Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tâm tư về Vinashin

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tâm tư về Vinashin
TP - Tuần qua, những khoản nợ nần, thua lỗ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Thảo luận tại tổ, có đại biểu Quốc hội còn đề xuất “đây là cơ hội để thể hiện văn hóa từ chức”.

Trong cuộc trò chuyện riêng với PV Tiền Phong về tập đoàn này, Bộ trưởng Bxộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng  mang nhiều nỗi tâm tư...

Con tàu Vinashin gặp nạn do thuyền trưởng “độc đoán, gia trưởng” (tàu Vinashin chuẩn bị bàn giao)
Con tàu Vinashin gặp nạn do thuyền trưởng “độc đoán, gia trưởng” (tàu Vinashin chuẩn bị bàn giao).

Mở đầu câu chuyện, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng bày tỏ, ông muốn có một cuộc trò chuyện tự nhiên như những lời tâm sự.

Can thiệp thì đã muộn

Thủ tướng Chính phủ đã nhận một phần trách nhiệm của Chính phủ trước Quốc hội về Vinashin. Vậy nhìn lại hậu quả do Vinashin gây ra, Bộ trưởng thấy trách nhiệm của Bộ GTVT đến đâu?

Năm 2006, Vinashin được thí điểm là một tập đoàn. Cơ chế thí điểm quản lý tổng công ty 91, tập đoàn theo hướng nâng cao quyền tự chủ, quyền quyết định hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo quy luật thị trường. Cơ quan nhà nước chấm dứt tình trạng can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. Phân rõ quyền quản lý nhà nước và quyền chủ động sản xuất kinh doanh.

Việc thí điểm này trao quyền tự chủ rất lớn cho tập đoàn. Chính phủ tập trung quản lý nhà nước và là đại diện chủ sở hữu. Chính phủ phân công cho các bộ, ngành liên quan thực hiện một số quyền nhất định về quản lý nhà nước và chủ sở hữu. Đối với Vinashin, Bộ GTVT là bộ quản lý ngành, được phân công 2 nhiệm vụ lớn.

Thứ nhất là góp ý cho những vấn đề mà HĐQT tập đoàn trình Chính phủ và Chính phủ yêu cầu bộ có ý kiến. Nội dung góp ý bao gồm: Chiến lược phát triển; điều lệ tập đoàn; việc bổ nhiệm chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc; những dự án Chính phủ hỏi ý kiến. Theo phân cấp, những dự án nhóm B, C thì Chính phủ trao quyền cho HĐQT. Dự án nhóm A, HĐQT tập đoàn quyết định trên cơ sở thông qua chủ trương của Chính phủ. Nếu dự án nào Chính phủ hỏi ý kiến thì bộ có ý kiến trả lời.

Thứ hai là bộ cùng với các bộ, ngành liên quan (Bộ KH&ĐT, Công Thương…) thực hiện giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Ông có thể nói trách nhiệm cụ thể hơn không?

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng.

Kiểm điểm lại trách nhiệm của mình, chúng tôi nhận thấy, phần góp ý thì Bộ GTVT đã làm tròn hết trách nhiệm được giao. Chúng tôi chỉ có ý kiến còn việc tiếp thu hay không là quyền của tập đoàn. Kể cả về quy hoạch phát triển, công tác cán bộ, nếu không được hỏi ý kiến thì bộ cũng chịu.

Về phần giám sát, bộ thấy rõ trách nhiệm của mình và cả trách nhiệm của các cơ quan, liên quan như vấn đề tài chính phải là Bộ Tài chính. Thực ra, các bộ đã phát hiện ra vấn đề phát triển doanh nghiệp, quy hoạch nhưng chậm. Năm 2008 phát hiện được và bắt đầu can thiệp thì đã muộn rồi, mà phát hiện cũng không hết. Còn những sai lầm cố ý của HĐQT, tổng giám đốc thì không phát hiện được.

Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ở đây có phần trách nhiệm trực tiếp của Bộ GTVT, nhưng cũng do cơ chế giám sát của cơ quan nhà nước hầu như không rõ. Giám sát có thể thông qua báo cáo của doanh nghiệp. Nhưng nhiều khi doanh nghiệp báo cáo không trung thực, không đúng thì bỏ lọt thông tin. Giám sát qua báo cáo của kiểm toán, kiểm toán độc lập vào cũng không phát hiện được vấn đề.

Chúng tôi cũng không có đầy đủ thông tin để giám sát qua cơ quan thanh tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Dẫn đến, bộ máy hành chính của bộ không biết đi kiểm tra cái gì để phát hiện kịp thời? Không phải chúng tôi đổ trách nhiệm cho ai, nhưng rõ ràng cơ chế có lúng túng. Nếu Vinashin là một tổng công ty 90 hay một doanh nghiệp trực thuộc, trách nhiệm của bộ là toàn diện. Nhưng đối với tập đoàn và tổng công ty 91, bộ gặp khó khăn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Chúng tôi đã nghi ngờ

Vẫn biết là có phần do cơ chế nhưng chả lẽ cả năm 2009 và quý một năm 2010, Vinashin đều lỗ, vẫn báo cáo lãi mà các bộ không biết. Có thời điểm nào bộ thấy một chút nghi ngờ về số liệu tập đoàn đưa ra không?

Cũng có nghi ngờ. Nhưng bộ chưa có điều kiện để chỉ ra cụ thể ở chỗ nào. Nói thực là hoạt động hạch toán của doanh nghiệp phức tạp lắm. Chưa nói Vinashin đâu, đối với các doanh nghiệp, chuyện “treo, gác”, hạch toán năm này chuyển sang năm sau, các phần để lại…chỉ có qua kiểm toán báo cáo tài chính mới thấy được. Còn bản thân bộ không phát hiện được vấn đề này.

Vậy đối với những dự án lớn như mua đội tàu vận tải, điển hình là tàu Hoa Sen, Bộ GTVT có được Vinashin hỏi ý kiến không, thưa ông?

Khi mua tàu cũ, Vinashin không trình bộ. Nhưng tập đoàn có xin ý kiến Chính phủ, xin ý kiến Thủ tướng. Trường hợp này Chính phủ không đề nghị bộ có ý kiến nhưng sau này tôi được biết Chính phủ có giải quyết ngay. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo Chính phủ không đồng ý. Nhưng tập đoàn vẫn cố tình làm. Sau này khi biết, bộ cũng có ý kiến tham gia với Chính phủ là không cho mua.

Thực ra, theo quy định hiện hành, quyền mua phương tiện là của doanh nghiệp. Thậm chí, trong quy chế tài chính, còn phân cấp cho doanh nghiệp được đầu tư tới không quá 70% giá trị tài sản còn lại của mình. Quyền tự chủ lớn như vậy nên họ được quyết định. Nếu cơ quan nhà nước can thiệp vào, lại có ý kiến là can thiệp quá sâu, làm khó. Nhưng đối với việc đầu tư của Vinashin, thực sự chúng tôi không biết thông tin.

Cám ơn ông.

Còn nữa

Hà Nhân
MỚI - NÓNG