Miền Trung khốn khó vì lũ lên nhanh

Miền Trung khốn khó vì lũ lên nhanh
TP - Hai huyện Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) chìm trong lũ, hàng chục ngàn hộ dân bị cô lập. Đến 20 giờ ngày 4-10, tại Nghệ An - Hà Tĩnh, sáu người chết mất tích, 20 nghìn người phải di dời lên vùng núi cao, hơn hai vạn ngôi nhà ngập sâu trong nước.

>> Hà Tĩnh di dời khẩn cấp 20 nghìn người tránh lũ
>> Nguy cơ tái diễn lũ lịch sử trên sông Gianh

Lũ vây bọc, bà Nguyễn Thị Lệ và con gái (thôn 5, Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh) phải nhờ đến hàng cứu trợ để cầm cự chờ nước rút. Ảnh: Minh Thùy
Lũ vây bọc, bà Nguyễn Thị Lệ và con gái (thôn 5, Phương Mỹ, Hương Khê,
Hà Tĩnh) phải nhờ đến hàng cứu trợ để cầm cự chờ nước rút.
Ảnh: Minh Thùy.


Hà Tĩnh: Hàng vạn người phải di dời, 11 người chết và mất tích

Ngày 4-10, mưa tiếp tục trút xuống các huyện miền núi Hà Tĩnh. Tại huyện Vũ Quang, biển nước mênh mông bao trùm các xã Phúc Đồng, Phương Điền, Phương Mỹ.

Ở Phương Mỹ hàng trăm ngôi nhà, cột điện, cây cối chìm trong dòng nước đỏ ngầu. “Nước đang lên rất nhanh, tối qua, xã di dời khẩn cấp 1.500 người dân lên núi. Người dân đang rất lo lắng vì lương thực bị ướt, nước uống không còn, nhiều người dân bị cô lập trên nóc nhà”, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ - Lê Hồng Quân cho biết.

Nước dâng, cây cối, cột điện bị cuốn phăng, đoàn cứu trợ do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Võ Kim Cự dẫn đầu phải dùng còi báo động báo hiệu cho bà con chèo xuồng nhỏ ra nhận hàng cứu trợ.

Khi chiếc xuồng chở mì tôm, bánh mỳ, nước ngọt vượt qua khúc sông Ngàn Sâu, rất nhiều trẻ em ngồi trên xuồng đợi sẵn, khuôn mặt lả đi vì đói. Lũ dâng cao gần 8 m, ngập cả tầng 2 nhà ủy ban xã.

“Từ hôm qua tới giờ hai mẹ con tôi phải nhịn đói, nước thượng nguồn mỗi lúc một chảy xiết, tính mạng của nhiều người dân đang bị đe dọa!”, chị Nguyễn Thị Lệ, thôn 5, xã Phương Mỹ lo lắng.

Huyện Hương Khê có 17/22 xã bị ngập nặng, gần 22 nghìn ngôi nhà bị ngập, phải sơ tán hơn 2 vạn người dân đến vùng núi cao an toàn. Có sáu người bị lũ cuốn chết và mất tích gồm Đoàn Trọng Giáp, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Nguyễn Văn Thạch, 17 tuổi, quê ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê, chết do sạt lở đất; Trịnh Văn Thú, 45 tuổi, quê ở Hương Liên, huyện Hương Khê, bị lũ cuốn trôi trong khi giúp dân chống lũ và cô giáo Trần Thị Hoa, Giáo viên trường mầm non xã Hương Thủy, trên đường đi từ nhà đến trường thì bị lũ cuốn. Huyện Vũ Quang có 9/12 xã với hơn 1 nghìn ngôi nhà chìm trong biển nước.

Dân Hương Khê (Hà Tĩnh) phải leo lên nóc nhà tránh mưa lũ
Dân Hương Khê (Hà Tĩnh) phải leo lên nóc nhà tránh mưa lũ.


Nguy cơ vỡ đập Hố Hô rất cao

Lũ uy hiếp khu vực thủy điện Hố Hô (huyện Hương Khê). Nước dâng cao, điện mất, cửa xả nước không thể mở hết công suất khiến lũ vượt cao trình thân đập (cao 72 m) hơn 1 m. Từ độ cao hơn 70 m này, nước ầm ầm lao xuống tạo thành một thác nước khổng lồ, gây mù phía trước thân đập.

Lũ kéo theo nhiều cây gỗ từ thượng nguồn tuồn về chặn ngay trên đỉnh đập làm nước dâng lên ngày càng nhanh. Dòng xoáy bắt đầu xói vào một số cửa của thân đập, nguy cơ vỡ đập Hố Hô rất cao, uy hiếp hàng ngàn hộ dân của 12 xã thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và một số xã của tỉnh Quảng Bình.

UBND tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Khê triển khai hơn 200 cán bộ chiến sỹ cùng lực lượng tại chỗ di dời khẩn cấp gần 13 nghìn dân đến nơi trú ẩn an toàn. Các phương án xử lý an toàn đập thủy điện Hố Hô được tính đến, trong đó có cả phương án nổ mìn phá cửa van xả lũ (Công binh Quân khu IV đã đến nhà máy thủy điện để nghiên cứu phương án tác chiến, nổ mìn).

Tuy nhiên phương án này rất nguy hiểm, vì ảnh hưởng đến thân đập và người dân ở vùng hạ lưu. Đến trưa 4-10, cửa xả nước của hồ thủy điện Hố Hô đã được mở hoàn toàn, lượng mưa từ thượng nguồn đổ về chậm, nước ở thân đập tụt xuống 6 m so với đỉnh đập. Đập thủy điện Hố Hô được giải cứu.

Đối phó với lũ lụt, UBND tỉnh Hà Tĩnh thông báo hủy bỏ tất cả các cuộc họp tập trung chống lũ. “Hàng trăm chiến sỹ lực lượng vũ trang được huy động lên Hương Khê, Vũ Quang giúp bà con di dời”, ông Võ Kim Cự nói. Ngay trong hai ngày 3 và 4-10, mười tấn mỳ tôm đã được đưa đến tận tay cho người dân.

Tối qua, Hà Tĩnh trích nóng 1 tỷ đồng để giúp bà con vùng ngập lụt. Cùng ngày Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cùng các lực lượng đã đưa hơn 250 hộ dân các thôn Tân Thành, Tân Dừa và Kim Sơn xã Hương Trạch là 3 thôn có nguy cơ bị lũ cuốn do nằm dưới cửa đập Thủy điện Hố Hô sơ tán lên vùng đồi núi an toàn.

Cũng sáng 4-10, hai tàu của ngư dân Phan Văn Thà, xã Sơn Hải và tàu của ngư dân Trần Khởi, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu gồm 16 ngư dân đang đánh cá ngoài khơi, bị sóng nhấn chìm. Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An triển khai lực lượng cứu hộ, điều hai tàu cứu nạn và hàng chục thủy thủ ứng cứu. Hiện, vẫn còn 2 ngư dân mất tích.

Em Nguyễn Thị Nhật (Hương Khê - Hà Tĩnh) cầm hơi với gói mì tôm sống
Em Nguyễn Thị Nhật (Hương Khê - Hà Tĩnh) cầm hơi
với gói mì tôm sống.


Quảng Bình: ba người chết, lũ kép đang lên

Đến hết ngày 4-10, mưa to, gió lớn vẫn liên tục vần vũ trên địa bàn Quảng Bình, có nơi lượng mưa đo được trên 1.100mm. Đã có 3 người chết, gần 22 ngàn ngôi nhà bị ngập, vẫn còn 251 tàu cá với gần 1.800 thuyền viên không vào được bờ.

Khoảng 6 giờ sáng, ngày 4-10, PV Tiền Phong có mặt tại trung tâm của lũ - huyện Quảng Trạch. Huyện này có gần 5.000 ngôi nhà bị ngập, nặng nhất là 9 xã vùng Nam Quảng Trạch. “Chúng tôi lo nhất là gần 1,5 vạn dân sinh sống trên các cồn nổi giữa dòng Gianh. Ở đây thường thấp lụt và không có nơi nào cao để tránh lũ. Ở đây, có nhà đã lút nóc” - Ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện nói.

Lực lượng cứu hộ của huyện được chia ra nhiều nhóm, lên các tàu đánh cá để về các vùng cồn bãi vì nước sông Gianh chảy xiết và sóng to, không thể đi bằng thuyền nhỏ. Chiếc tàu của đoàn cứu hộ cập đảo nổi Quảng Hải lúc 10 giờ. Cả Quảng Hải chìm trong biển nước đục ngầu. Một điều mà cả đoàn cứu hộ đã không tiên lượng trước được là do tàu đánh cá quá lớn, không thể tiếp cận vào làng. Nhìn từ xa, những gương mặt của người dân hốc hác ló ra từ những khung cửa ngập nước chờ đợi được hỗ trợ.

Một phương án khác được thiết lập. Toàn bộ lực lượng cứu hộ và hàng hóa, nước uống được tăng bo qua thuyền nhỏ của lực lượng cứu hộ địa phương. Đến 2 giờ chiều, hàng trăm người dân đã được lực lượng cứu hộ cung cấp mì tôm, nước uống, đưa đến các điểm trường và những nhà dân kiên cố.

Đoàn cứu hộ của Công an Quảng Trạch đã không thể về được vùng cồn bãi xã Quảng Minh vì nước chảy xiết. Anh Nguyễn Văn Sơn - Trưởng thôn Cồn Nâm (1 trong 4 thôn cồn bãi của xã Quảng Minh) lúc 18 giờ chiều, 4-10 cho biết: Nước bắt đầu ngập làng từ 4 giờ sáng và vẫn đang lên rất nhanh. Hiện cả cồn có gần 700 ngôi nhà đều bị ngập, đã có nhà ngập lút nóc. Theo anh Sơn, trận lũ này còn to hơn trận lũ lịch sử năm 1985 mà anh từng chứng kiến.

Tại vùng lũ Tuyên Hóa, lực lượng công an, bộ đội đã cử 300 cán bộ chiến sỹ cùng canô cao tốc và phương tiện cứu hộ đến hiện trường từ đêm 3-10 để sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi vùng ngập nặng. Trong chiều 4-10, lực lượng PCLB&TKCN tỉnh và các huyện đã bắt đầu đưa mỳ tôm cứu trợ cho những vùng thiếu lương thực cục bộ.

Ông Mai Công Danh - Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa cho biết: “Nước sông Gianh đang lên lại, nguy cơ một trận lũ kép, tái hiện trận lũ lịch sử năm 2007 đang cận kề”.

Trong số gần 4.200 tàu cá của toàn tỉnh, hiện nay mới có 3.941 tàu đã vào bờ an toàn, nhưng vẫn còn 251 tàu với gần 1.800 ngư dân đang lênh đênh trên biển. Đã có 4 tàu thuyền bị nạn trên biển với 34 thuyền viên. Tàu BĐ 94189 (chủ tàu là Võ Đông Mỹ ở xã Mỹ Đức, huyện Phú Mỹ, Bình Định) bị đứt giây neo trôi ra cửa biển Nhật Lệ thì bị sóng đánh chìm, trong 12 thuyền viên, vẫn còn một người bị trôi dạt ra biển.

Bằng ống nhòm, vẫn thấy người này đang ôm bám vào phao số 0, nhưng vì gió to, sóng lớn nên các lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận được. Tàu QB 93481 (của ngư dân xã Quảng Phú) bị gãy trục lái với 9 thuyền viên bị nạn và xà lan của Cty TNHH Kim Sơn với 7 thuyền viên bị chìm ở cảng La vẫn đang được lực lượng cứu hộ tìm cách tiếp cận.

Quảng Trị: Lũ lớn, ba người chết

Đến 19 giờ ngày 4-10, mưa lũ ở Quảng Trị đã làm 3 người chết và 2 người bị thương. Ngoài cháu bé 2 tuổi ở huyện Hải Lăng bị chết đuối chiều 3-10, lúc 4 giờ 30 sáng 4-10, mưa lũ gây sạt lở đất tại km63 Quốc lộ 9 thuộc xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa làm sập nhà dẫn đến cái chết của vợ chồng anh Lê Văn Tám (cán bộ Cục Hải quan Quảng Trị) và chị Trần Thị Linh; 2 người giúp việc bị thương nặng. Đến 12 giờ trưa, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể của các nạn nhân.

Thị trấn Lao Bảo, xã Thanh, Thuận của huyện Hướng Hóa cũng bị ngập nặng. Hơn 500 hộ dân được di dời đến nơi an toàn. Hơn 40 hộ dân ở Hướng Phùng bị lũ bao vây suốt mấy ngày, đồn Biên phòng 609 đã đưa bà con lên đồi cao an toàn.

Mưa lũ lớn làm Quốc lộ 9 bị sạt lở, ách tắc ở km 51 kéo dài từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa 4-10, hàng trăm xe ôtô phải nằm chờ; đường Hồ Chí Minh nhánh đông từ Đakrông-Tà Rụt bị sạt lở, ách tắc ở km5 và km10; đường Hồ Chí Minh nhánh tây, đoạn thị trấn Khe Sanh-Hướng Phùng bị sạt lở nhiều điểm, giao thông ách tắc hoàn toàn.

Chiều tối 4-10, mực nước trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu vượt mức báo động 3. Trời vẫn mưa rất to và kéo dài; nhiều nơi lượng mưa đo được trên 500 mm như Hải Sơn, Ba Lòng, Triệu Nguyên...

TT - Huế: Nhà ngập, quốc lộ bị cuốn trôi

Đến chiều tối 4-10, mưa lớn vẫn tiếp diễn tại TT- Huế, lũ trên các sông chính vẫn xấp xỉ mức báo động 3, hàng trăm ngôi nhà dân vùng trũng ven các sông lớn bị nhấn chìm trong biển nước.

Theo thống kê ban đầu từ UBND huyện Phong Điền, toàn huyện có hơn 210 nhà dân ven sông Ô Lâu bị ngập sâu và bị lũ xoáy xâm thực, nhiều nhà bị lốc dữ tàn phá, trên 1.000 ha hoa màu bị thiệt hại do ngâm nhiều ngày trong lũ. Tại các xã Quảng An, Quảng Phú, Quảng Phước (huyện Quảng Điền), nhiều nhà dân cũng bị ngập. Tuyến Quốc lộ 49B (Mỹ Chánh - Vân Trình - Điền Hương) vẫn còn ngập sâu 0,5- 1m.

Tình trạng này cũng xảy ra trên các tuyến Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 17, Tỉnh lộ 4 qua huyện Phong Điền. Mưa lũ gây sạt lở nghiêm trọng tuyến giao thông huyết mạch từ Huế đi huyện miền núi A Lưới (thuộc Quốc lộ 49A) đoạn ven sông Hương qua xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy.

MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.