Vùng đất đón mặt trời

Vùng đất đón mặt trời
TP - Có một cuộc sống bình dị, lặng lẽ của những người dân bình thường ngay cạnh địa danh nổi tiếng - Cực Đông trên đất liền nước Việt.
Vùng đất đón mặt trời ảnh 1

Đã có nhiều người ra điểm đầu tiên ngày ngày đón ánh bình minh tràn về đất mẹ, họ cắm cờ, chụp ảnh, hoan hỷ vì niềm vui chinh phục một điểm nổi tiếng. Nhưng tôi đến đây không chỉ vì thế. Vì sao tôi cứ phải đến bằng được các điểm cực của Việt Nam? Có lẽ tôi mong hiểu cặn kẽ đất nước của mình.

Có ba cách để đến Cực Đông: đi nhờ tầu chở công nhân của Cty Yến sào Khánh Hòa, hoặc thuê tầu đánh cá của ngư dân, hoặc là đi bộ. Điểm cực đông trên đất liền Tổ quốc, khi tôi đến vẫn còn hoang vắng lắm.

Vùng đất không tội phạm

Từ Cam Ranh, tôi đi xe bus, chạy khoảng 60km thì dừng ở thị trấn Vạn Giã. Mùi tôm cá – mùi biển đã hăng nồng. Xe tải xếp thành hàng dài “ăn” hải sản. Chánh Văn phòng huyện lật ngược lật xuôi cái thẻ nhà báo, bối rối: “Có rởm không đấy?”. Một cán bộ VP Huyện ủy giải thích, rất hiếm khi thấy nhà báo ở Hà Nội vào đây.

Tọa độ 109024’ đông, đây Cực Đông trên đất liền Việt Nam. Miền đất được định danh từ năm 1653, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Vạn Ninh là huyện Cực Bắc của Khánh Hòa, đất địa đầu của Cực Nam Trung Bộ và là Cực Đông trên đất liền của cả dải đất Việt Nam.

Đâu đó, trên những đỉnh cao của khối núi non quanh đây, tương truyền có cả hành cung của nữ thần Thiên Y A Na quanh năm chìm ngập giữa biển mây.

Từ đây, đi tiếp 40km bằng xe ôm, men theo con đường nằm trên một eo cát, song song với dãy Đại Lãnh, sẽ dần tới Cực Đông. Trời xanh, núi xanh, biển xanh và nắng lửa. Mênh mông những dải cát trắng ngà như sữa.

Người thưa vắng. Phi lao thấp. Dừa lùn tịt, có cây cao chưa nổi 1m mà đã xum xuê quả. Bên trái là bãi biển Đại Lãnh hình bán nguyệt, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua sai thợ chạm hình Đại Lãnh vào Tuyên Đỉnh – một trong chín đỉnh đồng đặt trước Thế Miếu. Còn bên phải là vịnh Vân Phong rộng mênh mông tới 503km2, gần gấp đôi vịnh Cam Ranh.

Ở Vạn Ninh, các thiếu nữ vừa đi guốc cao gót vừa đi tất. Trời rất nóng nhưng vẫn mặc áo rét mùa đông, có cổ trùm, có lẽ để chống nắng. Con gái dọc đường cười nói ầm ầm, em đẹp nhất làng Đầm Môn đây này, chụp em đi. Các bà cao tuổi bò lăn chơi tứ sắc, ăn nắp chai bia. Vài bàn bi lắc, vài bàn bi – a, dăm chục cái ăng ten chảo.

Chợ nghèo, dưa hấu, bí, bầu lào đều bé và chắc lẳn. Nhiều nhất là cát và ruồi. Một cô chủ quán hai tay xoắn một sợi chỉ, răng cắn một góc, gài gại vào má một cô khách. Cô làm thế với niềm tin rằng mặt khách sẽ mịn hơn, trứng cá sẽ biến mất tiêu. Cô khách cũng ngồi im hưởng thụ với một niềm tin nguyên vẹn như cô chủ.

Trưa rồi, vì cán bộ xã Vạn Thạnh đã ngủ trên bàn làm việc. Đối diện trụ sở xã là một quán nước mang tên nên thơ: Duyên Hải.

Sinh năm 1970, da đen vì phơi nắng, đến đây sống đã 20 năm, đầu gối có một mụn vá nhỏ, đường chỉ lộ, anh Trương Thái Hùng làm Chủ tịch xã từ năm 2003. Phòng làm việc bé xíu, khóa cửa bé xíu, khóa tủ cũng bé xíu, lủng lẳng móc thêm một cái bấm móng chân. Tường treo đầy giấy khen, bằng khen: thành tích bóng đá, thành tích hội thao quân sự, thành tích tổ bắn máy bay tầm thấp…

Chủ tịch nói, 5 – 6 năm nay đời sống người dân mới dần ổn định. Vạn Thạnh vừa là bán đảo, vừa có 30 đảo lớn nhỏ khác nhau, 5.968 dân, 1.385 hộ, 6 thôn đều nằm biệt lập trên các hòn đảo khác nhau, chỉ có 2 thôn đi bằng đường bộ.

Đã có 3 thôn được dùng điện lưới, 3 thôn còn lại Nhà nước cho máy phát và đường dây, dân muốn dùng thì tự bỏ tiền dầu. Cả 4 thôn đảo cũ đều có cầu tầu, còn lại một thôn mới tái định cư nên chưa có. 4 thôn đảo mùa nắng là thiếu nước ngọt, thiếu gay gắt từ 2 tới 3 tháng. Vạn Thạnh hội đủ các yếu tố: là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và trọng điểm quốc phòng.

Rừng ở đây giờ vẫn còn nhiều lắm, do bộ đội biên phòng quản lý. Trầm hương có thể vẫn còn, trong các thung sâu, và người ta nhận thấy sự có mặt của chúng lan tỏa trong không trung từ các đám cháy rừng.

Vân Phong kín gió, 90% dân sống bằng nghề đánh bắt nuôi trồng hải sản, ra khơi vào lộng, nhà nào cũng có tầu, bè. Sản vật đặc biệt là yến sào, trầm hương, ngọc trai, rong sụn, ốc hương, tôm sú, nhất là tôm hùm. Thôn nào cũng có đền thờ Cá Ông, dân không theo tôn giáo nào, toàn “tôn giáo thờ cá Ông” thôi.

Tôm hùm nuôi trên vịnh Vân Phong
Tôm hùm nuôi trên vịnh Vân Phong.

Cả vùng đất này gần như không có tội phạm, chỉ vài vụ lẻ tẻ thanh niên đánh nhau chút vì “cú lên”, làm trộm dăm hầm than, đào trộm cây cảnh… Thế thôi. Cuộc sống hiền lành ngày nối ngày này, chẳng mấy ai có thể tin rằng nơi đây đã từng sinh ra những anh hùng làm kẻ thù khiếp đảm.

Chuyến đi bất thành bằng đường bộ

Chủ tịch rủ đi hát karaoke. Ở đó, Hiệu trưởng tên là Một và dăm thầy cô đã ngồi hát từ trước, bên cạnh thùng bia với mấy trái xoài chua. Ôm nhau hát. Cái cách họ hát thật trẻ trung.

Thầy Một đã 23 năm ở đất đảo, và ông nói rằng, để giữ được từng này người trẻ ở đây là khó lắm. Hát một chút rồi chúng tôi quay trở về căn phòng bé xíu của Chủ tịch, tìm lối trên bản đồ để tới Cực Đông. Nào đã có đường. Chủ tịch nói, cán bộ xã cũng chưa bao giờ tới.

Đêm hiền hòa, trời gây gây nóng, sóng rất nhẹ, tiếng máy nổ từ các bè tôm lan khắp mặt vịnh. Không ngủ. 3 giờ sáng, Phó Trưởng CA xã Nguyễn Đủ và Xã đội phó Nguyễn Văn Phương cùng một xe ôm đến gõ cửa phòng. Chúng tôi khởi hành trên 2 chiếc xe máy.

Sao trời cao diệu vợi, hôm nay nắng ắt sẽ chan hòa. Đường lúc trượt vì cát, lúc xóc nẩy vì ổ gà. Bóng đèn xe máy lồm chồm sáng. Chúng tôi chạy xe khoảng 40 phút thì tới bãi Cỏ Ống. Cỏ rậm rịt, lá sắc và dầy, ướt sương đêm. Tiếng anh Đủ gọi, một người đàn ông vạm vỡ bước ra từ căn lều trống hoác không cửa dựng ngay bên bờ biển. Công an Đủ nói, nhờ chú Nguyễn Văn Thanh thổ địa đây dẫn tụi tôi đi đến mũi Cực Đông.

Ông Nguyễn Đủ - Phó trưởng CA xã Vạn Thành lái tàu chờ nhà báo ra mũi đá Cực Đông
Ông Nguyễn Đủ - Phó trưởng CA xã Vạn Thành lái tàu chờ nhà báo ra mũi đá Cực Đông.

Chúng tôi men theo bờ biển, qua các ghềnh đá, các bãi cát đầy rều rác và sỏi lớn đẫm mầu nguyên thủy mà đi. Ánh đèn tầu giã sáng như sao sa từ phương Đông dội tới, có tầu vào cách bờ chỉ chừng dăm chục mét. Biển nơi này sâu thẳm. Đường càng lúc càng dốc ngược. Gai sắc, cây lá chằng chịt, bước trật trẹo, chui luồn, tay khi vịn gờ đá khi túm cành cây, thở dốc. Ba người bạn đồng hành đã tụt lại phía sau, chỉ còn tôi và Thanh. Đi nhanh lên, chân trời ửng hồng rồi. Mồ hôi ướt đẫm.

Sau một ghềnh đá khuất, mặt trời đã tỏa rạng. Không kịp mất rồi. Thanh nói, anh đã dẫn ba đoàn, nhưng họ khởi hành từ chập tối. Cả ba đoàn đều chỉ đến được bãi Rạng, rồi mỏi mệt quá nên phải thuê thuyền.

Chúng tôi quay trở lại lều của vợ chồng Thanh. Lúc về mới thấy Thanh nói, đoạn đường vừa đi qua rắn lục, rắn hổ chúa nhiều, nhưng thường gặp ban ngày. Thanh bảo, nó mà cắn thì mình phải chộp cổ nó cắn lại, hút máu ở đuôi rồi rạch bụng nuốt ngay cái mật thì mới sống được.

Ngón tay bị rắn lục cắn
Ngón tay bị rắn lục cắn.

Hỏi đã làm thế bao giờ chưa, trả lời là chưa, vì rắn chưa kịp cắn thì đã bị Thanh đập. Nhưng có lẽ Thanh chữa được rắn cắn thật, bởi em trai anh qua lều chơi, tay thâm đen vì rắn lục cắn lâu ngày mà vẫn đang lúi húi cùng chị soạn cơm.

Công an Đủ an ủi, thôi uống rượu đi, mai tôi đưa đi bằng đường biển, 20 ngàn một cân dầu máy, tầu tôi chạy hết bao nhiêu chú giả bấy nhiêu. Vợ Thanh, không nhớ mình sinh năm nào, đã làm nồi cháo gà, luộc dăm con cá và bày sẵn can rượu.

Hai vợ chồng không thích ở đâu, chỉ thích ở đây; không làm thuê làm mướn cho ai, chỉ làm đủ ăn. Bắt con rắn, con sóc, thả thêm vài con gà, ra biển quăng chài kiếm con cá dừa, cá dà. Cứ ăn con to trước, con nhỏ để lại hoặc bán thì tính sau. Gặp con nào thịt dai thì phải xé bằng tay thế này này, sống thế mới sướng, Thanh cười ha hả.

Biển ở đây dễ, chưa để hai vợ chồng đói bao giờ. Ăn miếng cháo gà, xé miếng cá dà trong đĩa xâm xấp nước mắm, uống vài bát rượu nghe sóng đập sau nhà lên ghềnh đá, lúc lên xe ra khỏi bãi Cỏ Ống, người đã ngây ngất tự do rồi.

Bình minh trên cực Đông

Lại khó ngủ. 2 giờ sáng, công an Đủ dắt theo cậu con trai nhỏ vào gõ cửa. Tầu nhẹ nhàng ra khơi, luồn lách qua các bè tôm dày đặc trên mặt vịnh đầy bóng tối, qua các khối đá thâm trầm đã ngâm mình ở đây không biết tự bao giờ. Sóng nhỏ vỗ về. Vân Phong mà sóng lớn thì cửa vịnh sóng phải cao tới 5 – 7 thước.

Ra khỏi cửa vịnh, tầu còn phải chạy ngược lên mạn bắc dăm hải lý mới tới điểm Cực Đông. Có lúc hai bố con anh Đủ tắt máy, dừng tầu, ngâm mình dưới nước để sửa lại chân vịt. Còn tôi ngủ trên mạn lúc nào
không hay.

Bỗng anh Đủ đập tay: Dậy đi, sắp bình minh rồi. Tầu đánh cá đêm thong thả ngược chiều về vịnh. Chân trời đỏ ối. Dăm người công nhân khai thác yến sào đã thức giấc, đi lại trên hiên những căn chòi treo leo vách núi.

Tàu về sau một đêm đánh cá trên vịnh
Tàu về sau một đêm đánh cá trên vịnh.

Chúng tôi dừng tầu ngay trước mũi đá Cực Đông. Nơi này được gọi là Mũi Đôi – Hòn Đầu. Có hai mũi đá nhô hẳn ra biển, như chiếc càng cua. Càng phía Nam lớn hơn càng phía Bắc, và nó chính là điểm Cực Đông của dải đất Việt Nam này. Khu vực sở hữu vô vàn những kỳ tác đá tự nhiên đã được cấp bằng công nhận di tích danh thắng quốc gia, trong đó có hai khối đá rất lớn giống như hình đầu một phụ nữ và một em bé quay mặt về biển Đông, nên được gọi là Hòn Đầu.

Mặt trời lên. Thứ ánh sáng vàng như mật, không chỉ soi chiếu lên những bờ bãi, ghềnh đá, triền núi, biển thẫm, da người, mà xuyên thấu cả vào sâu thẳm tâm can. Cũng khoảng thời gian này 10 năm về trước, tôi đã ngắm mãi ánh hoàng hôn của Cực Tây Việt Nam, khi mặt trời dần lặn sau các triền núi nhọn hoắt và xương xẩu nhìn từ bản Apachải – Mường Tè. Cứ đi mãi rồi khắc tới, khắc thấy, rồi tự khắc hạnh phúc hay ngậm ngùi, ấy cũng là chức phận của mình chăng?

Có lẽ tôi sẽ là một trong những người cuối cùng đến Cực Đông theo cách vất vả này. Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong – một trong những đề án lớn nhất nước đã khởi động. Hai cầu cảng lớn sẽ được xây dựng trên địa bàn xã Vạn Thạnh, nơi chúng tôi đang ngồi. Vùng cư dân Vạn Thạnh sẽ được lùi sâu vào đất liền 5km. Ngay căn lều của Thanh – nơi ở của người dẫn đường cho tôi có thể cũng sẽ biến mất, nhường chỗ cho một cái resort. Nếu tôi là chủ resort đó, tôi sẽ gọi nó chỉ bằng hai chữ: “Bình Minh”.

Làm một con đường khoảng 60km từ quốc lộ 1A tới đây không hề khó. Con đường ấy hẳn đã nằm trong suy nghĩ của nhiều người. Rồi đây, ai cũng có thể tới Cực Đông trong một buổi sáng quang mây, đón mặt trời lên giữa điệp trùng đá và muôn trùng nước. Như một lễ nghi đối với Mặt Trời.

* Ảnh trong bài: Huy Minh

Huy Minh
huyminh0211@yahoo.com

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.