Bất động giữa đêm hội

Bất động giữa đêm hội
TPO - Hàng chục vạn người đổ về sân vận động Mỹ Đình xem bắn pháo hoa đêm 10 - 10, khiến giao thông nơi đây tê liệt hoàn toàn. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng không thể dự hội vì tắc đường.

Bất động giữa đêm hội

>> 'Chuyền bóng' trách nhiệm để tắc đường đêm Đại lễ?
>> Hàng chục người ngất vì chen xem pháo hoa
>> Người dân bẻ hoa, xả rác bừa bãi đêm Đại lễ


Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia cũng bó tay

Một chương trình nghệ thuật đặc sắc với tên gọi “Thành phố rồng bay”, cùng điểm bắn pháo hoa duy nhất của Hà Nội, đã gây sự chú ý của hàng triệu trái tim hướng về Thủ đô đêm chính lễ. Theo ghi nhận của phóng viên, đến 4 giờ chiều 10 - 10, các ngả đường đổ về Mỹ Đình đã đông người. Thời tiết đẹp, cộng ngày nghỉ và những quảng bá về đêm nghệ thuật khiến hàng chục vạn người đổ đây xem hội.

Quá đông người, những đoàn khách VIP, dù đến rất sớm (17giờ - giấy mời ghi khai mạc lúc 19h30) cũng phải nhờ đến những đoàn xe “mở đường”.

Anh Sơn, nhà ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, xuất phát từ nhà lúc 17h, nhưng đến 19h30, mới đến được trước toà nhà The Manor. “Nhích được đến đó thì đành bất lực. Trước sau đều đông cứng” - anh Sơn nói.

Anh Sơn để vợ con đi bộ vào sân, còn mình ở lại xe. Gần 21h, vợ con anh quay ra với khuôn mặt méo xệch. Con gái 6 tuổi kêu khó thở, mẹ dẫn đi tìm bãi đất trống để cháu nằm tạm. Nhà anh Sơn lạc nhau từ đó.

“Đêm hội tan, dòng xe trên đường vào sân vận động nhích từng tí. Sau khi mất hàng giờ đồng hồ mới qua được vài nút giao thông, cuối cùng, tôi mới tìm thấy vợ con. Lúc đó là 1h30. Về đến nhà là hơn 2h”- anh Sơn kể.

Cùng chung cảnh ngộ trên, nhiều người cũng bị “đứt gánh giữa đường”. Bí thư Huyện uỷ một huyện của Hà Nội phải quay về khi cách sân vận động Mỹ Đình 400 m. Phó Chủ tịch một quận của thành phố cũng trở ra, khi điện thoại bị rơi mất và bà xã thì bị lạc...

Theo quan sát của chúng tôi, dọc các tuyến đường Mễ Trì, Lê Đức Thọ, Lê Quang Đạo đều đông nghẹt. Nhiều lãnh đạo và khách VIP không thể tham dự đêm hội. Nhiều đoàn khách mời ngao ngán mở cửa xe xuống đường ngắm bầu trời Mỹ Đình trong thất vọng.

Đặc biệt, trong đêm trọng đại của đại lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng không thể vào được sân vận động Mỹ Đình. Nhiều đoàn khách quốc tế và trong nước không tham dự được đêm hội.

Trong tình cảnh đó, nhiều người dân, vì không còn đường thoát khỏi đám đông, đành nằm vật vờ ở khu vực quanh sân chờ đến gần sáng, vãn người, mới về.

Bị động

Theo kinh nghiệm, chỉ một trận bóng đá hấp dẫn đã thu hút hàng vạn người đổ về Mỹ Đình và có thể gây ùn tắc. Vậy nên, một sự kiện “hoành tráng nhất từ trước đến nay”, thu hút hàng chục vạn người dân, là không lạ. Đặc biệt, sau khi thành phố quyết định dừng bắn pháo hoa ở 29 điểm, Mỹ Đình là tâm điểm của sự chú ý. Lượng người đổ về đây, vì thế, tăng lên gấp bội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Mỹ - Đội trưởng CSGT Công an huyện Từ Liêm (Hà Nội), cho biết, dù đơn vị huy động 100% quân số, nhưng trước lượng người đổ về sân vận động Mỹ Đình quá đông, ùn tắc nghiêm trọng đã xảy ra.

“Theo tôi, phương án phân luồng giao thông, chúng ta bị động trước kế hoạch hủy bắn pháo hoa 29 điểm trên khắp thành phố, khi hàng chục vạn người đổ dồn về sân vận động Mỹ Đình xem màn trình diễn pháo hoa duy nhất kết thúc Đại lễ” - Ông Mỹ nói.

Dù một sự kiện lớn thu hút người dân quan tâm, song, xung quanh khu vực Mỹ Đình hay tại các quận, huyện, lại không có các màn hình lớn để người dân quan sát. Bên cạnh đó, đêm 10 - 10, các chương trình văn hoá văn nghệ hầu như không diễn ra ở nhiều quận huyện. Sự nổi bật của Mỹ Đình được ví như cục nam châm hút toàn bộ những người quan tâm đến sự kiện trọng đại này.

Một đại diện của ngành giao thông cho biết, dù có phương án phân luồng tốt, căng lực lượng nhưng không thể cải thiện được tình hình. Lý do là đơn vị chức năng chỉ phân luồng phương tiện chứ không thể phân luồng người đi bộ.

Lượng người dồn về Mỹ Đình đông ngay từ trưa 10 - 10. Theo quan sát của chúng tôi, Ban tổ chức kiểm soát vé tại khu vực sát sân nên người không có vé bị ách lại. Người ngoài không thể vào; người ra không được. Con đường Lê Đức Thọ trước cửa sân Mỹ Đình thành "điểm chết giao thông".

Tan tác cây, hoa sau Đại lễ

Đập vào mắt người tham gia giao thông trên đường Lê Đức Thọ sáng 11-10, là cảnh tiêu điều. Lòng đường và hệ thống thảm cỏ, cây xanh ở đây được xếp vào hàng hiện đại nhất Hà Nội, nay ngập ngụa trong rác, phế thải. Nhiều ô cây xanh dải phân cách rộng hàng nghìn m2, trong đó có nhiều cây cảnh quý như vạn tuế, cau vua, hoa giấy tạo dáng, chỉ còn... gốc.

Toàn trục đường Lê Đức Thọ - Lê Quang Đạo dài hơn 3km, với hệ thống thảm cỏ, cây xanh và sở hạ tầng đồng bộ, nhưng sáng nay đã bị tàn phá. Theo quan sát của Tiền Phong, sáng nay, trên 20 ô cây xanh và hàng chục cây vạn tuế được trồng trên thảm cỏ dải phân cách bị vặt trụi ngọn.

Hoa bị vặt trụi sau đêm Đại lễ
Cây cảnh bị vặt trụi sau đêm Đại lễ.
 

Anh Đỗ Quang Tiến, tổ trưởng tổ chăm sóc cây xanh, thuộc Xí nghiệp sản xuất cây xanh - Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, có nhiệm vụ chăm sóc cây xanh trên đường Lê Quang Đạo, cho biết, ngoài hầu hết hệ thống thảm cỏ bị dẫm đạp tơi tả, hàng chục ô cây xanh mà Xí nghiệp trồng hàng năm nay cũng bị tan nát.

“Để khắc phục, giờ chúng tôi chỉ biết tìm giống để thay thế, đó là chưa nói đến những thiệt hại về mặt cỏ” - anh Tiến xót xa.

Nhằm thu dọn hết rác, Xí nghiệp sản xuất cây xanh và Xí nghiệp xây lắp – Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội huy động gần 100 nhân viên làm việc cả ngày hôm nay.

Để phục vụ Đại lễ, cũng như kỳ họp Đảng bộ, thành phố Hà Nội chi hàng tỷ đồng để giao cho hai đơn vị là Công ty Công viên Cây xanh và Môi trường, cùng Công ty Vườn thú Hà Nội, thực hiện những đại cảnh hoa trên các tuyến đường chính dẫn ra sân Mỹ Đình, như đại lộ Thăng Long, Trần Duy Hưng, Hồ Tùng Mậu… Tuy nhiên, chỉ trong tối 10 - 10, không chỉ thảm cỏ mà các đại cảnh hoa, bồn hoa cũng bị nhiều người dân dẫm đạp, ngắt hái, thậm chí... bê về nhà.

Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, ngoài ý thức người dân, tình trạng ùn tắc không có lối thoát là nguyên nhân chính. Đường tắc cứng, người dân tràn lên các thảm cỏ. Ý thức chấp hành của người dân sẽ tốt nếu việc tổ chức giao thông hợp lý và việc đi dự đêm Đại lễ được diễn ra thuận lợi.

Nhóm phóng viên

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.