Không xem xét tố cáo nặc danh sẽ bỏ sót vi phạm

Phiên họp 34 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: NT
Phiên họp 34 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: NT
TP - Tại phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Nguyễn Văn Thuận cho biết một số ủy viên của ủy ban này cho rằng, cần thừa nhận tố cáo nặc danh là hợp pháp.
Phiên họp 34 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: NT
Phiên họp 34 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: NT.

Tại Tờ trình dự thảo Luật Tố cáo, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trên thực tế có không ít tố cáo không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo, nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để xem xét. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng không nên quy định vào luật việc tố cáo và giải quyết đối với loại tố cáo nặc danh.

Hạn chế lợi dụng quyền tố cáo để gây rối

Thanh tra Chính phủ nhận định, việc xem xét, xác minh thông tin tố cáo nặc danh gặp nhiều khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian công sức của các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, hiện còn có 2 loại ý kiến về vấn đề này: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị chỉ xem xét giải quyết nội dung các tố cáo trong trường hợp người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, dự thảo luật cần quy định đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết.

Bên cạnh các trường hợp mang tính xây dựng, tích cực, không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết. Nếu thừa nhận loại tố cáo này thì vô hình trung sẽ khuyến khích tố cáo nặc danh, mạo danh.

Vì vậy, trong các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo trước đây và Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành không điều chỉnh về vấn đề này mà còn quy định đơn tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Các quy định của Đảng cũng không giải quyết những tố cáo nặc danh, mạo tên... nhằm đề cao trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế lợi dụng quyền tố cáo để gây rối.

Tố cáo “nặc danh” do vấn đề nhạy cảm

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, nhiều trường hợp trong 88 điển hình chống tham nhũng được biểu dương vừa qua đã bị trù dập, bị đánh đập. Có một phụ nữ chống tham nhũng tại quận Tây Hồ (Hà Nội) đã bị đánh trước khi được tuyên dương mấy ngày. “Người tố cáo phải được bảo vệ. Trường hợp bị tấn công, thậm chí hy sinh, được đối xử ra sao phải cụ thể trong luật”- Ông Sơn đề nghị.

Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm UBPL Nguyễn Văn Thuận cho biết, đa số thành viên UBPL tán thành với quy định “người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình”. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần thừa nhận tố cáo nặc danh là một hình thức tố cáo hợp pháp”. Trên thực tế, tố cáo “nặc danh” vẫn diễn ra khá phổ biến do việc tố cáo vốn nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tố cáo - nhất là khi các quy định bảo vệ họ còn hạn chế.

Đặc biệt, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức nếu do những người công tác trong cùng cơ quan, đơn vị phát hiện và tố cáo, thì sợ bị trù úm, liên lụy. Nếu không quy định giải quyết loại tố cáo nặc danh sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót, không xử lý được hành vi vi phạm pháp luật bị tố giác.

Ban Soạn thảo Luật cho rằng, tố cáo nặc danh rất phức tạp. Việc quy định hay không quy định đối với loại tố cáo này đều có mặt tích cực và hạn chế nhất định. Tuy nhiên trong xử lý tố cáo về tội phạm, tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo về tham nhũng, pháp luật về tố tụng hình sự, phòng, chống tham nhũng đã quy định.

Vì vậy trong việc xử lý tố cáo về hành chính thì Luật Tố cáo không nên quy định việc giải quyết đối với loại tố cáo nêu trên. Trong trường hợp cần nghiên cứu, sử dụng thông tin do người tố cáo cung cấp để phục vụ công tác quản lý thì quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành.

“Việc tồn tại một số lượng lớn các đơn thư giấu tên là do pháp luật chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo. Vì vậy, dự thảo Luật bổ sung một chương mới về bảo vệ người tố cáo. Đồng thời không nên quy định việc tố cáo và giải quyết đối với loại tố cáo nêu trên trong luật này”-Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nói.

MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.