Chơi gốc cổ thụ = phá rừng

Đưa rừng về nhà
Đưa rừng về nhà
TP - Sau những cơn bão tìm trầm, vào rừng hái lá kim cương thì gần đây thú chơi gốc cây cảnh đã lan đến Gia Lai như một cơn sốt. Việc băm nát rừng tìm gốc cây để thỏa mãn thú chơi xa xỉ, thu lại bạc tỷ cho những người có máu kinh doanh, còn rừng thì bị hủy hoại nghiêm trọng.
Đưa rừng về nhà
Đưa rừng về nhà.

Những tay chơi chuyên nghiệp sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng cho công cuộc đào gốc, đào rễ. Loại gốc được các dân chơi săn lùng gồm: lộc vừng, sanh, sung, si, xộp… Không chỉ cây còn sống bị đốn hạ, những gốc gỗ khô như hương, trắc, cà te, cẩm… lâu năm có giá trị cao cũng bị đào tận rễ.

Ghé vào một quán cà phê sân vườn tại huyện Chư Pưh (Gia Lai), chúng tôi được các tay chơi gốc tỉ tê về những câu chuyện đào gốc cây rừng có một không hai.

T. và M. được gọi là hai đại gia chơi cây khét tiếng trong vùng với nhiều cây cảnh thuộc vào loại khủng và hàng độc. T. - một nông dân chính hiệu nhưng từ khi phong trào chơi, chưng cây cảnh từ rừng nở rộ thì ngay lập tức được nhiều người biết đến.

Cách đây hơn một năm, T. săn được gốc gỗ hương khô đại thụ trên trăm tuổi làm rúng động cả miền sơn cước. Ban đầu, nhiều dân chơi tìm đến trả giá vài chục chai (triệu) nhưng gia chủ chưa ưng ý. Đến nay, qua truyền miệng, dân chơi ở các tỉnh khác cũng tìm đến. Cây cảnh của T. vì thế mà trở nên được giá, có đại gia chơi cây gạ mua với giá trên 150 triệu đồng nhưng T. vẫn chưa đồng ý, cây được trùm bạt để trong nhà.

Được biết, gốc gỗ hương khô này được T. đào ở tận chân núi Chư Đôn, phải mất cả chục triệu đồng mới đưa được cây về nhà. Sở dĩ cây được hét giá khủng như vậy bởi đây là cây gỗ quý ước tính cả trăm tuổi, thế cực đẹp, cao khoảng 2m, nhiều nu (bướu cây).

Qua câu chuyện của những tay chơi gốc, chúng tôi được biết, gần đây, giới chơi gốc đang nghe ngóng thông tin về chuyện tay chơi T. đào được gốc cây sanh đến 4-5 người ôm, cây to đến nỗi khi vận chuyển về nhà trục xe cũng bị gãy đôi.

T. đã thuê chiếc bò vàng kéo nhưng do đường trơn trượt nên không thể vận chuyển đi xa được. Sau đó, T. đã thuê cả xe tải, xe cần cẩu để đưa ra nhưng cũng đành bó tay. Tạm thời, T trồng tạm cây lại tại rừng chờ trời nắng ráo. Số tiền mà T. đã bỏ ra trong phi vụ này lên gần 40 triệu đồng. Theo những người chuyên chơi cây, nếu gốc sanh này đưa ra được thì giá bán không dưới 200 triệu đồng.

Theo chân anh H. P. vào rừng, tận mắt chứng kiến những cái hố sâu hoắm, những vạt rừng tan hoang mới cảm nhận được sức tàn phá khủng khiếp của việc đào bới, săn cây cảnh. Từ xã Ia Blứ, đi sâu vào khoảng 15km thì có thể tìm kiếm các loại cây rừng có dáng và thế đẹp.

Chỉ vào một cái hố như hố bom sâu gần 1m, rộng khoảng 5m, anh P. cho biết: “Cái hố này là một gốc gỗ hương khô, đường kính của cây ước khoảng 3 người ôm đã được những người săn cây cổ thụ đào cách đây 2 tháng. Nếu gốc cây này qua bàn tay chế tác của thợ mộc thành bộ bàn ghế thì giá bán khoảng 40 triệu đồng”.

Anh P. cho biết thêm, nếu đào gốc cây tươi thì mức độ tàn phá còn lớn hơn nhiều, có thể trong vòng bán kính 10m không có một cây nào sống nổi vì cây gãy đổ kéo theo các cành, cây khác cũng đổ theo.

Khoảng 1 tháng nay, nhiều người dân xã Ia Blứ tỏ ra bức xúc, vì một số người xuống con suối gần thác nước trên địa bàn xã để hạ cây về làm cảnh. Trước đây, bao quanh thác là cây cối um tùm, nhất là nhiều cây si mọc trên thác với hình dáng uốn lượn nay chỉ còn bãi đá trơ trọi. Ngay cả cây cổ thụ trên trăm tuổi nằm dưới thác cũng bị đốn hạ nhưng rồi để cây chết trơ ngay dưới thác.

Nhiều người cho biết, một người chuyên chơi cây cảnh tên M. đã thuê nhân công và xe cầu, xe cày tiêu tốn hơn 13 triệu đồng để kéo cây lên khỏi miệng thác nhưng đành bất lực vì ngay cả sợi cáp to nhất cũng bị đứt vì cây quá nặng.

Thú săn, chơi cây cảnh đang góp phần làm cho rừng mất nhanh chóng, hủy hoại môi sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG