Hà Nội: Thưởng Tết cao nhất gần 73 triệu đồng

Hà Nội: Thưởng Tết cao nhất gần 73 triệu đồng
TPO - Hôm nay, 27-12, Sở LĐ - TB&XH Hà Nội có báo nhanh tình hình tiền lương, thu nhập năm 2010 và tiền thưởng Tết Tân Mão của bốn loại hình doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất là 72,9 triệu đồng.

> Thưởng Tết chênh lệch gần 500 lần
> TPHCM: Thưởng tết cao nhất 376 triệu đồng
> Thưởng cao nhất gần 400 triệu đồng 

Mức thưởng này thuộc một doanh nghiệp nhà nước chuyển sang Cty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối.

Công nhân làm việc tại
Thưởng Tết là câu chuyện nhiều công nhân quan tâm.

Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, theo báo cáo của các Cty TNHH một thành viên nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ trên địa bàn thành phố, thu nhập bình quân năm 2010 là 3,850 triệu đồng/người/tháng, tăng 37,5% so với năm 2009. Trong đó, tiền lương chiếm khoảng hơn 90% thu nhập.

Đối với loại hình doanh nghiệp này, khoảng cách chênh lệch về thu nhập bình quân giữa các doanh nghiệp không lớn, chỉ khoảng 5,4 lần.

Cụ thể: Người có mức thu nhập bình quân cao nhất là 27 triệu đồng/tháng (thuộc doanh nghiệp ngành dịch vụ); người có mức thu nhập bình quân thấp nhất là 1,240 triệu đồng/tháng (thuộc ngành dệt may, da giày).

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, nguyên nhân tăng tiền lương ở loại hình doanh nghiệp này chủ yếu do Chính phủ điều chỉnh mức lương tối tiểu vùng tăng cao hơn so với năm 2009 (bình quân thu nhập 2009 là 2,8 triệu đồng/người/tháng).

Theo ông Hùng, mặc dù chịu sự tác động của tình hình suy giảm kinh tế thế giới, song để đảm bảo an sinh xã hội và ổn định đời sống cho người lao động trước sự biến động của chí số giá tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả vẫn cố gắng đảm bảo mức thưởng Tết cho người lao động cao hơn so với năm 2009.

Theo đó, mức thưởng Tết Tân Mão của loại hình doanh nghiệp này bình quân đạt 3,350 triệu đồng/người. Người lao động có mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng và thấp nhất 200 nghìn đồng.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang Cty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối, mức thu nhập bình quân của người lao động và mức thưởng Tết so với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cao hơn đôi chút.

Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tiền lương bình quân năm 2010 và tiền thưởng trong dịp Tết Tân Mão của các doanh nghiệp cao hơn so với năm 2009 nhưng thực tế đời sống của người lao động vẫn gặp rất nhiều khó khăn do sự leo thang của giá cả thị trường.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng 11,75% và dự báo những tháng giáp Tết Nguyên đán có thể còn tăng tiếp.

Thực trạng này dẫn đến việc dù tiền lương, tiền thưởng có tăng nhưng đời sống người lao động vẫn không được cải thiện.

Nguyên nhân vì do trong quá trình thực hiện cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp đã giải quyết được những tồn đọng về tài chính và lao động theo quy định nên năng suất lao động cao hơn, dẫn đến thu nhập của người lao động cũng tăng theo.

Theo đó, mức thu nhập bình quân của người lao động là 4,09 triệu đồng/người/tháng (cao hơn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước 6,23%). Khoảng cách thu nhập giữa người có mức cao nhất với thấp nhất có sự chênh lệch khá lớn theo con số tương ứng là 72,9 triệu đồng và 500 nghìn đồng.

Mức thưởng bình quân trong dịp Tết Tân Mão là 3,84 triệu đồng/người; người có mức thưởng cao nhất là 72,9 triệu đồng, người thấp nhất 500 nghìn đồng.

Đối với doanh nghiệp dân doanh, tiền lương bình quân năm 2010 đạt ba triệu đồng/người/tháng, tăng 1,31 lần so với năm 2009. Nguyên nhân tăng lương chủ yếu do thị trường lao động phát triển, giá nhân công trên thị trường tăng.

Mặt khác, cũng do Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (thu nhập bình quân năm 2009 của loại hình doanh nghiệp này là 2,290 triệu đồng/người/tháng). Chênh lệch về thu nhập bình quân ở các doanh nghiệp dân doanh không lớn (khoảng 4,51 lần).

Người có mức thu nhập thấp nhất ở loại hình doanh nghiệp này là 1,2 triệu đồng (lao động giản đơn, chưa qua đào tạo) và người có mức thu nhập cao nhất là 15,514 triệu đồng (lao động có chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cao).

Tiền thưởng Tết năm nay của doanh nghiệp dân doanh bình quân đạt 1,760 triệu đồng/người, giảm 3,6% so với năm 2009. Nguyên nhân giảm tiền thưởng là do tình hình suy giảm kinh tế dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, công nhân thiếu việc làm, doanh nghiệp không có lợi nhuận nên mức thưởng cuối năm thấp.

Mặt khác, theo các doanh nghiệp, năm 2010, mức lương của người lao động cao hơn do Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu nên trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tư nhân, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp đối với người lao động tăng cộng với việc phải đóng 1% quỹ lương của doanh nghiệp cho quỹ Bảo hiểm xã hội từ 1-1-2010 đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì thế, mức thưởng Tết năm nay của loại hình doanh nghiệp này thấp hơn năm 2009.

Người lao động có mức thưởng cao nhất của loại hình này là 15 triệu đồng và thấp nhất là 400 nghìn đồng.

Đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), tiền lương bình quân năm 2010 đạt 2,897 triệu đồng/người/tháng, tăng 29,9% so với năm 2009. Nguyên nhân tăng tiền lương do năm 2010, Chính phủ nâng mức lương tối thiểu.

Ở khu vực FDI, chênh lệch về tiền lương tương đối lớn. Doanh nghiệp có mức thu nhập bình quân cao nhất (lĩnh vực dịch vụ, ngân hàng) từ 11 - 15 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp có mức thu nhập thấp nhất là 1,5 - 1,8 triệu đồng/người/tháng (lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cơ khí...).

Như vậy, chênh lệch giữa doanh nghiệp có thu nhập bình quân cao nhất và thấp nhất là 8,4 lần. Trong khi ở khu vực FDI, người có mức lương cao nhất là 60 triệu đồng/người/tháng thì thấp nhất là 1,274 triệu đồng/người/tháng. Tiền thưởng Tết 2011 khu vực FDI bình quân đạt hơn 4,2 triệu đồng/người; người có mức thưởng cao nhất là 72.720.000 đồng và người có mức thưởng thấp nhất là 500 nghìn đồng.

Theo ông Hùng, mặc dù do bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nói chung nhưng số doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên năm 2010 sản xuất kinh doanh vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao, dẫn đến tiền lương, tiền thưởng của khu vực này tăng cao.

Tuy nhiên, so với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, việc tăng tiền lương, tiền thưởng của người lao động không đáng kể nên đời sống của người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, đối với công chức, viên chức Nhà nước, tiền thưởng Tết do đơn vị tự quyết định, trên cơ sở lương khoán và chi phí trong năm... Đối với những người hưởng lương hưu, đối tượng chính sách, dự kiến năm nay, quà Tết của Thành phố Hà Nội tặng có giá trị vật chất khoảng 150 nghìn đồng, cao hơn năm 2010.

Theo Viết
MỚI - NÓNG