Những phu vàng… nhí

Góc “công trường” đãi vàng Húc Nghì với sự tham gia của đám trẻ. Ảnh: N.P (Thanh Niên)
Góc “công trường” đãi vàng Húc Nghì với sự tham gia của đám trẻ. Ảnh: N.P (Thanh Niên)
Năm học mới đã qua nhiều tuần, nhưng những em nhỏ vùng cao Quảng Trị vẫn phải cùng bố mẹ quăng quật dưới mép sông Đakrông đãi vàng để mưu sinh.
Góc “công trường” đãi vàng Húc Nghì với sự tham gia của đám trẻ. Ảnh: N.P (Thanh Niên)
Góc “công trường” đãi vàng Húc Nghì với sự tham gia của đám trẻ. Ảnh: N.P (Thanh Niên).

Bãi vàng tự phát Húc Nghì (xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) tồn tại đã quá lâu trước sự ngán ngẩm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Đáng buồn thay, lực lượng “vàng tặc” - cái tên chua chát mà lâu nay nhiều người đã gán cho dân đào, đãi vàng - tại đây đa số lại là phụ nữ và trẻ em.

Người ta đã quá quen với cảnh mẹ đào, con đãi trên khúc sông đục ngầu, cạn đến trơ đáy những ngày nước hạ. Dù cũng chẳng ai quên cái chết tức tưởi của một người phụ nữ bị sụp hầm vàng chỉ cách đây mấy khúc sông chừng 3 tháng trước, nhưng “công trường” đãi vàng chui vẫn nườm nượp người.

Ông Hồ Văn Phong, cán bộ văn phòng UBND xã Húc Nghì, nói: “Dù không muốn nhưng chúng tôi đành phải làm lơ, vì có bắt thì họ mếu máo nói lụt lội, hạn hán mất mùa không đi đãi vàng thì lấy chi mà ăn...”.

Và cứ thế, vòng quay cuộc đời cứ lăn đều quanh số phận những con người trên bãi đất nhỏ ven sông này: đời ông đời bà, đời cha đời mẹ và đến đời cháu con... Cuộc sống của họ gắn với việc ngâm mình hàng giờ dưới nước, đội trên đầu cái nắng kinh hoàng và phải căng mắt nhìn trong lớp lớp đá sỏi để tìm những hạt vàng cám li ti... Năm thì mười họa có người “trúng quả” như vô tình gieo vào lòng những người còn lại chút hy vọng về cơ may đổi đời.

Ngâm nước đãi vàng. Ảnh: N.P (Thanh Niên)
Ngâm nước đãi vàng. Ảnh: N.P (Thanh Niên).

Có mặt tại bãi vàng, thoáng trong đầu tôi nghĩ có vẻ như những người lớn đã thôi ước mơ đổi đời và nhường cái phần việc ấy lại cho con trẻ, bởi trên đoạn sông này hiện nay hầu như chỉ tồn tại các phu vàng nhí. Chúng trạc tuổi nhau và khi thấy sự xuất hiện của tôi với cái máy ảnh chớp đèn lia lịa, chúng quay vào nhau cười và xì xầm thứ ngôn ngữ bản địa.

Thử bắt chuyện, mới biết các em vẫn nói được tiếng của người miền xuôi, dù với cách phát âm lơ lớ và thỉnh thoảng lại xổ ra một tràng tiếng của đồng bào PaKô làm tôi cũng lúng túng không rõ chúng đang chuyện trò về điều gì.

Cậu bé Pương (Hồ Văn Pương, 10 tuổi, ở thôn La Tó, xã Húc Nghì) là đứa rành rẽ tiếng Kinh và nhanh nhảu nhất. Cu cậu hau háu nhìn tôi và hỏi: “Anh chụp ảnh để cho bọn em lên ti vi à? Nếu lên ti vi mà bọn em không cần phải đi đãi vàng, lại được đi học thì anh cứ chụp đi...”. Tôi không thể cười trước suy nghĩ ngây ngô đó, thậm chí còn thấy thương cho đám trẻ.

Bằng đôi tay bê bết bùn đất, những chiếc khay chứa đất mới đào lên được các em mềm mại đưa theo dòng nước. “Không có gì cả...”, một đứa trẻ rầu rĩ nói nhưng tay lại lấy xẻng xúc đầy đất vào khay để tiếp tục đãi những mẻ khác. Công việc dường như rất nhàm chán với những động tác lặp lại không ngừng. Em Hồ Thị Sân (14 tuổi) nói rằng: “Ngày nào gặp may thì cũng kiếm được vài chục ngàn đồng, đen đủi thì chỉ biết vác khay không ra về...”.

Hỏi chuyện thì được biết, đa số các em đã nghỉ học hoặc thuộc diện đi học một buổi và buổi còn lại lởn vởn ở mép sông này để kiếm vàng. Những vất vả của công việc vốn không dành cho các em in hằn lên dáng vẻ bên ngoài của từng đứa một.

Bàn tay các em chai sần vì làm việc nặng và việc trầy da, chảy máu là chuyện như cơm bữa. Không có người lớn cạnh bên khi gặp những tình huống bất ngờ như trượt chân xuống hố, bị cuốn theo dòng nước lạ... là những viễn cảnh mà tôi dù chỉ mới thoáng nghĩ cũng thấy lo ngại cho bọn trẻ.

Nói như thầy giáo Hà Công Văn, hiệu trưởng đã gắn bó với vùng đất này gần 30 năm, thì: “Ánh sáng văn hóa có thể đã về đến nơi này nhưng nhiều cha mẹ vẫn có cách nghĩ “trời sinh voi, ắt sinh cỏ”, nên các em phải quần quật làm việc và việc học hành với chúng còn xa hơn việc đi đến những ngọn núi ở phía chân trời...”.

Trong khi nhiều người lên tiếng về việc trẻ con thành phố không còn chỗ để chơi thì thật chạnh lòng khi so sánh điều đó với đám trẻ vùng cao nơi bãi vàng này. Có thể, các em vẫn vô tư cười nói, chạy nhảy trước núi rừng, cười khi đào, đãi được những hạt vàng cám li ti..., nhưng các em đâu biết rằng mình lại đang chơi một “trò chơi” rất nguy hiểm đến tính mạng mình.

Theo Nguyễn Phúc
Thanh Niên

MỚI - NÓNG