Giấc mơ bay của ông chủ đầm tôm

Máy bay có hình sếu đầu đỏ vừa được sơn thử
Máy bay có hình sếu đầu đỏ vừa được sơn thử
TP - Báo giới liên tục săn lùng nhưng không ai biết ông chủ thực sự của Hãng hàng không tư nhân thứ 3 của Việt Nam-Air Mekong. Nhiều người tò mò vì hàng không tư nhân ở Việt Nam có sinh nhưng khó trưởng (ngay như đại gia Hà Dũng cũng mất hút sau thời gian ngắn bay), nhưng vị đại gia bí hiểm này lại quyết bay đúng ngày đại lễ 1.000 năm Thăng Long...
Máy bay có hình sếu đầu đỏ vừa được sơn thử
Máy bay có hình sếu đầu đỏ vừa được sơn thử . Ảnh: Airliners.net

Hãng bay mang hình sếu đầu đỏ

Muốn gặp được ông Đoàn Quốc Việt-Chủ hãng Hàng không tư nhân Air Mekong (AM) không dễ, bởi ông thoắt ẩn, thoắt hiện từ vuông tôm này tới cánh đồng muối kia. Cảm giác đầu tiên khi gặp ông: Chân chất như nông dân, như ông tự nói “tôi xuất thân từ người nghèo”.

Air Mekong hiện hình thành đến đâu rồi, thưa ông?

Chúng tôi đặt mục tiêu đúng ngày 10-10-2010 đại lễ 1.000 năm Thăng Long sẽ cất cánh. Bởi vì, chúng tôi muốn ngày khai trương có một ý nghĩa đặc biệt. Hiện, mọi người đang tích cực chuẩn bị, thời gian không còn bao nhiêu mà thủ tục lại nhiều thứ.

Chúng tôi dự kiến thuê 4 máy bay, tuy nhiên cũng chưa biết đến ngày đó có lo đủ về nhân sự để phục vụ cho việc bay 4 máy bay này hay không. Khả năng trong khoảng tháng 11 tới sẽ có đủ 4 máy bay. Phương án này chắc chắn đến 90-95%.

Ông Đoàn Quốc Việt
Ông Đoàn Quốc Việt . Ảnh: Bảo Khánh

AM sẽ chọn máy bay Bombardier loại CRJ 900 có 95 chỗ, gồm 2 hạng thương gia và hạng phổ thông. Đây là những máy bay được AM thuê lại. Chúng tôi đang đàm phán với hãng cho thuê máy bay. Tôi không nhớ tên cụ thể ngay bây giờ nhưng anh em đang đi làm. Họ đã sơn thử máy bay và logo. Hiện nay, mọi người đang phải vắt chân lên cổ và nhiều việc vẫn còn dở dang.

AM dự kiến khai thác như thế nào ở nội địa?

Giai đoạn đầu, chúng tôi dự kiến sẽ bay Hà Nội – TP HCM, Hà Nội – Phú Quốc, TP HCM – Phú Quốc. Chúng tôi dành ưu tiên cho Phú Quốc, ngoài ra sẽ có điểm nối từ TP HCM – Đà Nẵng và tiến tới là Đà Nẵng - Phú Quốc. Hiện, hãng mới tuyển được 30 tiếp viên hàng không và sẽ tiếp tục tuyển dụng.

AM sẽ hoạt động dưới mô hình giá rẻ hay truyền thống?

Trước hết, AM là hãng hàng không bay với thương hiệu Việt Nam, logo của hãng là hình ảnh con sếu đầu đỏ. Điều này cũng có nhiều ý nghĩa. Con sếu đầu đỏ trên biểu tượng của hãng là động vật quý hiếm, xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long và được bảo vệ. Tôi cũng muốn hãng bay thuần Việt này sẽ hoạt động sôi động ở trong nước và được nhiều người bảo vệ như loài sếu đầu đỏ.

AM sẽ hoạt động như hãng hàng không truyền thống. Và, máy bay của AM cỡ nhỏ, vừa nên chủ yếu làm nhiệm vụ gom khách, nối chuyến cho khách của Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JP) và Vietjet Air. Chúng tôi chủ yếu sẽ gom khách du lịch từ các sân bay nhỏ đến sân bay to. Về lâu dài, hãng cũng không có chủ trương bay những máy bay to như Airbus hay Boeing.

Trong bối cảnh hàng không còn nhiều khó khăn, AM làm sao tiếp cận được thị trường?

Chúng tôi chỉ chọn ở giữa anh giá rẻ và anh truyền thống, với mức giá vừa phải. Tương lai, quy mô có phát triển nữa hay không phụ thuộc vào thị trường. Nếu thị trường tốt, có thể sang năm chúng tôi đưa thêm 10 chiếc nữa vào.

Thực ra, thị trường hàng không nội địa không phải là khó khăn. Ví dụ năm ngoái, lượng khách nội địa tăng 27-28%, đấy là sự phát triển ngoạn mục. Tuy nhiên, có một khó khăn, AM là hãng hàng không nhỏ, mới ra đời mà lại chọn một phân khúc thị trường mà nói nôm na né các ông anh VNA, JP.

Chẳng hạn, hiện nay khách muốn bay từ Hà Nội tới Phú Quốc, phải qua TPHCM; giờ đây, AM thiết lập đường bay thẳng Hà Nội-Phú Quốc. Hoặc, chúng tôi có thể chia sẻ thêm các giờ bay cao điểm, như: nếu các chuyến bay các hãng bị đầy khách Hà Nội-TPHCM, chúng tôi có thể bay đường này. Bay bằng máy bay nhỏ có ưu điểm như vậy, nhưng chi phí trên một hành khách sẽ cao hơn so với máy bay lớn.

Tôi bắt đầu tính lập hãng hàng không cũng từ việc đầu tư vào du lịch Phú Quốc. Cho nên cá nhân tôi nghĩ rằng, hàng không phải nằm trong chuỗi dây chuyền sản xuất để phục vụ cho khách du lịch; đặc biệt khách du lịch theo mùa của chúng tôi.

Vậy giá vé dự kiến thế nào?

Hiện chưa có giá cụ thể nhưng đó sẽ không phải giá vé như của JP, mà giống giá vé truyền thống của VNA; thậm chí có thể đắt hơn một chút. Tuy nhiên, nếu bay Hà Nội-Phú Quốc, chúng tôi sẽ tạo ra tiện ích cao hơn. Chẳng hạn, thông thường hiện nay, hành khách phải bay từ Hà Nội vào TP HCM rồi bay tiếp ra Phú Quốc. Khách của AM bay thẳng Hà Nội - Phú Quốc sẽ có giá rẻ hơn một chút.

Cho đến thời điểm này, AM vẫn chưa quyết giá vé, nhưng có thể sẽ lấy giá vé của VNA làm chuẩn. Trong thực tế, chúng tôi cũng không có ý định lấy giá rẻ hơn VNA. Chúng tôi sẽ cố gắng để tạo ra một thương hiệu hàng không Việt, không lấy thương hiệu nước ngoài.

Nhút nhát và lặng lẽ

Ngày trước, đại gia Hà Dũng cũng muốn hướng hãng Hàng không Đông Dương thành hãng thuần Việt?

Hà Dũng lãng mạn hơn, còn tôi thì nhút nhát hơn. Chúng tôi chỉ âm thầm lặng lẽ làm việc thôi. Tôi chọn một cách đi từ từ, phù hợp với sức mình. Ví dụ như không dám đi vào con đường của các hãng khác, mà chúng tôi muốn tạo ra một sản phẩm mới.

Hơn nữa, tôi xác định được cái khó khăn của kinh doanh hàng không để phấn đấu, chấp nhận một thời gian khó khăn. Bên cạnh đó, tôi hiểu rằng kinh doanh hàng không không phải lĩnh vực sinh lãi suất ghê gớm, nếu không đưa nó vào trong một chuỗi sản phẩm. Do đó, đặt nó vào một bài toán chung sẽ có cách khắc phục được.

Hàng không thuần Việt của ông có thuê Tây quản lý không?

Theo tôi nên giải quyết hài hoà giữa vấn đề tây và ta. Ví dụ nếu là ta thì sẽ thông thổ hơn, rồi quan hệ với cơ quan chức năng trong nước sẽ tốt hơn. Nhưng, công nghệ khai thác máy bay thì tây làm tốt hơn. Vì vậy, bước đầu có thể chọn người nước ngoài sau đó dần dần chuyển giao công nghệ cho người Việt Nam khai thác.

Nghe nói nhà đầu tư Mỹ đã để mắt tới hãng hàng không của ông?

Chúng tôi cũng đang muốn những sự đóng góp dưới dạng chuyển giao công nghệ. Hiện, có một khách hàng Mỹ là ASA, chuyên về khai thác đang đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi. Họ có quyền lợi trong việc đóng cổ phần nhưng nghĩa vụ của họ là phải chuyển giao các công nghệ khai thác.

ASA không trực tiếp đứng ra điều hành các hãng bay. Họ phải hoạt động dưới thương hiệu Air Mekong-Hãng do người Việt chỉ đạo và dùng chất xám của họ, đặc biệt những khâu như kỹ thuật, an toàn bay...

Hàng không là lĩnh vực khác với những gì ông đang làm, vậy ông có phải thuê nhiều chuyên gia?

Công ty chúng tôi kinh doanh nhiều lĩnh vực nhưng có điều làm cái gì cũng áp dụng công nghệ tốt nhất có thể. Ngay cả trong những việc tưởng đơn giản như nuôi tôm. Trong lĩnh vực này, chúng tôi có 30 chuyên gia nước ngoài. Khai thác đồng muối ở Ninh Thuận, chúng tôi cũng có người nước ngoài.

Mỗi năm, chúng tôi xuất khẩu gần chục nghìn tấn tôm đi Mỹ, Nhật Bản và không có hàng để bán. Bán chạy thế vì chúng tôi làm theo chuỗi từ con giống, nuôi, bố mẹ...

Làm hãng hàng không cũng vậy thôi, nếu không nỗ lực phấn đấu để tìm ra một sản phẩm mới nằm trong chuỗi thì dễ thất bại.

Cám ơn ông.

Đình Thắng
Thực hiện

MỚI - NÓNG