Mổ xẻ nguyên nhân tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông giữa tàu Thống Nhất (TN6) và xe tải xảy ra ngày 6-8 tại Hà Nam
Tai nạn giao thông giữa tàu Thống Nhất (TN6) và xe tải xảy ra ngày 6-8 tại Hà Nam
TP - Số vụ tai nạn giao thông (TNGT) 10 tháng qua tuy giảm nhưng mỗi ngày vẫn còn 30 người chết. “Mất mát về người trong khi lưu thông hiện hữu cụ thể như sáng rời khỏi nhà, tối không thấy về, nhưng không phải ai cũng nhận ra”.

> Mỗi ngày 30 người chết vì tai nạn giao thông

Cục phó Cảnh sát Giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt, đại tá Trần Sơn Hà nói như vậy.

Tai nạn giao thông giữa tàu Thống Nhất (TN6) và xe tải xảy ra ngày 6-8 tại Hà Nam
Tai nạn giao thông giữa tàu Thống Nhất (TN6) và xe tải xảy ra ngày 6-8 tại Hà Nam . Ảnh: Đinh Đức Phương

Khi chủ xe chạy theo lợi nhuận

Đại tá Hà kể: “Có vụ tai nạn chết người diễn ra tại Quảng Bình, người nhà từ Hải Dương vào mang xác về. Trên đường đi, xe chở quan tài và người áp tải lại bị TNGT ở Nghệ An. Số người ngồi trên xe không ai sống sót. Lại thêm một chuyến xe khác từ Hải Dương đi đón những cái xác cũ, xác mới về”.

Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Thân Văn Thanh nói: “Nguyên nhân sâu xa của những vụ TNGT trên đường bộ chủ yếu do các chủ xe khách chạy theo lợi nhuận, khoán doanh thu và thời gian chạy xe. Từ đó, tạo ra sức ép lớn cho lái xe phải tranh giành khách, phóng nhanh, vượt ẩu.

Khi tai nạn xảy ra, phương tiện hư hỏng thì có bảo hiểm đền bù cho chủ xe. Có khi, chủ xe lại có lợi, lái xe thì đã chết, xã hội bị để lại hậu quả nặng nề. Như vậy, cơ bản là từ cơ chế kinh doanh hiện nay. Những doanh nghiệp vận tải lớn làm ăn đàng hoàng có chính sách quản lý chuyên nghiệp không để xảy ra chuyện này”.

Theo ông Thanh, số vụ TNGT do hạ tầng gây ra không quá 2%, do phương tiện kỹ thuật không quá 1%, còn lại chủ yếu do ý thức của con người.

Mổ xẻ nguyên nhân tai nạn giao thông ảnh 2

Chính quyền địa phương lơ là

* Về tình trạng nhiều CSGT phải nhảy lên nắp capo ô tô khi người vi phạm manh động, Đại tá Hà nhận xét: “CSGT nhảy lên nắp capo là những tình huống bất khả kháng. Con người giữa cái sống và cái chết phải hành động làm sao để bảo toàn tính mạng”.

Trước ý kiến cho rằng, CSGT không nhất thiết phải phạt ngay, có thể phạt nguội, ông Hà nói: “Không phải chỗ nào cũng có hệ thống camera. Hơn nữa, anh em phải đi làm cơ động trên đường nên không phải chỗ nào cũng đặt máy được.

Theo đúng quy trình, CSGT phải dừng xe vi phạm nhưng không phải lái xe nào cũng thực hiện. Đặc biệt khi người vi phạm uống bia rượu thì hành vi còn manh động hơn. Chúng tôi cũng đề nghị với anh em CSGT, trong những tình huống cụ thể phải xử lý kiên quyết, khôn khéo để tránh bị thương vong nhưng vẫn bắt được người vi phạm. Hằng năm, CSGT xử lý 5-6 triệu trường hợp vi phạm”.

Những vụ TNGT thảm khốc trên đường sắt chủ yếu do đường ngang dân sinh tự phát cắt đường sắt. “Luật quy định chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giáo dục dân.

Thế nhưng, hiện các địa phương đều cho rằng đường sắt trung ương chạy qua là trách nhiệm của ngành đường sắt. Không có đường, cộng thêm tính tuỳ tiện, người dân phải leo qua đường sắt. Đáng lẽ phải làm đường gom, nhưng chính quyền địa phương cấp đất sát với taluy đường sắt rồi còn đâu”, ông Thanh nói.

Ở một góc độ khác, trong một cuộc hội thảo sáng 23-11, Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế về Chính sách chất có cồn (ICAP), ông Brett Bivans, nói: “Điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT”.

Đại diện Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, bổ sung: Trên 70% trường hợp sử dụng rượu bia là người điều khiển xe máy. Càng học cao thì xu hướng dùng rượu bia càng cao.

Theo ông Trần Sơn Hà, phân tích số liệu thống kê 10 tháng qua cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ tai nạn thảm khốc là do các lỗi vi phạm tốc độ, lấn phần đường và tránh, vượt ẩu. Nguyên nhân sâu xa là do sử dụng bia rượu.

“Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ, Bộ Công an xây dựng thông tư liên tịch để đưa pháp luật vào cuộc sống một cách thực tiễn hơn. Ví dụ như thông tư liên tịch về việc thống kê người sử dụng bia rượu liên quan tới TNGT”, đại tá Hà nói.

 “Có vấn đề trong đào tạo, cấp bằng lái xe”

Chất vấn Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng tại Quốc hội, hôm qua, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) nói: “Tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề nổi cộm. Nguyên nhân có nhiều – như Bộ trưởng nói - do người điều khiển phương tiện, ý thức người dân, hạ tầng không đảm bảo…Vậy theo Bộ trưởng, nguyên nhân nào là chính? Bộ trưởng có biết, chỉ cần 1 khoản tiền nhỏ là có bằng lái xe?”.

“Phản ánh của ĐB là đúng. Có tình trạng sử dụng bằng giả, có vấn đề trong đào tạo, cấp bằng lái xe”- Bộ trưởng Dũng thừa nhận.

Bộ trưởng Dũng cho biết, có tới 70% vụ TNGT do lỗi của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông. Các cơ sở đào tạo lái xe đã được đầu tư mới theo chuẩn mực quốc tế, nhiều cơ sở rất hiện đại. Vì vậy, tác động tiêu cực của con người đến kết quả sát hạch đã giảm. Tuy nhiên, dù tự động hóa thế nào, con người vẫn là yếu tố quan trọng. Có những vấn đề chúng ta chưa khắc phục được triệt để, ông Dũng nói.

Trả lời ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) về việc thiếu nhạc trưởng để giải quyết vấn đề giao thông nội đô, Bộ trưởng nói: Bộ đã nhận thấy có sự chồng chéo trong quản lý giữa Bộ GTVT và Bộ Xây dựng và những bất cập ở đây. Bộ sẽ nghiên cứu, cùng với Bộ Xây dựng tháo gỡ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG