Nỗi lo treo đầu bão lũ - Bài 1

Gò đồi Hố Nước (Đại Lộc, Quảng Nam) sẵn sàng đổ ụp xuống nhà dân khi vào mùa mưa bão. Ảnh: Nguyễn Huy
Gò đồi Hố Nước (Đại Lộc, Quảng Nam) sẵn sàng đổ ụp xuống nhà dân khi vào mùa mưa bão. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Chưa qua đợt đại hạn lịch sử, làm đất đai hoang hóa cùng cái đói treo lơ lửng, miền Trung lại đang đối đầu với mùa mưa lũ được dự báo sẽ khốc liệt hơn mọi năm. Đáng nói là nguy cơ sạt lở đất, nứt núi vốn đe dọa người dân miền Trung từ những năm trước, nay vẫn lại là nỗi lo thường trực…
Gò đồi Hố Nước (Đại Lộc, Quảng Nam) sẵn sàng đổ ụp xuống nhà dân khi vào mùa mưa bão. Ảnh: Nguyễn Huy
Gò đồi Hố Nước (Đại Lộc, Quảng Nam) sẵn sàng đổ ụp xuống nhà dân
khi vào mùa mưa bão. Ảnh: Nguyễn Huy .


Đất bị rang khô, mưa về thành cháo

Tại khu tái định cư mới Trà Đức (thôn Trà Đức, xã Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam), mấy đợt hạn hán vừa qua làm tăng nguy cơ sạt lở. Tính mạng, nhà cửa và tài sản của hàng chục hộ dân đang treo từng ngày khi mùa mưa bão cận kề.

Ngày nào anh Đoàn Phương (37 tuổi, thôn Trà Đức) cũng cùng các hộ dân chia nhau kiểm tra con mương dẫn nước, ngăn lượng đất đá khu vực sạt lở ùa vào nhà. Căn nhà xây khá chắc chắn nhưng đã tỏ ra yếu sức, chẳng đủ chống chọi trước quả đồi sững sừng đang muốn đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Nhà anh sát ngay chân đồi, trong khu vực thấp trũng, nên lúc nào cũng nơm nớp lo lắng.

“Những năm trước, đất đá rầm rầm chảy xuống khu tái định cư, nhưng chúng tôi cố ở ráng vì chẳng biết đi đâu. Tuy nhiên, sợ rằng năm nay còn khốc liệt hơn vì trận hạn mấy tháng vừa qua, trời nóng như rang, đất càng thêm nứt nẻ, chỉ vài trận mưa, các thớ đất đá khô cằn, mất liên kết sẽ đổ ào xuống và không biết chuyện gì sẽ xảy ra” - anh Phương thấp thỏm.

Gần 60 hộ dân của thôn Trà Đức được di dời đến đây từ năm 2000 để xây dựng khu tái định cư mới, tránh cảnh ngập lụt. Tuy nhiên, người dân chưa kịp vui vì từ nay sẽ không còn phải sống trong cảnh “chạy lụt”, thì đã phải tiếp tục đối mặt với nỗi lo sạt lở. Chân gò đồi Hố Nước cách khu tái định cư Trà Đức chưa tới 5 m, lại cao hơn nóc nhà dân cả chục mét, độ dốc đang ngày một lớn. Từ trên đỉnh đồi, hàng trăm mương rãnh lớn nhỏ do nước mưa khoét nối dài, sâu hoắm, dẫn đến tận nhà dân.

Chị Nguyễn Thị Xuân, hộ dân cạnh nhà anh Phương, thuộc vùng báo động đỏ về sạt lở, phân trần: Sống mà lúc nào cũng lo ngay ngáy. Mới trận mưa chiều 30-6 qua đã làm lượng đất đá theo nước mưa sạt xuống, lăn thẳng vào một số nhà dân chúng tôi. Cứ nhìn lên đỉnh đồi thấy xuất hiện nhiều rãnh đất ngày một nứt rộng mà rùng mình, chẳng may nó ùa xuống một lần thì tính mạng người dân chúng tôi khó giữ”.

Theo ông Huỳnh Bốn - trưởng thôn Trà Đức: Tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng sau đợt đại hạn vừa qua. Thôn đang vận động người dân đề phòng lở đất cục bộ, chuẩn bị các phương án di dời dân đến nơi ở tạm nhất là trong mùa mưa bão. Tính đến nay, đã có gần chục hộ có nhà nằm trong vùng nguy cơ sạt lở nghiêm trọng lại quay về về ở nơi cũ sinh sống.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Đại Tân chỉ biết phân trần: Chuyện sạt lở đối với hàng chục hộ dân tại khu tái định cư mới Trà Đức đang cận kề và cấp thiết nhưng địa phương chỉ biết vận động nhân dân khắc phục theo hướng thủ công là đào vét, khơi thông kênh mương, chưa có giải pháp lâu dài triệt để.

Tiềm ẩn nguy cơ sạt lở ở Trà Đức (Đại Lộc, Quảng Nam). Ảnh: Ng.Huy
Tiềm ẩn nguy cơ sạt lở ở Trà Đức (Đại Lộc, Quảng Nam). Ảnh: Ng.Huy.


Kè giữ sông Trà Khúc: Dã tràng xe cát

Mùa mưa bão hàng năm, bờ sông Trà Khúc (thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) sạt lở liên miên, kéo theo nỗi lo mất đất, mất người. Từ đầu năm 2007, tỉnh quyết định xây dựng công trình kè sông Trà (đoạn xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh), với tổng kinh phí trên 8,2 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Công trình dài 1.000 m, với mục tiêu chống sạt lở bờ bắc sông Trà Khúc đoạn bảo đảm an toàn cho 152 hộ dân và bảo vệ cơ sở hạ tầng, đất trong vùng ảnh hưởng.

Công trình khởi công tháng 9-2007, hoàn thành đưa vào sử dụng sau đó 1 năm. Thế nhưng sau khi hoàn thành chưa bao lâu thì có gần 300m kè của gói thầu số 2 (trên 1,5 tỷ đồng do Cty CP Xây dựng NN&PTNT Thanh Hoá thi công) sụt lún nghiêm trọng, trong đó có 9m bị lật đổ hoàn toàn. Vì lẽ đó, mùa mưa lũ năm 2009 trên 150 hộ dân ở khu vực này sống trong cảnh hoang mang lo sợ.

"Cứ nhìn lên đỉnh đồi thấy xuất hiện nhiều rãnh đất ngày một nứt rộng mà rùng mình, chẳng may nó ùa xuống một lần thì tính mạng người dân chúng tôi khó giữ" - Chị Nguyễn Thị Xuân nói

Ông Trần Kim Sanh (68 tuổi, thôn Phước Vĩnh) xót xa: “Trước đây, khu vực này có một luỹ tre che chắn, nạn xâm thực tuy có xảy ra nhưng cũng không đáng sợ như bây giờ. Cứ ngỡ có kè, dân sẽ an tâm sinh sống. Nhưng kè xây vừa xong ngày hôm trước, hôm sau có trận mưa lớn, kè lún xuống gây sạt lở. Nước lũ năm 2009 chảy cuốn, xói sâu vào lòng đường tới 3m. Kè lún xuống còn làm nứt cả vách tường một số nhà lân cận. Dân kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến giờ vẫn chưa thấy gì”.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn -Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn: Nguyên nhân dẫn đến sự cố trên theo nhận định chủ quan của lãnh đạo xã, có thể do khảo sát thiết kế ban đầu không chuẩn. Bởi lẽ, đoạn sạt lở có mạch nước ngầm chảy rất mạnh làm cho đất mềm và lún xuống. Chính quyền địa phương nhiều lần phản ánh trong quá trình khảo sát lập dự án, thiết kế thi công nhưng không được chủ đầu tư quan tâm.

Khi được hỏi vì sao địa phương đã cảnh báo, nhưng vẫn để xảy ra sạt lở, sập kè, ông Huỳnh Khương, Phó BQL các DA Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT Quảng Ngãi) lý giải: Cty CP Tư vấn xây dựng và Đầu tư Quảng Ngãi phối hợp với chủ đầu tư khảo sát địa chất công trình, nhưng khu vực sụt lún nằm ở khoảng giữa 2 mũi khoan thăm dò địa chất nên không phát hiện được. Hơn nữa, lúc đó cây cối bịt bùng nên có khả năng đơn vị khảo sát không biết điểm nào.

Mùa mưa bão đã đến nhưng sự cố trên vẫn chưa được khắc phục. Theo ông Khương, việc chậm khắc phục là do không tìm được nguồn vốn, muốn khắc phục sự cố này cần thêm hơn 2,7 tỷ đồng nữa!

Bài 2: Cài bẫy giữa lòng sông 

MỚI - NÓNG
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
Nam sinh THPT chuyên Lào Cai thắng cách biệt trận tháng, ẵm vòng nguyệt quế Olympia 24
TPO - Nam sinh Trường THPT chuyên Lào Cai Đặng Duy Khánh thể hiện phong độ thi đấu xuất sắc, liên tục dẫn đầu trong các phần thi và giành chiến thắng cách biệt so với ba người cùng chơi trong trận tháng đầu tiên quý III Đường lên đỉnh Olympia 24. Cùng với vòng nguyệt quế tháng, Khánh đã ghi tên vào trận thi quý III.