Bọ xít hút máu : Nguy cơ phát tán khôn lường

Ổ bọ xít hút máu
Ổ bọ xít hút máu
TP - Từ việc phát hiện một ổ bọ xít hút máu mới, với số lượng trên 1.000 con hôm thứ hai vừa qua ở Hà Nội, cách ổ bọ xít trên 200 con phát hiện trước đó một tuần khoảng một cây số, có ý kiến cho rằng nguy cơ phát tán bọ xít hút máu trong khu dân cư là rất cao và tiềm ẩn các ổ bọ xít với số lượng lớn.

>> Phát hiện ổ bọ xít hút máu hơn 1.000 con

Ổ bọ xít hút máu
Ổ bọ xít hút máu.

Những con bọ căng máu

Chị Nguyễn Thị Thơm, nhà ngay cạnh ổ bọ xít hút máu có số lượng trên 1.000 con, ở xóm 3A, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Chị kể với Tiền Phong, chị thấy những con này từ cách đây một tháng. Cứ cách một hôm lại có một hai con bò ở sân.

Có hôm, chị thấy nó bay vào nhà. Cách đây một tuần, mở cửa buổi sáng, chị thấy một con còn sống, nằm trong một vũng máu ở giữa sân. Hoảng quá, chị hỏi hàng xóm thì được biết cũng thấy nó bò qua cửa sổ toilet.

Lần tìm đường đi của chúng, sáng thứ sáu tuần trước, 17-9, chị và hàng xóm quyết định dỡ tung căn buồng nằm sát đường đi lát bê tông sạch sẽ của xóm. Chỗ lâu nay chỉ để củi ấy nhung nhúc bọ xít.

Buồng không cửa này nằm sát nhà chị và là chỗ chất củi của một hàng xóm bên trong, cụ Lưu Thị Ninh. Sáng thứ bảy, chị cùng hàng xóm lấy chày, gạch, đập chết các con bọ xít bò từ đống củi. “Chúng tôi giết được trên trăm con thì mỏi tay quá. Cứ 10 con giết thì tám con bụng căng máu. Cả một góc sàn đầy máu”, chị Thơm nói.

Nhận xét về các ổ bọ xít hút máu vừa phát hiện ở Hà Nội, TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng Thực nghiệm, Viện Sinh thái&Tài nguyên Sinh vật (ST&TNSV), cho hay ông ngạc nhiên về độ lớn số lượng loài của các ổ này.

Chị Thơm đứng trước buồng chứa củi (có hai cột gạch không trát vữa), nơi phát hiện ổ bọ xít trên 1.000 con.
Chị Thơm đứng trước buồng chứa củi (có hai cột gạch không trát vữa), nơi phát hiện ổ bọ xít trên 1.000 con. . Ảnh: QD

“Tôi từng nghiên cứu bên Trung Quốc mấy năm về bọ xít hút máu và thấy ổ lớn nhất được phát hiện chỉ 70 con”, TS Lam nói. “Việc phát hiện ổ trên 200 con cách đây hai tuần đã làm tôi ngạc nhiên. Ổ có số lượng trên nghìn con như ở xóm 3A, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, vượt quá sự tưởng tượng của chúng tôi”.

Phát tán nhanh

Các nhà khoa học tỏ ra quan tâm đến hiện tượng ổ bọ xít ngoài nhà nhiều hơn hẳn các ổ phát hiện trong nhà. Do chưa có nghiên cứu nào về sự phân bố của chúng trong khu dân cư ở Việt Nam, nhà khoa học bước đầu nhận định, có thể do trong nhà các vị trí được quét dọn nhiều hơn khiến bọ xít ít có cơ hội nhân đàn hơn. Ngược lại, tại các địa điểm ngoài nhà, nhất là những nơi ít quét dọn, chúng có thể có cơ hội nhân đàn nhanh hơn. Chị Thơm xác nhận với Tiền Phong kho củi kia lưu cữu dễ đến trên hai năm.

" Chúng (bọ xít hút máu) không chỉ có trong các khu dân cư bình thường mà còn có thể xuất hiện tại các khu dân cư sang trọng"  - TS Lam nhận định 

Nhưng những địa điểm phát hiện có bọ xít hút máu lại không phải là những nơi có vấn đề về môi trường, không phải là những nơi bẩn thỉu, rác, nước tù đọng. “Những nơi đó đều rất gần chỗ sinh sống của con người và vì thế dễ dẫn đến chủ quan”, TS Lam nói.

Với những lý do đó, và với đặc điểm các khu dân cư ngày càng chật chội, nhà cửa san sát nhau, bọ xít hút máu càng có nhiều cơ hội để tìm chỗ trú ẩn. Khả năng phân bố, khả năng lây lan của chúng từ khu dân cư này sang khu dân cư khác, từ vùng này sang vùng khác, là một câu hỏi không dễ trả lời.

Các nhà khoa học sẽ phải nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện môi trường, vi khí hậu đến sự sinh sản, phân bố, phát tán của chúng. Còn nhận định sơ bộ là, bọ xít hút máu có mặt ở hầu hết các quận huyện của Hà Nội.

Công việc tiếp theo là nghiên cứu các tập tính sinh học của chúng vào các thời điểm trong năm. Nếu như tháng 9 liên tiếp phát hiện các ổ lớn thế này, các tháng còn lại, chúng sẽ phát triển ra sao?

Nhưng điều lo ngại nhất là nguy cơ phát tán mà quy luật và quy mô còn là bí ẩn. Số bọ xít hút máu ở cả hai ổ mới phát hiện đều có khả năng phát tán ở mức độ khác nhau. Ổ trên 200 con phát hiện cách đây hai tuần được nhận định đang trong quá trình chuẩn bị phát tán với khoảng 25-30% số con trưởng thành. “Khoảng một tháng nữa kể từ ngày phát hiện, ổ này sẽ phát tán mạnh nhất”, TS Lam nói.

Còn ổ trên 1.000 con vừa phát hiện đầu tuần này thì được nhận định đang trong quá trình phát tán với mức độ có thể rất mạnh với tỷ lệ con cái rất cao. Trong số trên 600 con trưởng thành được các nhà khoa học thu về, trên 80% là con cái.

Để diệt loại bọ xít hút máu người này, ngoài việc giết chúng bằng phương pháp thủ công, có thể dùng các hóa chất dùng trong y tế, như permethrin 50EC, fendona 10SC, icon 10 WP (nhóm có nguồn gốc từ thực vật - pyrethroid), liều 30mg nguyên chất/m2 phun trong và xung quanh nhà giống như phun diệt muỗi. 
MỚI - NÓNG