Bọ xít hút máu ở Việt Nam có 'hiền'?

Bọ xít ở Việt Nam có dấu hiệu thích nghi với người và chủ động đốt người chứ không phải “ngẫu nhiên”. Ảnh: Phạm Yên
Bọ xít ở Việt Nam có dấu hiệu thích nghi với người và chủ động đốt người chứ không phải “ngẫu nhiên”. Ảnh: Phạm Yên
TP - Văn bản Bộ Y tế gửi Tiền Phong hôm qua, 24-9, nhận định, bọ xít ở Việt Nam đốt người chỉ là ngẫu nhiên và không thể gây bệnh Chagas, một loại bệnh ngủ.

>> Bọ xít hút máu ở Việt Nam không gây bệnh ngủ

Tuy nhiên, TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng Thực nghiệm, Viện Sinh thái&Tài nguyên Sinh vật (IEBR), đơn vị đang có đề tài nghiên cứu về bọ xít hút máu, không đồng tình với nhận định này.

Bọ xít ở Việt Nam có dấu hiệu thích nghi với người và chủ động đốt người chứ không phải “ngẫu nhiên”. Ảnh: Phạm Yên
Bọ xít ở Việt Nam có dấu hiệu thích nghi với người và chủ động
đốt người chứ không phải “ngẫu nhiên”. Ảnh: Phạm Yên.


Thưa ông, văn bản số 637/TB-DP đề ngày 23-9-2010 của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, có bàn về con bọ xít hút máu mà IEBR gọi nó bằng tên khoa học Triatoma rubrofasciata. Văn bản do TS Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, ký, còn nói trên thế giới có khoảng 3.000 loài bọ xít khác nhau, và trong số đó chỉ có một số loài hút máu động vật?

TS Trương Xuân Lam: Tôi không rõ Bộ Y tế lấy đâu ra con số khoảng 3.000 này. Khác rất xa với thực tế. Ta hãy bắt đầu từ con bọ xít hút máu mà chúng tôi đang nghiên cứu và được văn bản Bộ Y tế đề cập, con Triatoma rubrofasciata. Con này thuộc bộ Hemiptera. Dưới bộ họ, và nó thuộc họ Reduviidae. Dưới họphân họ. Dưới phân họ giống. Dưới giống mới đến loài.Triatoma rubrofasciata là cái tên của loài mà chúng tôi tìm thấy ở Việt Nam.

Trong thang bậc phân loại con bọ xít hút máu ấy (Triatomine), dưới bộ Hemiptera, người ta tìm thấy 56 họ Reduviidae. Và, trong số 56 họ ấy, chỉ ở một họ Reduviidae có chứa loài bọ xít hút máu ở Việt Nam, còn có 24 phân họ khác nhau. Và chỉ ở một họ Reduviidae này, người ta tìm thấy 6.800 loài khác nhau. Xem thế, đủ thấy con số “khoảng 3.000 loài bọ xít khác nhau” xa với thực tế đến đâu.

Chỉ là ngẫu nhiên?

Văn bản liên quan cũng cho biết trong quá trình tồn tại và phát triển của một vài loài bọ xít hút máu động vật, “người có thể là đối tượng ngẫu nhiên bị bọ xít đốt”. Bộ Y tế đã xét nghiệm 19 người ở 19 gia đình bị bọ xít đốt và có kết luận?

Nếu “người có thể là đối tượng ngẫu nhiên bị bọ xít đốt”, theo tôi hiểu, thì chỉ có vài hoặc vài chục trường hợp bị đốt. Nhưng từ thực tế thu thập được chỉ từ tháng 6-2010 đến nay, không rõ có nên xem là “ngẫu nhiên bị bọ xít đốt” nữa không?

TS Trương Xuân Lam
TS Trương Xuân Lam.

Trừ hai trường hợp mới đây nhất với số lượng bọ xít lớn khủng khiếp - từ trên 200 đến trên 1.000 con, tất cả các trường hợp còn lại trong tổng số 302 trường hợp chỉ riêng ở Hà Nội đều được phát hiện trong nhà có người ở. Chưa có trường hợp nào phát hiện bọ xít ở chuồng trâu, bò, lợn hay gà. Các gia đình phát hiện có bọ xít hút máu ấy hầu như không nuôi động vật cưng như chó hay mèo trong nhà.

Các ổ bọ xít chúng tôi tìm thấy đều dưới sàn nhà, ngay cạnh giường, hoặc trên giường. Các ổ đó có đủ cả trứng, cá thể non và cá thể trưởng thành. Không ít nạn nhân của bọ xít kể họ bắt được khi chúng đang chích hút trên bắp chân, bả vai, bắp tay của chính họ.

Không chỉ ở Hà Nội, mới từ tháng 6-2010 đến nay, chúng tôi phát hiện bọ xít ở rất nhiều tỉnh thành trên toàn quốc như Đà Nẵng, TPHCM, Huế, Nghệ An, Lạng Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ... Hầu hết những người bị bọ xít đốt ở các địa phương đều chuyển mẫu về cho chúng tôi với số liệu được ghi chép đầy đủ.

Qua phân tích các mẫu trên cùng kết quả nghiên cứu của chúng tôi từ năm 2004 đến nay, có thể nhận định sơ bộ rằng bọ xít có dấu hiệu thích nghi rõ ràng với người, và chủ định đốt người thay vì “ngẫu nhiên”. Việc Bộ Y tế công bố đã xét nghiệm 19 người ở 19 gia đình khác nhau, tôi e con số này quá nhỏ, không thể nói được điều gì về dịch tễ học.

Trên 60% số bọ xít thu được từ các gia đình không nuôi động vật và không có chuồng trại gia súc xung quanh đều thấy có máu. Sẽ phải tiến hành phân tích các mẫu máu ấy là của người hay của động vật. Tuy nhiên, bước đầu, có thể nhận định các trường hợp ấy là do hút máu người.

Chagas là bệnh gì?

Bộ Y tế còn cho biết loài Triatoma rubrofasciata do chính đơn vị nghiên cứu của ông (IEBR) định tên. Mặt khác, loài đó khác với loài bọ xít Triatoma dimidiata vốn phổ biến ở Trung Mỹ và loài Triatoma infestans vốn phổ biến ở Nam Mỹ. Chỉ các loài ở Trung Mỹ và Nam Mỹ ấy mới có thể truyền bệnh Chagas, còn gọi là bệnh ngủ?

Cái tên Triatoma rubrofasciata đúng là do chúng tôi nêu lên với đại diện Bộ Y tế khi họ mang mẫu sang chỗ chúng tôi. Lúc đó, qua quan sát hình thái, chúng tôi nhận định sơ bộ như vậy. Sau đó, không thấy đại diện Bộ Y tế liên lạc lại.

PGS-TS Nguyễn Văn Châu, nguyên Chủ nhiệm bộ môn côn trùng y học, Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét Ký Sinh trùng&Côn trùng Trung ương, Bộ Y tế nói: “Từ trước đến nay, chúng tôi mới chỉ tập trung nghiên cứu vấn đề truyền bệnh của muỗi và một số loài bọ. Với bọ xít, chúng tôi chưa bao giờ tổ chức nghiên cứu mặc dù có đưa vào tài liệu giảng dạy thông tin lấy từ nước ngoài”.

Chúng tôi xét nghiệm phân tử thì thấy con bọ xít hút máu ấy có thể là loài Triatoma infestans mà Bộ Y tế nói chỉ phổ biến ở Nam Mỹ. Kết quả cuối cùng thế nào, chúng thuộc loài gì, còn phải chờ. Nhưng dù thế, chúng tôi cũng có tài liệu để có thể khẳng định con bọ xít Triatoma infestans không chỉ phân bố ở Nam Mỹ mà là toàn cầu.

Hơn nữa, tôi không hiểu Bộ Y tế có lầm lẫn không khi nhận định Chagas là bệnh gây ngủ. Chagas được xác định là loại bệnh gây ảnh hưởng hệ thần kinh, đặc biệt hệ tuần hoàn, làm xơ cơ tim, tắc mạch máu, gây đột tử. Còn bệnh ngủ là bệnh gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh, khiến nạn nhân trở nên nghiện ngủ, thậm chí, dẫn đến tử vong. Ký sinh trùng gây bệnh ngủ được xác định là truyền qua vật trung gian là ruồi mòng. Đến nay chưa ai biết loài ký sinh trùng ấy có trong bọ xít hút máu hay không.

Ký sinh trùng gây bệnh Chagas có trong con bọ xít hút máu ở Việt Nam không?

Đây là câu hỏi rất thú vị. Chưa ai ở Việt Nam nghiên cứu. Nhưng không phải vì chưa nghiên cứu lại tỏ ra chủ quan. Chúng tôi phối hợp với hai đơn vị nữa, đang tìm cách trả lời sớm câu hỏi này. Chagas đã làm cho hàng triệu người ở châu Mỹ mắc và hàng trăm nghìn người trong số đó chết do không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Quốc Dũng thực hiện

MỚI - NÓNG