Nham nhở 'miếng bánh' du lịch sông nước

Nham nhở 'miếng bánh' du lịch sông nước
TP - Du lịch sông nước là thế mạnh đặc trưng, giàu tiềm năng của ĐBSCL sau lúa gạo, trái cây và thủy sản. Tuy nhiên, tiềm năng ấy như miếng bánh mới được chia một cách thiếu quy hoạch, chưa phát huy tiềm năng tương xứng.
Khu đất 1,3 ha ở Mũi Cà Mau giao cho ngành công an xây nhà nghỉ đang bỏ hoang khi chặt xong rừng Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng
Khu đất 1,3 ha ở Mũi Cà Mau giao cho ngành công an xây nhà nghỉ đang bỏ hoang khi chặt xong rừng.
Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng.

Ai đã đến TP Cà Mau đều muốn đi tiếp để đặt chân lên Mũi Cà Mau, dù phải ngồi ca- nô đi gần 120 km. Tuy nhiên, họ sẽ thấy bê tông hóa, rừng bị triệt hạ, sóng biển lấn dần đất phù sa.

Xói lở

Ở ấp Mũi, xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) có Khu du lịch Đất Mũi rộng 101 ha, do Trung tâm Thông tin Quảng bá Du lịch quản lý. Nơi đây có nhà hàng Thủy Tạ hình lục giác như một trụ bê tông cắm xuống biển, nhà hàng Đất Mũi gần bờ nhái hình ngôi nhà rông Tây Nguyên.

Vị trí đặc biệt thu hút du khách là Mốc tọa độ quốc gia/Điểm tọa độ GPS 0001, một khối bê tông cốt thép có hình một bông hoa xòe cánh trên mặt đất. Gần bên là Biểu tượng Mũi Cà Mau, một con tàu cũng bằng bê tông cốt thép, trên cánh buồm ghi tọa độ: 8O37’30” vĩ độ bắc, 104O43’ kinh độ đông. Hông con tàu khắc câu thơ của Xuân Diệu: Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau.

Tại đây còn có một cái chòi cao cũng bằng bê tông cốt thép, gọi là Vọng Hải đài, cho du khách leo lên ngắm rừng và đất của Mũi Cà Mau. Nhưng rừng đang mất dần. Dễ thấy nhất là một con đường nhựa rộng chừng 5 m, dài hơn 800 m chạy dọc bãi biển vừa làm mất rừng vừa chắn thủy triều tự nhiên nuôi thảm rừng bên trong khiến rừng còi cọc. Ngọc Hiển là huyện duy nhất ở nước ta chưa có đường ô tô.

Đặc trưng của đất đai Mũi Cà Mau là phù sa chảy ra biển, cây mắm mọc lên giữ phù sa thành bãi bồi, cây đước theo sau xanh tốt thành rừng. Vì thế, từ nghìn xưa, mỗi năm Mũi Cà Mau vươn ra biển thêm vài trăm mét. Nhưng từ năm 2000, bê tông cốt thép bắt đầu xuất hiện ở Mũi Cà Mau và khi bê tông xuất hiện ngày càng nhiều thì đất nơi đây lại bị xói lở.

Ông Trần Minh Triều, chuyên viên Ban quản lý các khu du lịch Mũi Cà Mau, nói về quá trình đầu tư bê tông hóa: “Từ năm 2000, vốn đầu tư xây dựng hơn 9 tỷ đồng. Mới đây, ngân sách đầu tư làm đường nội bộ 2,6 tỷ đồng, rồi sửa chữa vài tỷ đồng nữa”.

Khi bê tông hóa, rừng bị triệt hạ nên sóng biển lấn dần đất phù sa. Sạt lở liên tục diễn ra ở các cửa sông, bãi biển. Chục năm nay loay hoay xây kè giữ đất. Bờ kè đầu tiên bằng đá hộc, tiêu tốn bạc tỷ, bị sóng biển cuốn trôi. Sau đó, cắm thân dừa dày đặc hai hàng rồi đổ đất bên trong, cũng bị sạt lở. Cuối cùng, xây kè bê tông, dự toán 18 tỷ đồng. Cty TNHH Xây dựng- Thương mại- Du lịch Công Lý thi công được 3 năm, đang dang dở thì dừng lại.

Ông Mai Bá Cường, Trưởng ban Dự án du lịch Sở VH- TT- DL Cà Mau, cho biết: “Dự án chưa báo cáo đánh giá tác động môi trường, sợ lấy cát làm tăng sạt lở nên phải cho dừng lại để nghiên cứu thêm”. Ngày đêm sóng biển vẫn cuốn từng mảng đất đổ ầm ầm xuống biển. Sạt lở lớn nhất ở khu đất hơn 1,3 ha giao cho ngành công an xây dựng nhà nghỉ. Nơi đó vốn là rừng nhưng đã bị chặt phá xong, nhà nghỉ chưa xây nên sạt lở nghiêm trọng.

Xí phần

Cách Khu du lịch Mũi Cà Mau chừng 18 km là bãi cát Khai Long. Năm 2004, Dự án Khu du lịch Khai Long rộng 229 ha được triển khai. UBND tỉnh Cà Mau phân lô bãi Khai Long, giao cho Cty Công Lý 75 ha, Cty TNHH Xây dựng Quang Tiền 42 ha, Cty TNHH Xây dựng Thiên Tân 50 ha, DNTN Duy Oanh 12 ha, Tỉnh đội Cà Mau 5 ha, Biên phòng Cà Mau 46 ha...

Du lịch sông nước ở ĐBSCL vẫn là sự lựa chọn trong lịch trình những ngày nghỉ lễ, tết của đông đảo người dân.
Du lịch sông nước ở ĐBSCL. Ảnh minh họa.

Đến nay, chỉ duy nhất Cty Công Lý đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng Khu du lịch Lý Thanh Long, nhưng lay lắt suốt 6 năm qua. Giám đốc Tô Hoài Dân than thở: “Tôi làm thật nên chịu thiệt vì các đơn vị khác xí phần, không đầu tư, nên không đồng bộ”. Khu du lịch Khai Long xây 1,8 km bờ kè nhưng các đơn vị không làm nối vào nên bờ kè bị hở sườn, sóng biển đánh sạt lở toàn bộ.

Ông Dân bức xúc: “Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Cà Mau thu hồi dự án xí phần của các đơn vị không đầu tư, để giao cho nhà đầu tư khác. Có thế mới phát huy được tiềm năng du lịch thật sự”. Ông Mai Hữu Chinh, Giám đốc Sở KH&ĐT Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi đang chờ Sở VH- TT- DL Cà Mau có đề xuất cụ thể để rà soát, xử lý các nhà đầu tư không thiệt tâm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.