'Nói không' với bằng tại chức: Chọn 'danh' để tìm người giỏi

Đà Nẵng cho rằng, việc chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thành phố
Đà Nẵng cho rằng, việc chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thành phố
TP - Giải thích về quy định từ năm 2011, Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước, ông Bùi Văn Tiếng - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng, đó là thành phố chọn cái Danh trước, và đa phần danh đi đôi với Thực.

> Không nhận SV tốt nghiệp tại chức vào cơ quan nhà nước
> Vấn đề là khả năng làm việc 

Đà Nẵng cho rằng, việc chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thành phố
Đà Nẵng cho rằng, việc chỉ tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy sẽ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thành phố . Ảnh: Phạm Thịnh

Ông Tiếng cho hay: Chủ trương này được thông qua tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP Đà Nẵng khóa VII vừa bế mạc. Theo đó, từ năm 2011, các cơ quan nhà nước trên địa bàn khi xét tuyển cán bộ, công chức sẽ không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức.

Phải nói thêm rằng, hoàn toàn không có câu chuyện Đà Nẵng nói không với hệ tại chức vì thực tế từ trước đến nay, những người tốt nghiệp không chính quy vẫn được sử dụng. Riêng từ năm 2011, yêu cầu này sẽ được áp dụng để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.

Chỉ dựa vào bằng cấp để đánh giá, xét tuyển, liệu có đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ, thưa ông?

Thực tế mỗi lần xét tuyển vào các vị trí cán bộ, chức danh lãnh đạo có đến cả trăm ứng cử viên. Việc sàng lọc, kiểm tra, đánh giá là cả một quá trình mất rất nhiều thời gian và thao tác. Vì thế, Đà Nẵng lựa chọn cách không xét tuyển sinh viên hệ tại chức ngay từ đầu để tinh giảm số ứng cử viên.

Ông
Ông Bùi Văn Tiếng

Trong rất nhiều yếu tố xét tuyển thì rõ ràng bằng cấp là cái nhìn thấy đầu tiên, những yếu tố khác về năng lực, phẩm chất phải qua quá trình kiểm duyệt. Đánh giá qua quy trình đào tạo, phương pháp, thời gian nhìn chung đào tạo chính quy sẽ cho kết quả tốt hơn các hệ không chính quy. Đó là cái Danh của bằng cấp chính quy. Cách Đà Nẵng chọn cái Danh trước vì đa phần cái Danh đi đôi với cái Thực.

Mấy hôm nay, nhiều vị hiệu trưởng các trường đại học đăng đàn công bố chất lượng hệ tại chức của họ xịn. Nhưng tôi hỏi lại, chất lượng tại chức của ông xịn thì chất lượng đào tạo chính quy của ông càng xịn hơn, vậy tôi phải chọn ông chính quy chứ.

Chọn cán bộ phải chọn người giỏi nhất. Muốn thế phải sàng lọc. Mong muốn ở đây là để nâng cao trình độ đầu vào của đội ngũ cán bộ, khuyến khích, tạo động lực để những người muốn vào làm công chức thì nỗ lực, cố gắng học tập ngay từ đầu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng như thế là không công bằng, không đảm bảo yêu cầu tuyển dụng công chức. Ông lý giải thế nào?

Thực tế không có quy định cụ thể nào bắt buộc phải chọn bằng cấp gì. Cái đó là cái quyền của nhà tuyển dụng. Cơ quan nhà nước không tuyển dụng thì sinh viên tốt nghiệp tại chức vẫn có thể làm việc ở hệ thống tư, các doanh nghiệp, công ty...

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên công bố quy định trên nhưng tôi nghĩ nhiều địa phương khác cũng ngầm quy định thế rồi. Ngay cấp ủy chúng tôi cũng đã thực hiện từ hai năm trước. Tại ĐH Đảng bộ Đà Nẵng vừa qua, chúng tôi cũng quy định ứng cử viên vào cấp ủy lần đầu phải có bằng chính quy.

Việc triển khai các lớp đào tạo cán bộ nguồn, ứng viên lãnh đạo xã, phường, chúng tôi đưa quy định: tốt nghiệp đại học chính quy loại khá - giỏi, thậm chí phải đảm bảo quy định về ngoại hình...

Đà Nẵng có nhiều chính sách thu hút nhân tài, nếu “cấm cửa” đầu vào tại chức, có dẫn đến để lọt người tài không?

Thu hút thêm nhiều nhân lực chất lượng cao

Ở đây cần phải hiểu, anh có bằng chính quy được tuyển dụng và cứ thế nghĩ rằng mình thuộc biên chế như thế là sai. Chúng tôi có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực nếu anh làm không tốt có thể bị loại. Tương tự, với trường hợp sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức không được xét tuyển, chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế mở.

Trường hợp sinh viên tốt nghiệp tại chức không được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, nhưng khi đi làm ở hệ thống tư, họ chứng minh được năng lực, phẩm chất, chúng tôi sẽ có cơ chế xét tuyển, thậm chí mời đảm nhận vị trí lãnh đạo. Vấn đề là anh chứng minh được năng lực thực chất của mình.

Về lâu dài, theo ông, ngành giáo dục phải làm gì để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng?

Rõ ràng giáo dục đại học Việt Nam cần nâng cao chất lượng đào tạo để đưa ra sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, về lâu dài phải hướng đến một chuẩn đầu ra. Theo tôi, có rất nhiều hệ đào tạo khác nhau như chính quy, dân lập, tại chức để phù hợp nhu cầu, điều kiện học hỏi của mỗi người là cần thiết.

Bên cạnh đó, cần có một cơ sở thi đầu ra, kiểm định chất lượng để ai học hệ nào nhưng khi đáp ứng được các tiêu chuẩn đầu ra thì họ vẫn có giá trị tương đương nhau. Khi ấy, không còn chuyện bằng này, bằng khác và sẽ dễ dàng hơn cho nhà tuyển dụng.

Không trái luật, nhưng chưa toàn diện

Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng): Theo Luật cán bộ công chức, điều 36 quy định điều kiện đăng ký tuyển dụng “có văn bằng chứng chỉ phù hợp” chứ không quy định cụ thể là bằng cấp nào. Vì thế, quy định của Đà Nẵng không trái luật. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào bằng cấp thì mới là một khía cạnh, chưa toàn diện.

Đánh giá một con người phải dựa vào các yếu tố: trình độ, năng lực chuyên môn, tác phong, đạo đức, nhân cách... Quy định này cũng có mặt tích cực: góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; nhưng điểm hạn chế, nếu không xử lý hài hòa, không vận dụng linh hoạt thì sẽ bỏ sót nhân tài, vì hệ tại chức chắc chắn vẫn có người tài.

Thậm chí, quy định này sẽ dẫn đến chuyện phủ nhận quá trình học tập vươn lên của những người không có điều kiện học hệ chính quy.

Cá nhân tôi không đồng tình lắm với quy định này.

Nguyễn Huy
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.