Cán bộ lớp trước chưa sẵn sàng nhường 'ghế'

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
TP - Về việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói, lớp cán bộ đi trước chưa thật tin hoặc chưa muốn tin lớp trẻ, chưa hết lòng, hết sức giúp đỡ, đào tạo họ, thậm chí chưa sẵn sàng nhường ghế cho họ.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan . Ảnh: Xuân Phú

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, việc này đã được đề ra từ lâu và nhiều lần, thậm chí còn đưa ra cả chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ trẻ trong các cấp ủy, song đến nay vẫn chưa đạt được yêu cầu. Nếu không trẻ hóa thì các tổ chức, cơ quan sẽ lão hóa; sự năng động, tính sáng tạo kém đi, sự hụt hẫng thế hệ sẽ nảy sinh. 

Nên thay đổi suy nghĩ sống lâu lên lão làng

Thực tế cấp ủy thiếu cán bộ trẻ theo ông đâu là nguyên nhân?

Ở đây nguyên nhân đến từ nhiều phía, một phần nằm trong lớp trẻ chưa tỏ rõ bản lĩnh, chưa vươn lên đủ mức để đáp ứng đòi hỏi ở cán bộ lãnh đạo quản lý. Song có lẽ nguyên nhân chủ yếu nằm trong lớp cán bộ đi trước chưa thật tin hoặc chưa muốn tin vào lớp trẻ, chưa hết lòng, hết sức giúp đỡ, đào tạo họ, thậm chí chưa sẵn sàng nhường bước, nhường ghế cho họ.

Như vậy nguyên nhân chúng ta đã nhìn thấy, quyết tâm chúng ta có thừa mà sao tình trạng đó mãi chưa được cải thiện?

Muốn thay đổi thực trạng này thì trước hết phải bắt đầu từ sự đổi mới tư duy. Người trẻ thì không tự ti; người lớn tuổi thì rũ bỏ tâm tư không tin tưởng thực sự vào lớp trẻ mà nhiều khi đằng sau điều đó là không muốn nhường chỗ.

Thời Cách mạng tháng Tám, ngoài Bác Hồ có cao tuổi một chút, còn các nhà lãnh đạo hàng đầu của ta cũng chỉ khoảng 30-40 tuổi nhưng đã làm nên những sự tích vĩ đại; cớ sao ngày nay cứ chê anh em tuổi ấy còn non trẻ? Chúng ta nên thay đổi nếp nghĩ sống lâu lên lão làng, tuần tự như tiến.

Nhưng cán bộ trẻ lẫn những người muốn sử dụng cán bộ trẻ đang bị bó bởi những chính sách mà họ khó có thể xé rào vượt qua?

Việc quan trọng là chỉnh sửa những cơ chế, chính sách bất cập. Ví dụ, với cơ chế hiện nay rất khó tiến cử người tài vượt cấp. Sắp xếp người luống tuổi nhưng không đủ tài năng đức độ, thậm chí chuyện nghỉ hưu cũng nặng nề vì khi đương nhiệm thì đi đôi với “quyền” là “lợi”; theo đúng chế độ hiện hành thì chưa đủ ăn chứ nói gì tới tích lũy, lo nhà, lo cửa, hơn nữa cán bộ của ta chỉ có “nghề cán bộ”, rời cơ quan thì chẳng biết làm gì để sống.

Còn một chuyện nữa là chưa có cơ chế đào tạo lớp trẻ cho ra lớp ra lang. Hồi tôi ở Bộ Ngoại giao có chế độ “tập sự cấp vụ”, “tập sự cấp bộ”, nghĩa là thông qua sự tiến cử của quần chúng và sự xem xét của lãnh đạo theo một số tiêu chuẩn rất cụ thể, một số chuyên viên được đưa vào diện tập sự, nghĩa là tập điều hành lãnh đạo vụ, bộ như thật, hằng năm có cơ chế đánh giá đa chiều, 2 năm nếu đủ tiêu chuẩn thì đề bạt, không đủ thì trở về công việc cũ. Không cho thử thì biết ai có đức có tài?

Bộ trưởng muốn sa thải nhân viên bê trễ cũng khó

Từng là một trong những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, ông đã bao giờ kiến nghị hay chủ động đổi mới công tác cán bộ trong phạm vi ông lãnh đạo hay chưa?

Làm việc trên các cương vị khác nhau ở Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Ban bí thư T.Ư Đảng, Chính phủ, tôi cũng đã cố gắng đóng góp nhất định vào việc đổi mới công tác cán bộ.

Ví dụ khi ở Bộ Ngoại giao, có thời tôi phụ trách đơn vị lo chế độ tập sự cấp vụ, cấp bộ theo sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, thông qua đó đã có nhiều đề xuất về cơ chế đánh giá, đề bạt cán bộ quản lý đi đôi với việc hình thành cơ chế khuyến khích chuyên gia...

Sang Bộ Thương mại, tôi cũng cố thực hiện chủ trương lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị trong bộ, các công ty, các sở về cán bộ lãnh đạo...

Thực tế sự đổi mới mà ông tâm huyết có thực sự phát huy hiệu quả?

Thú thật là nhiều khi cũng bị ràng buộc bởi cơ chế, không dễ gì thực hiện được ý muốn của mình. Ví dụ, không làm sao động viên được cán bộ đi vào đường chuyên gia thay vì chạy theo quan lộ vì đi theo đường chuyên gia thì làm sao vượt bậc được, làm sao có “quyền” có “lợi” được?

Hay khi xây dựng chế độ khuyến khích ngoại ngữ thì lại vấp phải chế độ tiền lương không cho phép. Hay muốn sa thải một nhân viên thiếu năng lực chuyên môn, bê trễ công việc, thậm chí “ba gai”, cũng khó nếu họ không vi phạm kỷ luật cụ thể gì. Có khi họ quậy phá, bản thân mình chẳng sứt đầu cũng mẻ trán!

Rõ ràng phải dành cho người đứng đầu cơ quan quyền lực nào đó trong việc chọn lựa, sử dụng cán bộ đi đôi với cơ chế ngăn ngừa tình trạng lạm quyền.

Nguy hại nhất là chỉ dựa vào bằng cấp

Thưa ông, làm sao để những người có tài năng thực sự đóng góp cho sự phát triển của đất nước?

Người ta hay trích câu ghi trên bia đá trong Văn Miếu: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”; việc phát hiện, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng hiền tài cũng được nêu ra trên nhiều diễn đàn, trong nhiều văn kiện, song xem ra đây vẫn là nỗi trăn trở của nhiều người.

Mọi chuyện chắc phải bắt đầu từ khâu phát hiện. Ở khâu này, chỉ có 2 con đường: qua thực tiễn (nơi học tập, làm việc) và thông qua sự đánh giá của quần chúng.

Khâu tiếp theo là đào tạo, bồi dưỡng. Vấn đề là định đào tạo, bồi dưỡng cho việc gì vì mỗi việc đòi hỏi một phẩm chất riêng chứ cứ chung chung, giống nhau cả thì cũng chẳng có người tài được. Nguy hại nhất là chỉ căn cứ vào bằng cấp mà không ít trường hợp là rởm.

Tôi rất nể phục các cán bộ có lắm bằng cấp: cử nhân hay thạc sỹ, tiến sỹ, nào là luật, là kinh tế, là chính trị…; không biết họ học cách gì mà lắm bằng cấp thế? Ngầm giao dịch với một số “nhân tài” kiểu này thì thấy rằng hóa ra họ chẳng biết mô tê gì về những ngành cao siêu ấy cả; đó là chưa kể về ngoại ngữ thường chỉ ở mức “how are you?”.

Song nhân tài thực sự được phát hiện và bồi dưỡng nhưng lại không lọt cơ cấu khi sử dụng?

Đúng như thế, có thể nói quan trọng nhất là sử dụng. Ở đây, điều quyết định là “minh chủ” có muốn và có dám dùng người tài không, hay ngại người ta lấn lướt mình; bên cạnh đó “người tài hay có tật”, họ có những cá tính phải được thông cảm. Môi trường làm việc cũng là khâu cực kỳ quan trọng, nhất là sự tôn trọng đối với công việc và sự đóng góp của họ, nội bộ phải đoàn kết.

Rất nhiều người tài chưa phải hoặc không phải là đảng viên nên họ không được nắm giữ vị trí lãnh đạo để có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước?

Phải học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ trong lĩnh vực này. Sự nghiệp cách mạng của đất nước ta là sự nghiệp của toàn dân; Đảng ta chỉ lãnh đạo chứ không làm thay, dù có cầm quyền cũng không có nghĩa là giữ mọi cương vị.

Chính phủ ta sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp có rất nhiều nhân sỹ, trí thức ngoài Đảng. Chính sách của Bác vừa tận dụng được người hiền tài, vừa củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Vậy trong công tác cán bộ, chúng ta có cần quy định cụ thể những vị trí nào nhất thiết phải do đảng viên nắm giữ, còn các vị trí còn lại có thể người ngoài Đảng nắm giữ?

Có lúc ta cũng đã nêu vấn đề bố trí nhân sỹ làm Bộ trưởng song cho đến nay vẫn chưa có, trong khi ở Trung Quốc, trong chính phủ có mấy vị nhân sỹ ngoài Đảng.

Để làm được việc này, cũng phải trở về tư duy của Bác Hồ. Bên cạnh đó, cần chỉnh sửa những cơ chế chưa hợp lý.

Nếu không có sự thay đổi công tác cán bộ như ông nói thì hậu quả sẽ ra sao?

Rõ ràng là không thực hiện được khẩu hiệu đưa ra: Nhà nước của dân, do dân và vì dân; không thực hiện được triết lý lấy dân làm gốc; không tạo được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Người tài không được phát huy, đóng góp nhiều thì đất nước không thể phát triển nhanh và tốt được. Đúng là việc này nói thì rất dễ, song làm thì không biết vì sao khó vậy!

Xin cảm ơn ông.

Phùng Sưởng - Phương Hiếu

MỚI - NÓNG