'Nóng" chống buôn lậu mùa giáp Tết

'Nóng" chống buôn lậu mùa giáp Tết
Theo quy luật, dịp cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, cũng là lúc tình hình buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp. Hàng nhập lậu qua Lạng Sơn chủ yếu là tạp hóa (quần áo, vải may mặc, giầy dép...), đồ điện, điện tử, đồ gia dụng, rượu, pháo các loại...

'Nóng" chống buôn lậu mùa giáp Tết

Theo quy luật, dịp cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, cũng là lúc tình hình buôn lậu qua biên giới diễn biến phức tạp. Hàng nhập lậu qua Lạng Sơn chủ yếu là tạp hóa (quần áo, vải may mặc, giầy dép...), đồ điện, điện tử, đồ gia dụng, rượu, pháo các loại...

Hàng cấm bị thu giữ tại Hải quan Tân Thanh
Hàng cấm bị thu giữ tại Hải quan Tân Thanh. Ảnh: Đức Duy

Phía sau sự bình yên

Chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Tân Thanh lúc 16 giờ một ngày gần Tết Nguyên đán Tân Mão, thời tiết u ám, mưa phùn cộng với sương muối giăng đầy khiến cái rét càng thêm tái tê.

Nhưng khác với vẻ tấp nập ồn ào của một khu chợ vùng biên dịp cuối năm, tình hình buôn bán qua cửa khẩu của Tân Thanh lại khá yên ắng. Thưa thớt vài chiếc xe làm thủ tục qua cửa khẩu và vội vàng rút về cho kịp hành trình.

Quan sát tại các lối mòn dọc cặp chợ đường biên Tân Thanh, hoạt động buôn lậu cũng khá “chìm” và chỉ có vài nhóm nhỏ cửu vạn đang lượn vòng quan sát hoạt động của lực lượng chống buôn lậu để tìm sơ hở tuồn hàng vào nội địa.

Ông Bế Văn Tiến, Tổ phó Tổ chống buôn lậu Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, đấy chỉ là các đối tượng nhỏ lẻ, còn những đối tượng đánh hàng thực sự thì không bao giờ lộ diện.

Phương thức mà các đầu nậu sử dụng vẫn là "khoán gọn trách nhiệm" cho đội ngũ “cửu vạn” để vận chuyển hàng qua biên giới, sau đó hàng được xé lẻ cho đội quân “xe bay” để đưa vào sâu nội địa.

Tinh vi hơn, nhiều đầu nậu lợi dụng chính sách ưu đãi đối với cư dân biên giới để gom hàng hoặc dùng các hóa đơn mua hàng để quay vòng nhằm qua mắt các cơ quan chức năng.

Sau khi các lực lượng chống buôn lậu tăng cường chốt chặt tại các điểm “nóng” thì dân buôn lậu lại chuyển hướng “đánh” hàng qua các đường mòn, đường tắt trên tuyến biên giới thuộc địa bàn huyện Văn Lãng.

Gặp trung úy Hoàng Công Thủy, đồn biên phòng Tân Thanh trong kíp trực, được anh cho biết, trước đây các đường mòn, lối tắt hai bên cánh gà như: đường bờ ao đằng sau cửa hàng miễn thuế, kè đá, đường sau Mê Trang, đường Lọ Bon…được coi là địa bàn phức tạp vận chuyển hàng lậu từ bên kia biên giới, mỗi ngày có tới hàng trăm tấn hàng hóa ém gần biên giới để tìm cách đưa sâu vào nội địa.

Hiện tổ luôn phải duy trì từ 5-7 cán bộ, chiến sĩ gồm liên ngành gồm Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn người dân vượt biên sang biên giới vác hàng lậu về.

Chỉ tay về phía những ngôi nhà nằm rải rác dọc đường biên, trung úy Thủy tâm sự, ngoài việc ngăn hàng nhập lậu, tổ công tác còn phối hợp với lực lượng công an huyện Văn Lãng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc bốc xếp hàng lậu tại khu vực ngã ba thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ.

“Việc duy trì các chốt liên ngành ứng trực 24/24 đã khóa chặt đường tiến của hàng lậu và chỉ cần phát hiện các đối tượng định tụ tập đông người hoặc có ý định cướp hàng là các lực lượng sẽ lập tức vào cuộc,” trung úy Thủy nói.

"Nước sẽ chảy chỗ trũng"

Mặc dù bị chốt chặt tại các điểm nóng trong nội địa, nhưng hàng lậu vẫn được các đội quân cửu vạn xếp hàng dài tìm mọi đường ngang, lối tắt tranh thủ sự sơ hở của lực lượng chức năng để vác hàng qua.

Họ xé lẻ đội hình, đi theo từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm đi một lối riêng để tránh sự vây bắt của bộ đội biên phòng.

Thậm chí, biết là dân buôn lậu nhưng không ngăn cản được vì thực chất họ là người dân địa phương lên núi giả làm người hái củi về đun nấu nên không thể bắt họ quay về được.

Nếu bị bắt thì đối tượng buôn lậu sẽ huy động phụ nữ và người già xông vào vừa ôm chặt lấy lực lượng chống buôn lậu vừa la làng vừa để cướp lại hàng.

Ông Bế Văn Tiến cũng bày tỏ, năm 2010 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại qua địa bàn Tân Thanh tuy không hình thành đường dây, tụ điểm lớn, nhưng diễn biến buôn lậu lại khá phức tạp, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng cấm.

Cuối năm 2010, Hải quan Tân Thanh phối hợp với Công an huyện Văn Lãng đã bắt giữ được 05 vụ, thu 4 bánh Hêrôin và 804 viên ma túy tổng hợp; bắt giữ 88,6 kg pháo các loại.

Đặc biệt, tại kho thu giữ hàng lậu của Hải quan Tân Thanh chất đầy các lại hàng cấm như: đồ chơi bạo lực, dùi cui điện, pháo, bình xịt hơi cay, dao kiếm các loại…

“Nếu những loại vũ khí này mà rơi vào tay các đối tượng xấu thì không biết những chuyện gì sẽ xảy ra,” ông Tiến trăn trở.

Hiện các lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường và các địa phương của tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường ứng trực 24/24 giờ kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn các đối tượng vượt biên qua biên giới, vận chuyển hàng trái phép.

Tuy nhiên, chống buôn lậu ở Lạng Sơn cứ như trò chơi đuổi bắt, buôn lậu tìm ra thủ đoạn mới thì các cơ quan chức năng lại phải chạy theo để chống.

Một cán bộ trong đội chống buôn lậu Lạng Sơn chia sẻ, “lấp” chỗ này thì lại phình chỗ khác và dân buôn lậu đang tận dụng mọi lối mòn để tuồn hàng vào nội địa nên có đem hết quân số cũng không đủ sức để chống lại buôn lậu.

Mặt khác, các đầu nậu luôn có một dàn “vệ tinh” hùng hậu, nắm nhất cử nhất động của lực lượng liên ngành và sẵn sàng xả thân chống lại lực lượng chức năng khi các đối tượng buôn lậu bị bắt hàng.

Không những vậy, các đầu nậu chính cũng không ra mặt nên khi bắt được hàng lậu cũng lắm chỉ có thể xử lý hành chính.

Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, Nguyễn Công Trưởng cũng rất trăn trở, theo ông công tác chống buôn lậu năm nay đã có những bước chuyển đáng kể so với năm 2009.

Nhưng do Lạng Sơn có đường biên giới rộng, nhiều đường mòn, đi lại dễ dàng nên công tác chống buôn lậu gặp rất nhiều khó khăn.

Hơn nữa, với nhiều tuyến đường sắt, đường bộ thuận lợi như thế này thì các đối tượng buôn lậu đang lợi dụng đưa hàng lậu vào Việt Nam.

Một điểm nữa mà ông Trưởng nhấn mạnh là hàng hóa Trung Quốc rất rẻ nên một khi hàng hóa sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thì “nước sẽ chảy chỗ trũng”.

Theo Đức Duy
Thông tấn xã Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG