Hà Nội xóa lò mổ trái phép trước Đại lễ

Hà Nội xóa lò mổ trái phép trước Đại lễ
TPO – “Từ nay đến trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long, chúng ta phải kiên quyết xóa bỏ toàn bộ các lò mổ nhỏ lẻ, kém vệ sinh an toàn thực phẩm” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng khẳng định sau cuộc kiểm tra đột xuất một số lò mổ trên địa bàn thủ đô rạng sáng nay, 18 – 9.

Một giờ đêm, theo chân đoàn kiểm tra liên ngành, chúng tôi có mặt tại lò mổ Thịnh Liệt. Nơi này trước kia cung cấp gần 40% lượng thịt cho Hà Nội (chưa mở rộng), và nay vẫn là một trong những lò mổ lớn nhất thủ đô.

Mùi xú uế bay xa hàng km, tiếng lợn kêu chói tai . Bên trong lò mổ, hàng trăm con lợn đã cắt tiết, mổ lòng nằm chềnh ềnh trên nền xi măng nhoang nhoáng váng mỡ, máu và cả phân động vật.

Đối diện sàn mổ, vài chục người làm lòng lợn tiết canh. Không một ai sử dụng công cụ bảo hộ lao động! Tất cả đều tay trần, dép lê, cởi trần, thỉnh thoảng có thể bắt gặp vài người đi ủng qua lại trên sàn mổ.

Chứng kiến cảnh này, bà Nguyễn Thị Như Mai – Chi cục trưởng chi cục quản lý thị trường Hà Nội, ngao ngán: “Các cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, xử phạt nhưng tình hình vẫn không chuyển biến. Thậm chí, Sở Công thương Hà Nội đã phát miễn phí hàng chục thùng tiêu chuẩn để đựng thịt sau giết mổ cho các hộ kinh doanh, tuy nhiên không có hộ nào chịu dùng. Các khâu giết mổ, sơ chế cũng chưa đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm!”.

Lý giải nguyên nhân mất vệ sinh và phớt lờ quy định đựng thịt sau giết mổ vào thùng do Sở Công thương cấp, các hộ kinh doanh cho biết: “Lò mổ chưa được đầu tư thích đáng nên không thể yêu cầu quá cao. Hơn nữa, các bà nội trợ sau khi mua thịt về không ai… ăn sống, mà thịt nấu chín rồi thì không sợ bẩn. Còn thùng đựng thịt thì cồng kềnh quá, để thịt vào thùng dễ làm chín thịt, không ai mua”.

Tại cơ sở giết mổ thuộc xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ, bà Dương Thị Tâm – chủ cơ sở phân bua: “Nhà chúng tôi nuôi nhốt có vài chục con, chủ yếu để tạo việc làm cho con cháu trong nhà chứ có làm ăn lớn đâu mà cần giấy phép?!”.

Bà Tâm cho hay, nếu đặt lò mổ gần nhà thì bị phản ứng do mất vệ sinh và tiếng ồn gia súc gia cầm gây nên, do đó phải xây lò mổ xa khu dân cư. Tuy nhiên, nơi xây dựng lò mổ trên đất canh tác – không được phép xây dựng. Phải mất cả tiếng đồng hồ giải thích, bà Tâm mới chịu ký vào biên bản phạt hành chính của thanh tra liên ngành.

Tình hình tương tự diễn ra tại cơ sở giết mổ Đại Hồng ở Phùng Khoang. Thấy bóng lực lượng thanh tra, chủ cơ sở vội vã gọi người đi rửa thùng đựng sản phẩm gia súc, gia cầm. Khâu rùng rợn nhất tại lò mổ này là làm tiết canh.

Con lợn bị móc hàm, lôi ra cửa chuồng. Ở đó, hai người chờ sẵn để giữ chặt con vật cho chọc tiết. Máu tươi ồng ộc đổ xuống chiếc chậu nhựa cáu bẩn. Hỏi người đồ tể chiếc chậu đã bao lâu không rửa, anh này ngập ngừng đáp: “Hình như là… hôm qua, không nhớ rõ lắm!”.

Tiết canh trong chiếc chậu bẩn được đổ thẳng vào túi nilon đem bán. Không hiểu nếu chứng kiến cảnh này, còn ai dám ăn tiết canh mỗi sáng?

Xóa lò mổ trái phép trước Đại lễ

Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND huyện Từ Liêm thừa nhận, chính quyền cơ sở thiếu kiểm soát nghiêm ngặt dẫn đến việc xây dựng trái phép và kinh doanh giết mổ kém chất lượng diễn ra trên địa bàn.

“Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ phá dỡ và buộc ngưng hoạt động tất cả các cơ sở giết mổ không đạt chuẩn. Hoạt động giết mổ sẽ phải đi vào các cơ sở tập trung, đạt chuẩn”, vị đại diện này cho biết.

Theo ông Nguyễn Huy Tưởng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, hoạt động giết mổ lâu nay là vấn đề nhức nhối của thành phố.

Quyết tâm xóa lò mổ không đảm bảo vệ sinh trước Đại lễ. Ảnh: Văn Việt
Quyết tâm xóa lò mổ không đảm bảo vệ sinh trước Đại lễ. Ảnh: Văn Việt.
 

Ông Tưởng cho biết, bắt đầu từ hôm nay, 18 – 9, các đơn vị liên quan như Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường phối hợp với chính quyền địa phương sẽ đồng loạt ra quân chấn chỉnh hoạt động vận chuyển gia súc gia cầm để trần trong thành phố.

Về vấn đề lò mổ Thịnh Liệt gây nhiều bức xúc lâu nay, ông Tưởng khẳng định: “Chắc chắn sẽ đóng cửa lò mổ này. Bởi, ngoài lý do về vệ sinh an toàn thực phẩm, hoạt động của lò mổ còn gây ảnh hưởng xấu tới khu dân cư xung quanh! Bên cạnh đó, Sở Công thương Hà Nội sẽ có trách nhiệm phối hợp với chính quyền cơ sở trong việc chấn chỉnh toàn bộ các cơ sở giết mổ đang hoạt động ở nội đô”.

Cũng theo ông Tưởng, ngoài việc đóng cửa các lò mổ nhỏ lẻ, không đạt yêu cầu vệ sinh, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng các khu giết mổ công nghiệp, tập trung. Đến cuối tháng 9 năm nay, hai cơ sở giết mổ công nghiệp tại Thường Tín và Gia Lâm sẽ chính thức khởi công. Để đáp ứng nhu cầu khoảng 550 tấn thịt/ ngày của Hà Nội, chỉ cần 8 cơ sở như trên là đủ - ông Tưởng cho hay.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện trên địa bàn Hà Nội có 3.725 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư. Bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trước mắt sẽ tập trung kiểm tra gắt gao các cơ sở hoạt động tại nội đô, tiếp đó là ở các huyện ngoại thành.

Dự kiến, tám cơ sở giết mổ công nghiệp sẽ hoàn thành và hoạt động vào cuối năm 2011.

 
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.