Bảo tồn hổ bằng cách... nấu cao?

Công an tỉnh Nghệ An chuyển giao động vật hoang dã tịch thu được cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tháng 10- 2010. Ảnh: Mỹ Hằng
Công an tỉnh Nghệ An chuyển giao động vật hoang dã tịch thu được cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tháng 10- 2010. Ảnh: Mỹ Hằng
TP - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa cho phép một số đơn vị trong tỉnh thực hiện đấu giá 2,77 kg cao hổ thành phẩm, với giá 50 triệu đồng/kg. Theo các nhà bảo tồn và hoạt động môi trường, việc làm này vô hình trung đã “kích cầu” buôn bán, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã.
Công an tỉnh Nghệ An chuyển giao động vật hoang dã tịch thu được cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tháng 10- 2010. Ảnh: Mỹ Hằng
Công an tỉnh Nghệ An chuyển giao động vật hoang dã tịch thu được cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tháng 10- 2010. Ảnh: Mỹ Hằng.

Công văn số 6414/UBND-NN ngày 19-11-2010 của UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép đấu giá 2,77 kg cao hổ, còn giao bộ da hổ cho bảo tàng tỉnh lưu giữ. Một nhà bảo tồn bày tỏ: “Cách xử lý này vô hình trung biến cơ quan chức năng thành một trung gian trong đường dây buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). Chúng ta có thể đổ lỗi cho sự thiếu hoàn thiện của hệ thống luật pháp, nhưng điều đó không thể biện minh cho việc thiếu quyết tâm bảo vệ các loài ĐVHD”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thông qua việc tăng nguồn cung cho thị trường buôn bán ĐVHD, dù là hợp pháp hay phi pháp, người ta đã làm tăng “cầu” đối với mặt hàng này. Cụ thể với việc cho phép bán cao hổ ra thị trường, rõ ràng người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn với sản phẩm này, đơn giản vì nó không còn là phi pháp sau khi được các cơ quan chức năng “hợp pháp hóa”.

Sự việc trên diễn ra khi đoàn đại biểu Việt Nam vừa mới trở về từ Hội nghị Thượng đỉnh về Bảo vệ loài hổ tổ chức tại Nga từ ngày 21 đến 24- 11, với những cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ loài vật này. Chính phủ của 13 nước đã cùng cam kết tham gia vào Chương trình Phục hồi Hổ toàn cầu.

Theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), một điều đáng lo ngại nữa là hiện vẫn còn hai cá thể hổ chết (mỗi con nặng gần 100kg) đang được giữ đông lạnh tại trang trại của ông Nguyễn Mậu Chiến ở Thanh Hóa chờ được xử lý. Hai cá thể hổ được nuôi giữ tại đây và chết từ tháng 8-2010. ENV đã liên lạc với UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng liên quan nhằm gợi ý phương án xử lý hợp lý nhất.

Cụ thể là chuyển giao cho một cơ sở nghiên cứu khoa học có đủ chức năng pháp lý và điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng Nghệ An mới đây nhận được sự ủng hộ lớn của công luận khi chuyển giao một số lượng lớn ĐVHD bao gồm cả hổ về cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Bà Lê Minh Thi, Giám đốc Chương trình của ENV cho biết, đang có kẽ hở trong Thông tư 90/2008/TT- BNN của Bộ NN&PTNT về Hướng dẫn sử dụng tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.

Theo đó: Tang vật là động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm trong nước đã chết hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm của thuộc nhóm IB được xử lý bằng cách chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản; hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc hoặc tiêu hủy trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng biện pháp trên. Nghĩa là, thông tư này không hề đề cập đến việc có được bán hay không các tang vật đã được các cơ quan nhà nước bào chế thành thuốc.

“Kẽ hở này có thể tạo điều kiện cho ĐVHD tiếp tục được xem như một loại hàng hóa trong mắt các nhà hoạch định chính sách địa phương” - Bà Thi lo ngại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG