Vụ lật 3 toa tàu Bắc - Nam: Chịu tàn phế, cứu hàng trăm người

Vợ tài xế Thức xót xa trước tình trạng của chồng
Vợ tài xế Thức xót xa trước tình trạng của chồng
TP - Ít người biết vụ tai nạn kinh hoàng giữa tàu hỏa TN6 và xe tải do tài xế Trương Xuân Thức (xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam) điều khiển ngày 6-8 vừa qua, vì cứu cả đoàn tàu với hơn 300 mạng người, lái tàu Trương Xuân Thức bị giập nát cẳng tay, chân phải cơ rách bươm, mất gót và vĩnh viễn không thể tiếp tục công việc lái tàu...
Vợ tài xế Thức xót xa trước tình trạng của chồng
Vợ tài xế Thức xót xa trước tình trạng của chồng.


Khoảnh khắc kinh hoàng

Đã 3 ngày trôi qua, lái phụ Đào Quang Hưng (sinh năm 1983) vẫn chưa hết bàng hoàng.

"Hai anh em bắt đầu ca làm việc từ 1 giờ sáng, khoảng 2 giờ 30 tàu bắt đầu khởi hành từ ga Vinh. Cũng như bao lần khác, khi tàu chạy đến đoạn từ Phủ Lý (Hà Nam) về Hà Nội, bọn em đều căng hết các giác quan để quan sát vì vào cung đường nguy hiểm nhất. Tàu đang chạy với tốc độ xấp xỉ 60 km/h, bỗng phía trước xuất hiện một xe tải màu vàng chạy song song.

Bọn em vẫn cảnh giác cao độ, còi hơi rúc liên hồi. Chiếc xe tải màu vàng bỗng nhiên quặt ngang cắt mặt đầu tàu ở khoảng cách 100 m. Anh Thức đạp còi, tay kéo phanh khẩn cấp. Sau tiếng động kinh hoàng, đầu tàu lật đổ nghiêng về phía lái phụ nên Hưng nằm dưới, mở mắt ra thấy máu của lái chính nhỏ tong tong cùng với tiếng rít hơi gió của đầu máy”. May mắn cho Hưng, cú va đập khủng khiếp đó chỉ làm sây sát nhẹ. Người dân đã đập kính kéo Hưng ra.

Riêng tài xế Trương Xuân Thức (sinh năm 1963) do đầu máy bị lực va chạm (lớn) với chướng ngại vật khiến bẹp rúm, kính vỡ găm đầy vào mặt, cơ đùi chân phải bị rách bươm, mất gót chân, phần ngực bị chấn động mạnh. Có một điều, ít người biết: Để giữ phanh hãm đảm bảo an toàn cho cả đoàn tàu, cẳng tay trái của tài xế Thức đã bị chùn nát bét. Các cơ quan chức năng đã phải dùng kìm và khò cắt sắt đầu máy để cứu tài xế Thức.

Chiếc đầu máy biến dạng được kéo về xưởng sửa chữa
Chiếc đầu máy biến dạng được kéo về xưởng sửa chữa.


Chấp nhận tàn phế để cứu đoàn tàu

"Nếu Thức không chắc tay phanh, có lẽ thương vong sẽ xảy ra với các toa hành khách", Phó Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội Hoàng Ngọc Trìu cho biết. Theo ông Trìu, lúc đó các toa tàu đã phanh hãm níu đầu tàu. Ngoài ra, tài xế Thức phải giữ chặt cần hãm phi thường (hãm khẩn cấp). Đoàn tàu lúc đó chỉ lết trên đường ray. Nhờ có tay phanh đó, đoàn tàu chỉ bị lật 2 toa kỹ thuật cùng với đầu máy bị hất văng một bên.

Trưởng phòng an toàn nghiệp vụ (Xí nghiệp đầu máy Hà Nội) Nguyễn Văn Chung nói: "Hơn hai mươi năm trong nghề, tôi chưa từng thấy một vụ tai nạn nào khủng khiếp đến vậy. Nếu anh Thức chỉ cần vì cá nhân mình mà bỏ tay ra khỏi cần hãm, có lẽ ít nhất 3 toa khách cũng sẽ bị lật theo đầu máy và các toa kỹ thuật. Khi thực hiện hãm khẩn cấp, lái tàu phải giữ tay thật chắc trên cần hãm để tàu có thể giảm tốc đột ngột, tránh va chạm mạnh khi tàu đang chạy tốc độ cao".

Ông Trìu cũng cho biết, với tình trạng thương tật hiện nay, tài xế Thức chắc chắn không thể tiếp tục công việc lái tàu được nữa. Hoàn cảnh nhà tài xế Thức thật đáng ái ngại: Vợ làm tạp vụ, con gái duy nhất vừa mổ khối u ở Viện K (Hà Nội). Khi chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Việt Đức, tài xế Thức chỉ biết khóc vùi rồi ngơ ngác. Lãnh đạo đơn vị cho biết, Thức ngoài những mất mát một phần cơ thể còn bị sang chấn tâm lý nặng.

MỚI - NÓNG