Khi chỉ thích được khen

Khi chỉ thích được khen
TP - Có đứa trẻ nào không thích được khen? Được khen chúng sướng phổng mũi lên. Và thực ra người lớn cũng vậy. Ai mà chẳng thích được khen, được nghe những lời bùi tai. Đấy là chuyện con người, không có gì lạ. Và các nhà tâm lý học đã nghiên cứu cái tính “thích được khen” này rất kỹ.
 Những nhận xét khen - chê từ bên ngoài về chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam phải được xem xét thỏa đáng Ảnh: Hồng Vĩnh
Những nhận xét khen - chê từ bên ngoài về chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam phải được xem xét thỏa đáng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Từ những nghiên cứu như vậy, người ta khuyên nên hào phóng với những lời khen. Lời khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực có thể tạo động lực to lớn cho người được khen phát huy các mặt tích cực của mình. Thay cho các hình phạt khắc nghiệt, nên dùng các lời động viên, các lời khen để kích thích tính tích cực của trẻ em. Đấy là một lời khuyên có giá trị và thậm chí đã trở thành một nguyên lý giáo dục hay đào tạo cũng như quản lý nhân sự.

Đối với những việc làm sai của đứa trẻ (mà thế nào là sai cơ chứ? Có thể chúng đúng hoàn toàn mà người lớn cứ nghĩ là chúng sai) thì nên ân cần giảng giải cho (và, nếu có, thể tranh luận một cách bình đẳng với) chúng. Chứ đừng chê trách, dè bỉu nặng nề vì làm thế có thể gây tổn thương cho đứa trẻ.

Tất nhiên nếu khen không đúng lúc, đúng chỗ, đúng mực thì lời khen có thể làm hại đứa trẻ.

Với người trưởng thành, về cơ bản cũng vậy. Nhưng sự duy lý của người trưởng thành là rất quan trọng. Thế nên phát triển tư duy phê phán là một vấn đề cốt yếu. Phán xét về cái đúng, cái sai đôi khi khá dễ, nhưng nhiều khi không đơn giản, và cần tranh luận. Chỉ qua tranh luận lành mạnh, chỉ qua thực tiễn, chúng ta mới có thể có những phán xét chính xác hơn (nhưng có thể chẳng bao giờ hoàn toàn chính xác) về cái đúng, cái sai.

Có những ý kiến khác nhau về một sự kiện, một hiện tượng là chuyện rất bình thường. Cuộc sống là vậy và cuộc sống thế mới phong phú, phát triển. Luôn luôn có sự nhất trí, có sự đồng thuận mới là chuyện bất bình thường. Cuộc sống như thế sẽ chỉ có thể là một cuộc sống nghèo nàn. Đòi hỏi sự nhất trí về mọi thứ đồng nghĩa với triệt tiêu tiến hóa. Cần và phải nuôi dưỡng sự đa dạng, tính phong phú hay sự khác biệt về ý kiến đóng góp xây dựng nếu muốn có sự phát triển.

Căn bệnh của người chưa trưởng thành

Chúng ta vui với những lời khen của bạn bè, nhưng chỉ thích được khen là một căn bệnh của người chưa trưởng thành. Nếu không những thích được khen mà còn say mê với sự tự khen mình, thì đã là mắc bệnh chết người, chứ không chỉ còn là biểu hiện của sự chưa trưởng thành.

Bạn đọc có thể nhìn lại bao nhiêu sự kiện xã hội vừa diễn ra để ngẫm xem căn bệnh nan y đó đã phát triển đến mức nguy hiểm thế nào ở nước ta.

Khi có các ý kiến, dẫu là một học giả, một tổ chức quốc tế chẳng hạn, tỏ lời khen ngợi thành tích nào đó của chúng ta, thì các nhà quản lý rồi báo chí ồ ạt đưa tin, phân tích, tự hào, phấn khởi.

Khi người ta đưa ra lời chê thì rất ít báo đưa tin. Kiểu đưa tin, bình luận một chiều như vậy không còn chỉ là căn bệnh của mỗi con người mà của cả xã hội. Và căn bệnh ấy nếu không được nhìn nhận một cách nghiêm túc và chữa trị kịp thời thì có thể dẫn đất nước đến chỗ trì trệ nặng hơn, tụt hậu xa hơn.

Chỉ xin đơn cử một ví dụ cụ thể vừa xảy ra. Trong báo cáo của mình vừa đưa ra ngày 8-9-2010, IMF khen Việt Nam đã đối phó tốt với khủng hoảng kinh tế, nhưng bên cạnh đó còn có nhận xét khá tiêu cực về chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta. Rất ít báo đưa tin về những nhận xét đó.

Chúng ta chỉ thích được khen và thích tự khen. Một quan chức cấp cao còn lên tiếng bác bỏ ý kiến của IMF, cho rằng thông tin của IMF là “không chính xác”. Cũng rất ít báo chính thống của Việt Nam đưa tin này. Trong khi một vị giáo sư kinh tế rất khả kính, người khá am hiểu tình hình kinh tế Việt Nam, đồng ý với nhận xét của vị quan chức nọ rằng thông tin của IMF là “không chính xác” vì tình hình thực tế ở mức đáng phải quan tâm hơn cả mức mà IMF đưa ra. Sự không chính xác là ở chỗ đó.

Nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật, đó là cốt lõi của tinh thần thực sự cầu thị. Tinh thần đó cần phải được động viên phát huy. Tinh thần đó rất cần cho sự nghiệp đổi mới, rất cần cho việc tập hợp đội ngũ để chung tay xây dựng đất nước.

MỚI - NÓNG