Bờ kè tiền tỷ hư hỏng sau 4 tháng nghiệm thu

Nhiều đoạn rọ đá của bờ kè đã bị trôi xuống sông
Nhiều đoạn rọ đá của bờ kè đã bị trôi xuống sông
TP - Đoạn bờ kè dài chưa tới 2km tại xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được đầu tư hơn 12 tỷ đồng, nhưng mới sau gần 4 tháng nghiệm thu và một trận lũ, công trình đã bị hư hỏng nặng, khiến hàng trăm hộ dân lo ngại hà bá tiếp tục nuốt đất, nuốt nhà.
 Nhiều đoạn rọ đá của bờ kè đã bị trôi xuống sông
Nhiều đoạn rọ đá của bờ kè đã bị trôi xuống sông . Ảnh: Nguyễn Huy

Tháng 5 - 2010, tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây dựng bờ kè chống xói lở dọc sông Thu Bồn đoạn qua địa bàn xã Duy Phước. Công trình do Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, Trung tâm Tư vấn Đê điều (Bộ NN&PTNT) thiết kế và 3 đơn vị thi công.

Dự án dự kiến kéo dài đến hết năm 2010, nhưng đến tháng 8 - 2010, công trình được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nghiệm thu trước mùa mưa bão.

Ông Huỳnh Ngọc Anh (75 tuổi, người dân thôn Mỹ Phước) chỉ tay vào những rọ đá làm móng đỡ thân kè đã tuột xuống sông, ái ngại: “Từ tháng 8 đến nay, địa phương mới chỉ hứng chịu một trận lũ đầu tháng 11, vậy mà nhiều đoạn chân kè đã bị xói lở. Lũ không lớn như các năm trước, chứ nếu không, lũ có thể đã cuốn phăng cả bờ kè không chắc chắn này rồi”.

Ông Đinh Vỹ (58 tuổi, thôn Phước Mỹ) băn khoăn: “Đây là vùng đất yếu, cần phải có lớp vải địa kỹ thuật chống thấm nước, nhưng không hiểu sao không được đưa vào bờ kè. Do đó, móng kè không chắc, khi lũ về, nước chảy mạnh gây xói đáy sông khiến cho lớp rọ đá hỏng chân và xói hàm ếch”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước, nói: “Chúng tôi đang làm tờ trình gởi huyện và tỉnh đề nghị các đơn vị thi công kiểm tra, khắc phục, sửa chữa, đảm bảo bờ kè đúng chất lượng”.

Theo ông Thuận, một số đoạn hư hỏng nặng có thể do đơn vị thi công làm dối dẫn đến chất lượng kém, gây sụt lún. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thương, Giám đốc Ban quản lý dự án NN&PTNT (Sở NN&PTNT Quảng Nam) cho rằng, việc thi công đúng thiết kế nhưng do dòng chảy sông Thu Bồn mạnh dẫn đến xói lở. Với đặc thù ở đây, muốn làm bờ kè chắc phải đóng cọc nhưng kinh phí không cho phép, ông nói. Bên cạnh đó, sa tặc lộng hành trên sông khiến dòng chảy bị tác động, ảnh hưởng khu vực chân kè.

Theo các hộ dân Duy Phước, mỗi đêm có 5-6 chiếc ghe hút trộm cát khiến tình trạng sụt lún bờ sông diễn ra nghiêm trọng hơn. Người dân nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng vẫn diễn ra. Ngày 25 - 12 - 2010, gần 30 cán bộ các ngành của xã và huyện Duy Xuyên ra quân trấn áp, bắt được 5 ghe hút trộm cát.

“Ngay sau trận lũ, chúng tôi đi kiểm tra, phát hiện những đoạn hư hỏng và đã yêu cầu đơn vị tư vấn, thi công kiểm tra lại. Trước mắt, đang phải chờ đơn vị tư vấn kiểm tra, đánh giá để có biện pháp khắc phục cụ thể. Tuy nhiên, để công trình bền vững, bên cạnh việc gia cố, địa phương cần mạnh tay, ngăn chặn triệt để nạn sa tặc”, ông Thương nói.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, nói: “Ngay trong tuần tới, tôi sẽ đi kiểm tra thực tế và sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết nếu có dấu hiệu vi phạm”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG