Dành 27.000 tỷ đồng để tăng lương

Quốc hội đồng ý đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí
Quốc hội đồng ý đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí
TP - Hôm qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011. Theo đó, trong năm 2011, ngân sách nhà nước sẽ dành 27.000 tỷ đồng để chi điều chỉnh tiền lương.

 >> Sẽ tăng lương tối thiểu lên 830.000 đồng

Quốc hội đồng ý đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí
Quốc hội đồng ý đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí . Ảnh: Hồng Vĩnh

Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Theo nghị quyết, tổng số chi ngân sách T.Ư năm 2011 là 519.279 tỷ đồng. Trong các khoản chi, lớn nhất là 224.309 tỷ đồng cho phát triển sự nghiệp kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính. Trong đó, chi cho giáo dục- đào tạo, dạy nghề 22.600 tỷ đồng; y tế 10.200 tỷ đồng; khoa học công nghệ 4.870 tỷ đồng…

Quốc hội cũng đồng ý khoản chi 86.000 tỷ đồng để trả nợ và viện trợ; 27.000 tỷ đồng để điều chỉnh tiền lương năm 2011.

Tiếp tục bơm vốn cho tập đoàn, tổng công ty

Qua lấy phiếu xin ý kiến, có tới hơn 50% đại biểu Quốc hội không đồng ý đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để đầu tư cho việc thăm dò, khai thác dầu khí.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần làm rõ bản chất khoản tiền 3.500 tỷ đồng là lợi nhuận doanh nghiệp hay từ nguồn khoáng sản thuộc ngân sách nhà nước. Năm nào cũng bố trí đầu tư trở lại cho PVN, nhưng việc chi như thế nào không báo cáo Quốc hội. Một số đại biểu cũng đề nghị giải trình cụ thể các khoản đã chi trong những năm trước…

Giải trình những vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc đầu tư và để lại cho PVN là thực hiện theo chiến lược phát triển ngành dầu khí. Hiện nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án, công trình đang trong quá trình triển khai, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Do vậy, Quốc hội đồng ý khoản chi 3.500 tỷ đồng dành cho PVN nhưng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và tập đoàn này xây dựng danh mục đầu tư để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào đầu năm 2011, trước khi chính thức chi đầu tư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với PVN nhằm bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và đúng pháp luật.

Ngoài ra, 5 tập đoàn, tổng công ty 91 và một số ngân hàng thương mại cũng được cấp ngân sách. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phân bổ 215 tỷ đồng để đầu tư chương trình cấp điện tại Tây Nguyên, dự án thủy lợi- thủy điện Quảng Trị… Tổng Cty Đường sắt Việt Nam được 1.324 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng nâng cao an toàn đường sắt Thống Nhất; đường sắt đô thị Hà Nội...

Thông qua 3 dự án luật

Cùng ngày, Quốc hội cũng thông qua 3 dự án luật là: Luật Viên chức, Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo Luật Viên chức có hiệu lực từ 1-1-2012, người dự tuyển viên chức phải có quốc tịch Việt Nam, không được dự tuyển đối với người không cư trú tại Việt Nam. Như vậy, Việt kiều muốn làm viên chức bắt buộc phải trở về nước sinh sống.

Luật cũng chưa quy định việc trả lương theo vị trí làm việc bởi chủ trương này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai đồng bộ theo lộ trình nhất định. Việc trả lương vẫn thực hiện như quy định hiện hành.

Luật Thuế bảo vệ môi trường cũng có hiệu lực từ 1-1-2012. Theo đó, xăng chịu mức thuế từ 1- 4 nghìn đồng/lít. Tuy nhiên, xăng etanol không phải chịu thuế. Túi ni lông chịu mức thuế từ 30- 50 nghìn đồng/kg.

Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-7-2011 quy định, Tổng thanh tra Chính phủ có quyền quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về quyết định của mình; Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Bộ trưởng kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Thủ tướng Chính phủ giao; quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật… 

MỚI - NÓNG