVT đã có quyết định cho phép Cục Đường sắt Việt Nam lập Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đường sắt này. Và Bộ GTVT lưu ý, Cục ĐSVN chỉ đạo tư vấn nghiên cứu đề xuất của Vinaconex.

MỚI - NÓNG