Ngổn ngang nông thôn mới

Đường liên thôn của Thụy Hương
Đường liên thôn của Thụy Hương
TP - Đến nay, sau hai năm Nghị quyết tam nông ra đời, ngoài những thành công còn bộc lộ nhiều hạn chế, rõ nét nhất là 11 xã được chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Phóng viên Tiền Phong thâm nhập thực tế, tận thấy việc cải tổ nông thôn cũ thành NTM cũng chẳng dễ dàng...

>> Loạt bài: Những ngôi làng rỗng

Đường liên thôn của Thụy Hương
Đường liên thôn của Thụy Hương.

Thụy Hương (Chương Mỹ) là một trong 11 xã trên cả nước được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới theo Nghị quyết tam nông. Đây cũng là nơi duy nhất của Hà Nội được chọn làm thí điểm. Theo Đề án thành phố phê duyệt giữa tháng 9-2009, số vốn cần xây dựng NTM cho Thụy Hương lên tới gần 106 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách hơn 70 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp hơn 16 tỷ, dân đóng góp hơn 14 tỷ đồng, từ xã hội hóa gần 4 tỷ đồng... Nguồn tiền này sẽ được dùng để làm điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa; làm dự án rau an toàn, cây ăn quả, trồng hoa...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, trước mắt sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang lại nhà cửa, vệ sinh môi trường; nâng cao nhận thức về nếp sống văn hóa mới như cưới xin, lễ hội… đồng thời, phấn đấu để đến 2011 tăng gấp rưỡi thu nhập bình quân đầu người.

Khi tôi đến Thụy Hương, sau 9 tháng, nơi đây đã xây dựng được 8 km đường bê tông liên xã và liên thôn, một trạm bơm, một nhà văn hóa thôn...Tính ra, theo UBND huyện Chương Mỹ, tổng kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình trên khoảng 38 tỷ đồng, trong đó riêng người dân đóng góp 4,5 tỷ đồng (gồm thu 15kg thóc/người/năm; thu trong 3 năm 5 kg thóc/sào/năm và ngày công lao động)...

Xã, thôn có đường mới, ai cũng vui. Mùa mưa đến, Thụy Hương không còn cảnh lầy lội. Nhưng với người dân nơi đây, việc xây công trình này nọ mới chỉ là một góc của xây dựng NTM. Lão nông Đặng Quay Chuyên, 78 tuổi ở thôn Phú Bến nói: “Hai năm nay, Phú Bến không bầu được trưởng thôn. Bởi khi xây Nhà văn hóa, hết hơn 700 triệu đồng, họ xây ngay trong đất đình làng. Chi tiêu thâm hụt trên 80 triệu đồng, nhưng không chứng minh được, không ai nhận trách nhiệm. Mảnh đất giếng chung của làng bị bán, xã viên không hay biết...”.

Dân vẫn chờ

Chị Bùi Thị Đào (thôn Trung Tiến) bên đống rau muống ngổn ngang vừa cắt xong, kể: “Nhà có 9 sào thì 3 sào vùng bãi dính vào dự án rau an toàn. Cán bộ bảo dự án sẽ thuê lại, trả tương đương 2 tạ thóc/sào/vụ, chúng tôi thấy vui lắm. Nhưng chờ mãi, vẫn chỉ thấy cán bộ bàn chủ trương thôi. NTM, tức là hiện đại, gắn với tri thức, với nếp sống mới, gắn với sự no đủ. Nhưng những cái đó, tôi nghĩ ở vùng quê này còn xa lắm !?”.

Anh Trịnh Hữu Bảo (thôn Phú Bến) tạm dừng những nhát cuốc trên thửa ruộng gần đình làng, nói: “Chú hỏi về NTM à? Tôi vẫn chưa thấy gì mới đâu. Chỉ biết cán bộ phổ biến rồi bảo tham gia dự án, còn cụ thể thế nào thì chưa rõ”.

Xã Thụy Hương cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía tây nam, có diện tích tự nhiên gần 520 ha; gồm 7 thôn (Trung Tiến, Chúc Đồng I, Chúc Đồng II, Tân Mỹ, Tân An, Phú Bến và Phúc Cầu); dân số gần 8.000 người; tỷ lệ hộ nghèo gần 15%.

Theo anh Bảo, vừa rồi thôn có phổ biến đóng 5 kg/thóc/vụ để làm đường, nhưng nhiều hộ chưa đồng tình. Thôn này thuộc diện khó khăn nhất xã, cứ bắt dân đóng góp nhiều khoản, lấy đâu ra. Mấy dự án trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả lấy mấy chục héc ta, nhưng khi bị lấy đất, liệu chúng tôi sẽ làm nghề gì, cũng chưa thấy nói cụ thể. Chính sách đổi mới cho nông thôn thì rất tốt, nhưng nói phải làm, còn nói xong mà dân vẫn khổ thì dân mất tin!

Từ đầu năm đến nay, chị Nguyễn Thị Nga (thôn Phú Bến) đi họp xã viên ba lần bàn về xây dựng NTM. “Có lần họp tôi nghe lãnh đạo cấp trên hỏi gia đình đang cấy mấy sào, năng suất, thu nhập ra sao, có cần phải giúp đỡ gì không? Tôi bảo có mười phần, thì sáu phần phải đi vay để đầu tư vào hơn 5 sào ruộng, đến kỳ thu hoạch lại đi trả nợ là hết. Chẳng thấy cán bộ nói gì nữa” - Chị Nga kể.

Theo chị Nga, từ khi họp xã viên để phố biến về chương trình NTM, gia đình chị được cấp 1,5 kg lúa giống Bắc Thơm/sào (khu vực trồng lúa). Vừa rồi, thôn cũng phổ biến sẽ hỗ trợ mỗi sào 30% phân bón, nhưng chưa cấy, nên chị chưa lĩnh. Cũng thấy bảo sẽ hỗ trợ mỗi thôn một máy gặt liên hợp, mỗi vụ gặt chỉ phải trả 115.000 đồng/sào, rẻ hơn nhiều so với giá đi thuê hiện nay là 220.000 đồng/sào. Nhưng vẫn chưa thấy cái máy ấy đâu.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG