Đốt tiền thu tiền từ flying-cam

Đốt tiền thu tiền từ flying-cam
TP - Năm năm mày mò cho ước mơ quay được những thước phim đạt chuẩn thế giới, ba gã điên đã sáng tạo công nghệ flying-cam (quay phim bằng máy bay mô hình) hoàn toàn thuần Việt.

Cũng điên thật khi nhớ lại thời điểm năm 2000, Lê Trung - thành viên trẻ nhất của nhóm Flycam Vietnam đã khởi đầu niềm đam mê bằng một chiếc máy bay mô hình trị giá 10 triệu đồng, tương đương với 2 lượng vàng ở thời điểm đó và hầu hết là tiền đi vay. Hai gã còn lại là Nam Hải và Tuấn Anh cũng “điên” không kém khi mà toàn bộ thời gian rảnh rỗi, tâm huyết cũng như tiền bạc đều đổ hết vào thú vui này trong suốt gần chục năm theo đuổi. Họ gặp nhau vì cùng chung một thú vui là muốn được bay lượn trên bầu trời với những chiếc máy bay mô hình điều khiển từ xa.

Đây là thú chơi khá tốn kém và khó khăn. Tốn kém bởi giá thành một chiếc mô hình máy bay loại nhỏ nhất thời điểm đó cũng rơi vào khoảng 500-700 ngàn nhưng để bay được thì tối thiểu phải xấp xỉ 2 triệu. Nếu muốn “lên đời” để nó có thêm nhiều chức năng thì giá thành bắt buộc phải lên tới 30.000-40.000 USD/chiếc, chưa kể các thiết bị chụp ảnh, quay phim.

"Những gã đốt tiền chơi máy bay mô hình như bọn mình đa phần là điên" - Lê Trung

Đừng tưởng cứ có máy bay mô hình là được bay thoải mái. Hoạt động này, về không phận (vùng không gian để bay) là do không quân quản lý. Trò chơi này xuất phát từ những chiếc máy bay mô hình để cao xạ tập bắn do Ban mục tiêu - Quân chủng Phòng không không quân thực hiện. Năm 2005, khi thấy nhiều người chơi, bên không quân bắt đầu tập hợp họ lại (cùng với thú chơi dù bay dù lượn). Cả nước có ba CLB mang tên: CLB mô hình hàng không phía Bắc - Trung - Nam để tiện việc quản lý.

Nghe có vẻ tốn kém và khó khăn là vậy nhưng vẫn không ngăn được nhiều người tìm đến thú chơi này. Trước thời điểm 2005, forum về máy bay mô hình trên trang web www.ttvnol.com đã kín đặc và chật chội. Nhóm Trung - Hải – Tuấn Anh đã phải lập ra một diễn đàn mang tên www.clbmohinh.com để mọi người rộng đất tham gia. Trang web này thu hút hàng trăm người hàng ngày trao đổi kinh nghiệm bay, “lên đời” mô hình, cùng với việc hội họp, rủ nhau đi bay hàng tuần.

Từ trái qua phải: Lê Trung - Nam Hải - Tuấn Anh. Ảnh: Flycam Vietnam
Từ trái qua phải: Lê Trung - Nam Hải - Tuấn Anh. Ảnh: FLYCAM VIETNAM.


Đốt tiền

Họ cùng mê điện ảnh, dăm ba lần ngồi với nhau tán về những cảnh quay chóng mặt từ chiếc máy bay mô hình của nước ngoài được chế tạo thêm máy quay phim với độ nét cao, cùng tấm tắc với cái tên gọi gợi cảm công nghệ flying-cam. Lê Trung, thành viên trẻ nhất của nhóm nảy ra câu hỏi: “Tại sao mình không có flying-cam của người Việt?”. Nghĩ là làm, Trung lên mạng mày mò tìm hiểu và đề đạt ý tưởng với hai người bạn. Họ cùng hào hứng vì cảm thấy đây không còn là chơi mà là một công việc, dù vẫn phiêu lưu.

Nam Hải còn đùa vui: “Làm việc thôi, không thì lấy đâu tiền mà đốt tiếp”. Nhưng để đến lúc “lấy được tiền thiên hạ”, họ cũng lại phải đốt kha khá tiếp… Chính Nam Hải tiết lộ: “Tốn kém nhất không phải là máy bay rơi hay hỏng hóc, điều này cũng có nhưng cực ít. Thứ đốt tiền chính là công nghệ này không phù hợp thì phải thay thế nó. Nếu tính ra, đủ để mua một cái nhà…”.

Năm 2005, để bắt đầu, cả nhóm phải đặt ra từng bước nhỏ để hoàn thành. Thời điểm đó, trên diễn đàn cũng bắt đầu manh nha việc quay phim, chụp ảnh từ trên trời bằng máy bay mô hình với những sản phẩm là những bức ảnh nhòe nhoẹt, mất nét, những thước phim mất phương hướng, rung bần bật do ảnh hưởng từ động cơ bay và nhiễu sóng điện từ.

Rõ ràng, đây là việc rất khó, nếu theo đuổi để phục vụ cho công việc thì phải đầu tư rất nhiều về công sức lẫn tiền bạc.

Việc đầu tiên là máy bay phải mang được vật nặng, ít nhất là 1kg – tương đương một chiếc máy quay Sony HDV lên bầu trời. Riêng việc này khiến chi phí cho chiếc máy bay mô hình đội lên gấp 10 lần. Thứ hai là việc chống rung cho máy ảnh, máy quay. Tham khảo các tài liệu nước ngoài, tìm mua linh kiện rất khó khăn.

Họ phải tự chế tạo một quả cầu ở đầu máy bay để cố định chiếc máy quay. Nhưng để quay được thì phải có sự phối hợp rất ăn ý giữa các thiết bị cảm biến điện tử, hỗ trợ giảm xóc, hệ thống thuỷ lực… sao cho camera ổn định khi các cần xoay điều khiển thu hình và truyền xuống mặt đất. Chụp ảnh nghiêng ngả có thể chỉnh bằng Photoshop chứ quay thì bắt buộc phải chuẩn.

Việc thứ ba phải giải quyết là sự ăn ý của một ê-kip gồm một người bay, một người lo phần hình, hoa tiêu và một người lo kỹ thuật khi hoạt động. Tất cả đều phải rất chuyên nghiệp. Chính vì thế, một thành viên trong nhóm đã khẳng định: “Không đơn giản có tiền là có, bởi kinh nghiệm bay rất quan trọng. Khi quay phim, máy phải treo lơ lửng giữa bầu trời cách xa vật cần quay hàng trăm mét. Những yếu tố kỹ thuật như ánh sáng, độ gió.... phải thật chuẩn, hiệu lệnh khi làm việc cũng phải cực kỳ ngắn gọn bởi hình ảnh lướt qua rất nhanh. Chính vì thế, bất cứ lần đi bay nào cũng phải đủ cả ba người, nếu không thì không thể làm việc được”.

"Từ mô hình, công nghệ cho tới hiệu quả đạt được, flying - cam của chúng tôi đạt chuẩn thế giới. Điều duy nhất khác biệt là chi phí của chúng tôi chỉ bằng 1/4 giá thành so với họ đưa ra." - Nam Hải - Giám đốc FLYCAM VIETNAM

Việc thì nhiều nhưng kết quả cuối cùng mới là điều quan trọng nhất: Đưa ra một đoạn phim hoàn chỉnh. Ngắn gọn thế thôi nhưng phải sau gần một năm tiêu tốn rất nhiều tiền của lẫn công sức họ mới hoàn thành. Cuối năm 2005, bước một trong mục tiêu đề ra đã hoàn thành. Với 30 phút bay lượn, chiếc máy bay chạy xăng A92 với chiều dài hơn 1m đã mang được chiếc camera Sony HDV lên bầu trời và quay thành công một thước phim hoàn chỉnh. Bức ảnh với độ phân giải 6.0 đầu tiên mà êkip chụp được tại nhà máy điện tử ở Hòa Lạc đã khiến nhóm lạc quan sau suốt một năm tìm tòi nghiên cứu.

Thành công này cũng bắt đầu mang đến cho ê-kip những đồng tiền đầu tiên. Mở hàng là chuyến kết hợp “nghỉ mát + làm việc” tại một khu Resort ở Đồng Hới - Quảng Bình. Thành công ngoài mong đợi và họ được mời ở lại chụp khảo sát cho một dự án khu du lịch. Chuyến mở hàng đó cả êkip được trả công 30 triệu.

Một vài công việc chụp ảnh trên không nữa bắt đầu đến với ê-kip của Trung - Hải - Tuấn Anh, cả ba bắt đầu nghĩ đến việc mở công ty để hợp thức hóa, để quảng bá sản phẩm của mình đến với mọi người. Năm 2006, Flycam Vietnam ra đời với công việc duy nhất là cung cấp dịch vụ không ảnh và không phim.

Lâng lâng với thành công, ba chàng trai hăm hở tiến vào TPHCM để chào hàng công nghệ nhưng đều nhận được những cái lắc đầu từ khách hàng tiềm năng kèm theo câu nói: “Chúng tôi cần nhiều hơn thế”. Thất vọng ê chề vì ngã một cú đau, cả ba tấp tểnh về Hà Nội với câu hỏi: “Làm sao mang lên trời được vật nặng hơn 1kg?”.

“Đó là thời điểm cực khó khăn” - Nam Hải nhớ lại. Tinh thần sụt giảm, tiền bạc cạn, mọi thử nghiệm đều bất thành do nóng vội. Cả ba người định đóng lại dự án, bỏ cuộc nhưng chính các khách hàng tiềm năng - những người mà họ đã đến chào hàng lại vực họ dậy. Họ rất quan tâm, liên tục hỏi thăm và khích lệ. Cùng lúc, cái tin hãng phim Phước Sang thuê ê-kip nước ngoài thực hiện cảnh quay bằng Flying-cam trị giá 30.000 USD trong bộ phim “Áo lụa Hà Đông” xuất hiện trên nhiều trang báo khiến họ cay mũi.

2007 là năm mà Flycam đi đến bước thứ hai là mang được chiếc camera Panasonic HVX 200 - chất lượng phim HD cao nhất thời điểm đó với trọng lượng 3kg lên bầu trời và độ phân giải của những bức ảnh là 12.0 với chiếc máy nhà nghề Nikon D2X. Cao hơn nữa, chiếc máy bay nặng 7kg, dài 1,7m với bán kính sải cánh quạt 1,8m này còn có thể mang vật nặng lên tới 5kg.

Và đến thời điểm năm 2010, với 5 chiếc máy bay giá thành lên tới hơn 1 tỷ đồng/1 chiếc, công nghệ flying-cam của nhóm đã đạt chuẩn thế giới với trang bị máy Canon 7D và 5D Max II cho chất lượng ảnh 18.0 và chất lượng quay HD. Máy bay có thể bay cao hơn, xa hơn, chính xác hơn và họ còn đang hướng tới trang bị toàn bộ hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh GPS. Flycam Vietnam bắt đầu tự tin sánh ngang công nghệ của các hãng lớn trong hội chợ về công nghệ, bắt đầu đưa các sản phẩm lên so sánh trên diễn đàn Aerialphoto – diễn đàn của hiệp hội những người chụp, quay không ảnh trên thế giới. 


Thu tiền

Thành công của Flycam kéo theo nhiều hợp đồng chuyên nghiệp hơn. Ngoài những dự án quay, chụp khảo sát như cầu Phú Mỹ, cảng Hiệp Phước, Resot Đà Nẵng, khu công nghiệp Doosan…thì các công ty quảng cáo cũng bắt đầu tìm tới (các hãng xe, sân golf, khu du lịch và tham gia một phim tài liệu về làng văn hoá của Viện phim Việt Nam). Mới đây nhất, đang trong quá trình triển khai là dự án chụp ảnh phục vụ cho đo đạc, vẽ bản đồ 3D. Đây là dự án khó.

Trước đây người ta thường chụp khảo sát bằng máy bay trực thăng thật nhưng bất tiện bởi nhiều lúc gặp tầng mây thấp (800m) che khuất thì lại phải bay về. Flying-cam cơ động hơn, có thể phục sẵn đợi trời đẹp thì chụp cũng như dễ luồn lách nhưng công việc này bắt buộc phải chụp bằng các góc vuông, chi tiết, chính xác với tính ổn định cao. Đây chính là yêu cầu khiến nhóm tiếp tục phải cải tiến công nghệ cho sản phẩm của mình bằng nâng cấp trang bị GPS, định vị, dẫn đường bằng vệ tinh.

50 triệu cho một lần bay quanh khu vực Hà Nội, 8-12.000 USD cho những phi vụ phải di chuyển xa và khoảng 20.000 USD cho các dự án khảo sát dài ngày. Chưa kể đối tác phải chịu toàn bộ chi phí ăn ở. Chi phí đó có thể chấp nhận được với các dự án khảo sát, các TVC quảng cáo nhưng có vẻ chưa hợp với tình hình sản xuất phim hiện nay. Nhưng so với giá thành 30.000 USD cho 1 cảnh quay của “Áo lụa Hà Đông” thời điểm năm 2006 thì vẫn còn rẻ chán.

Tuy vậy, mục tiêu lớn nhất mà Flycam hướng tới là làm phim. Cũng vì quá mê phim mà Nam Hải - Giám đốc Flycam Vietnam đã từ bỏ nghề kinh doanh ăn uống, một mình vào TPHCM theo đuổi nghề sản xuất phim. Trụ sở ngoài Hà Nội giao cho Trung và Tuấn Anh coi giữ. Nam Hải chỉ tham gia những dự án lớn.

“Chit & Pi” vừa chiếu trên VTV3 chính là dự án đầu tiên mà nhóm Hải-Trung-Tuấn Anh hợp tác với những cảnh quay trên không tuyệt đẹp về cầu Long Biên, về bãi hoa cúc vàng miên man gây ấn tượng mạnh. Dự án phim đầu tay này họ cũng được trả công nhưng gần như chỉ là với cái giá chào hàng.

Năm 2007, hãng phim CJ Media của Hàn Quốc có dự định làm 200-500 tập phim về cậu bé phù thủy ở Việt Nam cũng đã gặp gỡ và ký hợp đồng với họ nhưng dự án bất thành do phía Hàn Quốc rút về, nhường cho ê-kip Việt Nam làm. Từ đó đến nay, chưa có dự án phim nào tiếp cận họ, có thể là trong tư duy phim Việt chưa quen với việc sử dụng dịch vụ mới này và cũng có thể, giá thành của họ cao chăng?

Trang web www.clbmohinh.com vẫn kín đặc thành viên với thú chơi máy bay, dù bay dù lượn dù nhóm Trung – Hải – Tuấn Anh đã nhượng lại, không còn giữ quyền admin nữa. Họ vẫn là thành viên, cùng chia sẻ các kinh nghiệm. Trên diễn đàn cũng có nhiều nhóm phát triển flycam nhưng đều không thành công. Trung nói, rất muốn phát triển mạnh công việc này bởi Flycam Vietnamhiện nay chỉ đủ sức nhận 3 hợp đồng/1 tháng với doanh thu trung bình là 500 triệu/1 quý.

 Rủi ro và nhọc nhằn

Nói về công việc đầy rủi ro của mình, Lê Trung cho tôi xem 1 clip. Chiếc Flycam đang quay đại cảnh phim lịch sử ở Trung Quốc thì rớt xuống đám đông, may là tất cả tránh kịp không xảy ra thương vong. Với tốc độ 400km/h thì tai nạn chết người trên thế giới đã xảy ra nhiều. Thế nên, trong hợp đồng của nhóm nhất thiết có mấy dòng: “1. Không bay trên đầu người, dưới trời mưa và tốc độ gió quá 5m/1s; 2. Đối tác phải chịu 50% phụ phí rủi ro khi bay trên nước”.

Ảnh: FLYCAM VIETNAM
Ảnh: FLYCAM VIETNAM.

Trước mỗi cảnh quay, họ đều phải ngồi họp kỹ lưỡng với nhau, với đạo diễn mới có thể cất cánh. Bao giờ cũng là toạ độ, sức cản của gió, các yếu tố phụ trợ cũng như bắt khuôn hình ra sao. Trung bình cứ 1 phút bay thì phải mất 100 phút chuẩn bị. Bay chơi thì thoải mái, bay công việc thì cứ như đánh vật nên “cứ mỗi lần làm xong là anh em mệt phờ và phải liên tục hoán đổi các vị trí phi công-hoa tiêu-kỹ thuật với nhau để giảm tải”.

Ngay cả việc vận chuyển cũng cực kỳ vất vả. Với 5 chiếc máy bay và trang thiết bị, mỗi lần di chuyển họ phải mang đủ 200kg hành trang lỉnh kỉnh. Riêng máy bay thì phải vác tay để tránh trục trặc. Vì điều này mà nhóm đã phải toát mồ hôi mới có thể ra Côn Đảo thực hiện một hợp đồng. Sau lần đó, họ phải tiếp tục cải tiến cho tiện dụng và nay, mỗi lần di chuyển, họ chỉ cần tháo ra, cho vào hộp xách đi rồi lắp ráp khi đến nơi.

Ngoài ra, chuyện xin giấy phép bay giờ đây khó khăn hơn. Theo nghị định 36/CP/2008, mỗi một lần bay đều phải được phép của Cục tác chiến – Bộ tổng tham mưu.

MỚI - NÓNG