Phí trông xe, 5 ngành không quản nổi

Bãi đỗ xe trong BV Bạch Mai
Bãi đỗ xe trong BV Bạch Mai
TP - Sau nhiều đợt kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội (Tài chính, Thuế, Y tế, Công an, Giao thông), phí trông giữ xe ở nhiều nơi vẫn bị đẩy lên gấp 2 - 5 lần. Vì sao có tới 5 ngành mà không quản nổi 1.000 đồng vé xe theo quy định tại các bệnh viện, trường học... ?

>> Trông giữ xe : Tưởng chuyện nhỏ hóa lớn

Bãi đỗ xe trong BV Bạch Mai
Một trong những bãi đỗ xe tại BV Bạch Mai . Ảnh: Hoàng Tuân

Phạt vẫn… không chừa

Theo đại diện Sở Tài chính, bất chấp bị xử phạt, các bệnh viện (BV) Đa khoa Hà Đông, Xanh - Pôn, Lão khoa, Da liễu... vẫn tiếp tục tăng mức phí trông xe vượt quy định.

Tại BV Đa khoa Hà Đông, chiều 19 - 8, PV Tiền Phong chứng kiến nhân viên vẫn thu 3.000 đồng/lần trông xe dù trên vé ghi 1.000 đồng. Hơn nữa, bảng thông báo giá lại nấp sau chiếc ô che của nhân viên, khiến người dân khó quan sát.

Tại BV Bạch Mai - một trong những nơi có khu trông giữ xe đông nhất Hà Nội - cũng xảy ra sai phạm. Sáng 23 - 8, phí trông xe máy ở đây thu cao gấp 2 lần quy định. Vé đều tự chế, không có dấu của Cục Thuế Hà Nội. Khi chúng tôi chất vấn, đại diện phòng bảo vệ của BV thừa nhận: Sai phạm trong trông giữ xe ở đây đã có từ lâu.

Với khoảng 3.000 lượt xe đến BV Bạch Mai mỗi ngày và với mức phí thu tăng thêm như vậy, cơ quan thuế sẽ thất thoát lượng tiền đáng kể.

Không chỉ có BV mà điểm trông giữ xe của nhiều trường như ĐH Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Bách khoa Hà Nội... cũng chặt chém sinh viên khi thu phí trông xe máy cao hơn 1.000 đồng/ lượt so với quy định.

Tiền đổ vào đâu?

Với một bãi trông xe chưa đến 1.000m2, BV Đa khoa Hà Đông mỗi tháng thu được hơn 100 triệu đồng tiền thầu. Ông Nguyễn Ngọc Chinh, Phó Giám đốc BV này cho hay, toàn bộ số tiền thu được từ trông xe đều được nộp vào ngân sách nhà nước.

Tại BV Bạch Mai, ông Hùng - Trưởng phòng Dịch vụ - cho biết, tổ trông giữ xe phải nộp cho BV hơn 100 triệu đồng/tháng. Số tiền trên được Đại diện Phòng Tài chính BV này xác nhận là đưa vào quỹ phúc lợi của BV.

Tuy nhiên, theo Thông tư 63/2002 của Bộ Tài chính và Quyết định 25/2009 của UBND TP Hà Nội, phí trông xe thu được, sau khi trừ chi phí cho việc thu phí, lệ phí, phần còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước. Vậy thực chất, số tiền lên đến hàng tỷ đồng các đơn vị thu được mỗi năm này đang chảy vào đâu?

Đại diện Cục Thuế Hà Nội than rằng, họ phải quản nhiều loại phí, mà phí trông giữ xe là phần nhỏ trong số đó, nên không phải tháng nào cũng kiểm tra, báo cáo. “Nhưng đợt này, do dư luận, báo chí nóng lên, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra” - Vị này cho biết.

Tương tự, đại diện Sở Tài chính nói, trách nhiệm quản lý vé xe chủ yếu phải do chính quyền địa phương. Nhưng một lãnh đạo của phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm - nơi có bãi đỗ xe vi phạm - lại thanh minh là có kiểm tra thường xuyên, nhưng sai phạm là do nhân viên trông xe “muốn thu thêm tiền uống cốc nước”.

Còn GĐ của một Cty trông giữ xe tại Hà Nội cho biết, hàng tháng, họ phải đóng 34 triệu đồng tiền an ninh-trật tự, 45.000 đồng/m2 thuê đất...cho chính quyền sở tại. Vì vậy, rất khó hạ giá trông xe theo đúng quy định.

Dù nhiều ngành đang quản hoạt động trông xe nhưng tại nhiều bãi trông xe ở Hà Nội, dân vào gửi xe vẫn bị chặt chém.

Hoàng Tuân

Quận Hoàn Kiếm kiên quyết xử phạt

Sau khi Tiền Phong đăng bài "Giá trông giữ xe, ai quản?", ngày 12-8, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử phạt những trường hợp sai phạm. Các đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập và phát hiện nhiều Cty, tổ chức thu vé cao hơn quy định.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng vừa gửi công văn đến báo Tiền Phong, nêu rõ: Đã yêu cầu Trưởng Công an quận phối hợp với UBND các phường xử lý kiên quyết những vi phạm mà báo nêu; trong đó, yêu cầu GĐ các bệnh viện, Cty Cổ phần Đồng Xuân có biện pháp chấn chỉnh những điểm trông xe của đơn vị mình. Mặt khác, UBND quận cũng giao Quản lý đô thị quận tham mưu, đề xuất thu hồi giấy phép trông giữ xe của các đơn vị tái phạm nhiều lần.

MỚI - NÓNG