Vu lan sớm ở xứ Lạng

Hoa hồng cài ngực, tưởng nhớ cha mẹ
Hoa hồng cài ngực, tưởng nhớ cha mẹ
TP - Trong tiết thời vào thu, se lạnh, bản trên, xóm dưới nô nức làm bánh, giết vịt, mổ gà, cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đồng bào các dân tộc Tày - Nùng coi rằm tháng bảy là cái tết chính, cùng với Nguyên đán. Lễ Vu lan năm nay đến sớm, với nhiều nét độc đáo ở xứ Lạng.
Cận rằm, vịt bán rất chạy
Cận rằm, vịt bán rất chạy . Ảnh: Kiên Cường

Chợ phiên mở sớm

Người dân tộc thiểu số xứ Lạng, ăn rằm chính vào ngày mười bốn âm lịch. Vậy nên, ngày 22-8, tại chợ Bờ Sông, Giếng Vuông, Kỳ Lừa ở thành phố Lạng Sơn chật cứng người. Dân bản lân cận như: Hòa Cư (huyện Cao Lộc), Bắc Thủy (Chi Lăng), Đồng Bục (Lộc Bình), mang lâm thổ sản đến bán kiếm tiền mua gạo, muối. Nhưng náo nức, nhộn nhịp hơn cả là khu bán gà, vịt.

Anh Vi Hoàng, 43 tuổi, trú tại thôn Nà Khuất, Yên Trạch, Cao Lộc mang hai lồ vịt đến từ bảy giờ sáng, sau nửa tiếng đã bán gọn trên hai chục con. Anh cho biết, hai ngày hôm nay, đắt hàng lắm, giá 120.000 đồng/con, vịt của anh đúng độ lớn, nặng trên dưới ba cân.

Anh San, nhà ở thành phố Lạng Sơn, song vẫn giữ được phong tục người Nùng, đi chợ sắm đôi vịt bầu béo mập, một cân gạo nếp và chai rượu. Anh tâm sự: Mình mới cưới vợ, sau khi sắm lễ vật xong, cùng vợ về bên ngoại đi vãi (đi tết ông bà vợ) ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.

Lên Lạng Sơn trong dịp này, ai cũng được đồng bào đón tiếp nồng nhiệt. Một trong những món ăn đặc sản không thể thiếu là bánh rợm, bánh gai. Bánh làm bằng gạo nếp nương dẻo, nhân thịt, đỗ xanh hoặc đường phên. Bánh rợm hình dẹt, dính đôi thành một kẹp, phần cúng tổ tiên, phần chiêu đãi bạn bè, người thân, biếu hàng xóm thể hiện tình cảm, trổ tài nấu nướng của gia chủ.

Qua rằm, người dân móc bánh vào những sào trúc treo bên hiên nhà, hong nắng để hàng tháng, ăn vẫn mềm, không bị mốc. Ngày xưa, người dân bản địa làm bánh để biếu những chiến binh ngoài biên ải.

Vu lan trong trại giam

Ngày 21-8, Đại đức Thích Quảng Truyền, Phó trưởng ban Đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn, cùng tăng ni, phật tử đến Trại tạm giam Yên Trạch (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) thuyết giảng về ý nghĩa của ngày rằm tháng bảy, lễ xá tội vong nhân, chữ hiếu, chữ tình.

Hoa hồng cài ngực, tưởng nhớ cha mẹ
Hoa hồng cài ngực, tưởng nhớ cha mẹ .

Đại đức ân cần giảng giải cho các phạm nhân, khơi dậy trong lòng họ tính nhân bản, đạo hiếu, nét nhân văn cao đẹp của mỗi con người khi biết sống thiện, sống hiếu thảo, biết ăn năn hối lỗi, tránh xa điều ác, không tái phạm lỗi lầm.

Phạm nhân tên Bề, tuổi ngoài năm mươi, giấu bao giọt nước mắt vào tấm áo kẻ sọc, nói không nên lời: “Lỗi lầm do tôi làm ra, tôi gắng chịu, nhưng với cha mẹ, bao giờ mới trả hết nghĩa, tình. Không biết, khi tôi được ra trại, có kịp báo hiếu không?”. Bà Bề phạm tội “tham ô tài sản”, chịu án gần chục năm, mới về Yên Trạch được chừng bảy tháng.

Còn anh Nguyễn Văn Vinh (21 tuổi), trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Sắp tới, tôi được đặc xá, ra tù trước thời hạn. Tôi thấm thía những lời khuyên dạy của Đại đức, tôi mong ngày đoàn tụ với gia đình, được cầm tay mẹ, thắp hương cho cha, mong được làm người con tốt, công dân có ích.

Rất nhiều phạm nhân bật khóc nức nở khi được các phật tử trong Ban đại diện Phật giáo tỉnh Lạng Sơn cài trên ngực những bông hoa hồng đỏ và trắng. Giây phút lễ Vu lan chợt ùa về trong niềm nhớ thương, sám hối với cha, mẹ. Có lẽ, chưa bao giờ, họ nghĩ rằng, trong bốn bức tường xám lạnh lại có giây phút đón nhận tình cảm thiêng liêng, ân nghĩa của xã hội dành cho.

MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.