Không thể chỉ đổ tại trời

Không thể chỉ đổ tại trời
TP - Không ngoài cảnh báo của dư luận, trận mưa lớn đầu mùa đổ sập vào giờ cao điểm sáng 13-7, nhanh chóng dìm Hà Nội trong biển nước. Cả triệu phương tiện giao thông rơi hỗn loạn, cuộc sống sinh hoạt, làm việc của Thủ đô bị đảo lộn. Nhiều cái chết thương tâm, những câu chuyện cười- khóc ập đến trong cơn mưa.

>> Hà Nội: Phố biến thành sông

Đường phố Hà Nội ngổn ngang sau trận mưa lớn. Ảnh chụp tại đường Bà Triệu sáng 13 - 7
Đường phố Hà Nội ngổn ngang sau trận mưa lớn. Ảnh chụp tại đường Bà Triệu sáng 13 - 7 . Ảnh: Hồng Vĩnh

Giao thông tê liệt nhiều giờ

Có lẽ từ tháng 11-2008 đến nay người dân Hà Nội mới lại có dịp chứng kiến một trận ngập lớn trên diện rộng như sáng qua. Cơn mưa sau nhiều ngày nóng gắt dường như đổ thêm bức xúc vào hàng triệu người dân tham gia giao thông khi phải bơi trên phố.

Hà Nội đạt lượng mưa lớn nhất

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trận mưa xuất hiện do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục theo hướng Tây Bắc- Đông Nam kết hợp với hội tụ gió Đông Nam trên cao.

Dự báo, trong sáng nay 14-7, mưa rào và giông sẽ tiếp tục xảy ra tuy nhiên lượng mưa sẽ giảm đáng kể, chỉ còn từ 30-50mm, và mưa rải rác, không xảy ra trên diện rộng như trận mưa sáng qua.  

Hầu hết tuyến phố nội đô như: Giải Phóng, Kim Liên, Nguyễn Lương Bằng, Cát Linh, Kim Mã... đều bị ngập, giao thông nhiều tuyến đường bị đình trệ. Các tuyến phố như: Nguyễn Khuyến, Thái Hà, ngã 5 Bà Triệu, Khâm Thiên, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Trần Hưng Đạo (Ga Hà Nội) có điểm ngập sâu lút yên xe máy...

Hà Nội có 3,6 triệu xe máy, trên 300.000 ô tô. Thế nhưng, mưa to thì chúng trở nên vô dụng vì không có chức năng bơi lội. Hàng trăm xe ô tô chìm trong nước. Nhà xe cứu hộ bội thu. Đáng chú ý là hầm Kim Liên vừa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng cũng biến thành khúc sông. Cả tuyến đường Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh - Xã Đàn dòng xe tắc kéo dài.

Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT cho biết, có gần 80 điểm ngập. “Số điểm ùn tắc thì quả thực là chúng tôi không đếm nổi” - Ông Ngọc thừa nhận.

Phố Hà Nội thành sông trong cơn mưa sáng 13-7
Phố Hà Nội thành sông trong cơn mưa sáng 13-7 . Ảnh: P.S

Do mưa lớn và nhanh, nước thoát không kịp, đường biến thành sông và CSGT đường bộ bất lực nhìn dòng phương tiện ùn tắc. Dù cố gắng lắm nhưng lực lượng CSGT không thể xoay chuyển tình thế. Xe máy, ô tô không thể di chuyển như tàu, thuyền.

Giao thông tê liệt nhiều giờ ở nội đô. Hàng trăm xe buýt trên đường Kim Mã dồn ứ, lái xe đành mở cửa để hành khách xuống xe cuốc bộ. Nhiều người đến cơ quan sau nhiều giờ khó khăn vượt quãng đường chỉ chừng vài ki lô mét. Công sở vắng hoe, hàng trăm ngàn hộ dân đóng cửa buôn bán. Thiệt hại về kinh tế là rất lớn.

Mưa lớn, ngập úng cũng bao vây ngay trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Nhiều đại biểu, khách đến dự phiên họp của HĐND thành phố Hà Nội trong tư thế như đi lội ruộng. Đến cuối chiều qua, nhiều khu vực nước vẫn chưa thoát, dù mưa đã ngớt nửa ngày như khu vực Liễu Giai, Đội Cấn...

Đừng chỉ đổ tại trời

Vẫn điệp khúc mưa to dồn dập, là nguyên nhân chính, Cty Thoát nước Hà Nội chỉ ra có những điểm lượng mưa lên tới hơn 150 mm như: Vân Hồ 163 mm; Hồ Tây A 154mm; Bắc Thăng Long - Vân Trì 141 mm... “Đây là lượng mưa khá lớn so với khả năng thoát nước của Hà Nội, khiến nhiều điểm nội thành bị ngập”.

28 cây xanh gãy, đổ do mưa

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Cây xanh Hà Nội cho biết, do mưa to 28 cây xanh bị gãy, đổ, chủ yếu là cây muồng (15 cây), xà cừ (5 cây)... Có 1 cây xanh bị đổ tại ngã tư Hàng Bài- Lý Thường Kiệt đè lên taxi, nhưng không có thiệt hại về người.

Báo Tiền Phong cách đây hơn 1 tháng từng cảnh báo, Hà Nội có thể ngập chìm khi mưa lớn do các huyết mạch thoát nước bị xâm phạm. Cụ thể kênh dẫn nước Yên Sở bị co thắt đến 80%; mương Hào Nam thoát nước nhờ đường dẫn lót ni lông; kênh Thụy Khuê bị lấp gần hết và bị gấp gãy dòng chảy; mương Phan Kế Bính cũng bừa bộn công trường.

Cho dù đã được xử lý song vẫn hời hợt và dường như có phần chủ quan. Khi mưa ập đến, toàn bộ lưu vực Thụy Khuê trở thành một trong những khu vực ngập nặng và nhanh nhất. Đến chiều 13-7, phố Đội Cấn vẫn ngập nước, Liễu Giai người dân vẫn bì bõm. Đó là hiện tượng bất thường. Và chắc hiện tượng này có liên quan dự án cống hóa mương Phan Kế Bính.

Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội thừa nhận, xảy ra tình trạng ngập úng trên diện rộng này còn do nguyên nhân nhiều công trình đang thi công khiến nước không tiêu thoát kịp. Bên cạnh đó hàng loạt kênh mương thoát nước đang bị vô vàn các công trình khác xâm phạm gây cản trở dòng chảy khiến cho nước mưa càng bị dồn ứ trong khu vực nội thành.

Một nguyên nhân quan trọng khiến Hà Nội luôn ngập lụt, đó là tình trạng bê tông hóa nội đô. Trong lúc hạ tầng kỹ thuật của 4 quận nội thành chỉ đáp ứng khoảng 80 vạn dân thì nay số dân đã lên đến 1,2 triệu người. Hàng trăm cao ốc mọc lên, mật độ xây dựng cao trong khi hệ thống thoát nước hầu như không có cải thiện gì đáng kể đã làm Hà Nội cứ mưa là ngập nặng.

Thành phố đã chi hàng trăm triệu đô la đầu tư dự án thoát nước giai đoạn I. Tuy nhiên, hiệu quả dự án mang lại chưa được bao nhiêu thì nó đã nhanh chóng trở nên lỗi thời khi không bắt kịp tốc độ phát triển xây dựng của thành phố. Nước không thể thoát khi mà tư duy thoát nước vẫn còn luẩn quẩn. Hà Nội ngập đâu có phải chỉ tại trời.

Nhà ngập nước, 3 phụ nữ bị điện giật chết

Trong trận mưa sáng qua, 3 phụ nữ đã bị điện giật chết, nguyên nhân ban đầu được xác định do nhà ngập, dòng điện rò rỉ xuống nước.

Nạn nhân nhứ nhất được xác định là chị Nghiêm Thị Xuân M. (SN 1990, quê Thanh Hóa, sinh viên trường Cao đẳng Dược Hà Nội), mới chuyển đến ở cùng người thân tại ngõ 158 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình. Theo ông Nguyễn Xuân Thăng (hàng xóm của nạn nhân), khoảng 9 giờ 30, khi ông Thăng đi ngang qua cửa ngôi nhà này thì nghe tiếng kêu cứu.

Ông Thăng vội mở cửa thì thấy 3 bà cháu đứng trên cầu thang, vẻ mặt hoảng loạn chỉ xuống dưới sàn, nơi có một cô gái đang nằm giữa sàn nhà ngập nước. Sau khi ngắt cầu dao tổng, ông Thăng cùng mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu, song cô gái không qua khỏi.

Cũng trong sáng qua, tại cửa hàng gas số 67 phố Trương Định, Hai Bà Trưng, 2 phụ nữ khác cũng bị điện giật chết. Nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị H. (chủ cửa hàng) và chị Nguyễn Thị T. (một người làm cùng tại cửa hàng, đều SN 1985). Gia đình các nạn nhân đề nghị không pháp y, đưa các nạn nhân về quê mai táng.

Chủ tịch UBND  TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo:

Phải chấp nhận ngập cục bộ vì mưa quá lớn

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội hôm qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng dự án thoát nước từ nguồn vốn vay nước ngoài nhất là hệ thống thu gom nước và tiêu thoát vào sông Tô Lịch, đẩy nhanh tiến độ đầu tư trạm bơm Yên Sở II. Cố gắng trước mùa bão năm nay phải vận hành được một phần trạm bơm Yên Sở II. Trạm bơm Đông Mỹ, Yên Mỹ sẽ tăng thêm máy bơm.

Trong quá trình xây dựng đô thị vừa qua đã tạo ra úng ngập cục bộ một số khu vực. Khi đó giải pháp tình thế là dùng trạm bơm đẩy từ hồ điều hòa lên các hệ thống chứa khác. Với một lượng mưa lớn gây quá tải, chúng ta vẫn phải chấp nhận một khoảng thời gian tiêu thoát...

Hàng không chậm chuyến vì mưa to

Mưa lớn ngày 13-7 đã làm nhiều chuyến bay xuất phát từ sân bay Nội Bài bị chậm chuyến. Đại diện Hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết, có it nhất 6 chuyến bay từ Hà Nội bị hoãn tạo nên hiệu ứng dây chuyền khiến các chuyến khác đi từ TP HCM và Đà Nẵng cũng phải hoãn theo. Mưa to cũng làm cho hành khách ra sân bay trễ giờ so với quy định.

Thông tin từ các cảng hàng không cho biết, một số chuyến bay của Vietnam Airlines cũng bị chậm giờ do ảnh hưởng mưa to.

MỚI - NÓNG