Cảnh báo thảm họa ở 10 cầu khác

Hiện trường vụ tai nạn tại cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai)
Hiện trường vụ tai nạn tại cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai)
TP - Từ vụ tàu hoả đâm 6 ô tô liên hoàn ở cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngày mồng 4 Tết, Bộ GTVT vừa họp khẩn, yêu cầu rà soát lại các cây cầu dùng chung mặt đường giữa đường sắt và đường bộ.

> Phân tích hộp đen của tàu gây tai nạn ở Đồng Nai

Thực tế đáng lo ngại, bởi cả nước vẫn còn 10 cây cầu dùng lưu thông chung cho tàu hoả và các phương tiện khác như cầu Ghềnh. Thảm họa tương tự có thể xảy ra ở những cây cầu này bất cứ lúc nào.

Hiện trường vụ tai nạn tại cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai)
Hiện trường vụ tai nạn tại cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai) . Ảnh: Đức Minh

Khó ngăn cản vì không có quyền

Ngày 8-2, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ vừa chủ trì họp khẩn cấp cùng với lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam nhằm tìm hướng giải quyết vụ việc cũng như yêu cầu khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Bộ GTVT cũng yêu cầu rà soát lại những cây cầu dùng chung đường sắt và đường bộ trong cả nước.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vụ tai nạn chết người trên, Trưởng ban An toàn Giao thông Đường sắt (Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) Phạm Văn Bình nói: “Có điều bất cập là đường ngang và cầu chung (giữa đường sắt và đường bộ - PV) thuộc doanh nghiệp đường sắt được giao quản lý nhưng lại không có quyền xử phạt vi phạm hành chính hay cưỡng chế.

Thậm chí, nhân viên gác chắn tại đường ngang và cầu chung không ít lần bị người tham gia giao thông hành hung, bắt phải mở gác chắn để đi qua dù tàu hoả đang tới gần. Nhân viên gác chắn còn phải dùng cả khoá để khoá barie nhằm chặn dòng người lúc nào cũng chực đòi lao qua. Nếu không có công an hoặc thanh tra giao thông hỗ trợ thì coi như gác chắn, gác cầu thua”.

Ô tô, xe máy qua cầu Ghềnh chung mặt cầu với đường ray tàu hỏa là nguyên nhân chính xảy ra vụ tai nạn
Ô tô, xe máy qua cầu Ghềnh chung mặt cầu với đường ray tàu hỏa là nguyên nhân chính xảy ra vụ tai nạn . Ảnh: Đức Minh

Ông Bình cũng cho biết, những cây cầu chung như cầu Ghềnh được xây dựng cả trăm năm trước, có thiết kế nhỏ hẹp vốn chỉ dùng cho xe kéo tay, xe thồ nhỏ đi, nhưng đến nay nó phải gồng mình cõng dòng người, dòng xe đủ loại lớn nhỏ cùng 30 đến 40 chuyến tàu mỗi ngày.

Điều vô lý này vẫn diễn ra khi thống kê sơ bộ của Ban An toàn Giao thông Đường sắt cho thấy, cả nước hiện vẫn còn 10 cây cầu dùng chung mặt cầu để lưu thông đường sắt- đường bộ: Cầu Đồng Nai lớn hay còn gọi là cầu Ghềnh, cầu Đồng Nai nhỏ, cầu Tháp Chàm, cầu La Khê (Hà Tĩnh), cầu Đọi Xá (Hà Nam), cầu Tam Bạc (Hải Phòng), cầu Thị Cầu (Bắc Ninh), cầu Sông Thương (Bắc Giang), cầu Phố Lu (Lào Cai), cầu Ngòi Đường (Lào Cai).

Dùng chung đến bao giờ?

Trong 10 cầu chung mà ngành đường sắt thống kê ban đầu, tất cả đều quá quen thuộc trong các bản tin về an toàn giao thông trên nhiều báo.

Ngày 8-2, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam gửi văn bản kiến nghị lên Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT quan tâm xoá hết các loại cầu chung. Lý do: cầu chung nói chung và cầu Ghềnh nói riêng cơ bản không phù hợp với giao thông hiện tại của đất nước.

“Trong khi chưa xoá được cầu chung, đề nghị việc gác và điều hành giao thông qua cầu phải là lực lượng liên ngành gồm: CSGT, thanh tra giao thông và nhân viên đường sắt”.

Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho biết hỗ trợ gia đình có người bị chết 8 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng.

Do dùng chung nên giao thông một chiều và không ít chuyện dở khóc, dở cười vẫn diễn ra trên một số cây cầu này. Có nhiều trường hợp người tham gia giao thông phải vứt xe máy, xe đạp nhảy xuống sông ngay ở giữa cầu để tránh tàu hoả do họ bất chấp tín hiệu cảnh báo. Nhiều người đã từng đặt tên chung cho loại cầu này là cầu Dê, dựa theo chuyện 2 con dê qua một chiếc cầu.

Trong vụ tai nạn tại cầu Ghềnh, Phó Tổng GĐ Tổng Cty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Đạt Tường báo cáo lên Bộ GTVT: “Tại thời điểm xảy ra tai nạn, giao thông đường bộ trên cầu đang được điều hành chạy theo hướng Bắc Nam (có 5 ô tô đang ở trên cầu theo hướng này), bỗng nhiên có một taxi biển số 56K-8595 chạy hướng ngược chiều đi vào cầu nên xảy ra ách tắc. Lái xe của 2 xe ngược chiều còn xuống xe tranh cãi nhau, chỉ đến khi nhân viên gác cầu chung đến can thiệp thì lái xe taxi mới chịu lùi xe”. Tuy nhiên, khi xe taxi lùi ra được khỏi cầu thì tàu đến và hậu quả xảy ra như đã thấy.

Lòng cầu Ghềnh chỉ đủ cho tàu hỏa đi qua
Lòng cầu Ghềnh chỉ đủ cho tàu hỏa đi qua.

Vì sao những cây cầu chung già nua dễ gây họa lớn này bị lãng quên? “Đường sắt Việt Nam đã nhiều lần đề nghị thay thế nhưng Bộ GTVT chần chừ, còn các địa phương có cầu chung chưa cương quyết. Về nguyên tắc, đường sắt phải độc đạo”, Trưởng ban An toàn Giao thông Đường sắt Phạm Văn Bình nói.

Khi PV Tiền Phong nêu vấn đề này với Bộ GTVT, người phát ngôn Nguyễn Văn Công nói: “Việc tách cầu đường sắt khỏi đường bộ cần phải có thời gian và nguồn lực. Trong lúc nguồn lực dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, Chính phủ và Bộ GTVT phải cân đối nguồn lực để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết. Những cây cầu chung này tồn tại từ lâu và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cần phải đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt”.

Thiếu kinh phí xây cầu

Ông Hồ Văn Lộc, Chánh văn phòng UBND TP Biên Hoà: Theo quy hoạch, có 5 chiếc cầu sẽ được bắc qua sông Đồng Nai nối cù lao Phố với các nơi khác để phát triển cù lao Phố và giảm tải cho cầu Ghềnh. Tuy nhiên, các dự án chưa được thực hiện do thiếu kinh phí. Mới đây TP Biên Hoà đã xây dựng một cây cầu nối Biên Hoà với cù lao Phố, đây chỉ là dự án nhỏ không thuộc các dự án cầu theo quy hoạch trước.

Áp lực trên cầu Ghềnh quá lớn!

Ông Trương Minh Dưỡng nhân viên gác cầu chốt 1 cầu Rạch Cát (cầu Ghềnh): Từ nhiều năm nay cầu Ghềnh đã trở nên quá tải, nhất là vào giờ cao điểm vào mỗi buổi sáng, trưa chiều hằng ngày lượng người và xe đổ vào cầu quá nhiều thường xuyên gây nên tình trạng kẹt xe trong lòng cầu. Nhiều người tham gia giao thông khi đi vào cầu cũng thiếu ý thức chấp hành quy định khi qua cầu và không chấp hành hướng dẫn của nhân viên gác cầu cũng gây nên tình trạng ùn tắc xe trên cầu. Nhiều lần xảy ra kẹt xe trên cầu Ghềnh, nhân viên gác chắn chúng tôi phải ra hiệu lệnh dừng tàu, nhưng rồi đều bị lập biên bản, bị phạt và cắt thi đua.

Lỗi do nhân viên gác chắn

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, triệu tập lấy lời khai và phân tích hộp đen đầu tàu D19E-951 của đoàn tàu SE2, Công an tỉnh Đồng Nai ban đầu xác định nguyên nhân là do nhân viên gác chắn 3 và 4 không tuân thủ quy định điều khiển đèn tín hiệu, để ôtô cả hai đầu cầu cùng lưu thông vào lòng cầu gây ách tắc giao thông ở giữa cầu.

Đáng lẽ trước lúc xảy ra vụ tai nạn, xe ôtô taxi biển số 56K-9697 của hãng VinaSun lưu thông vào cầu hướng đi từ TPHCM qua TP Biên Hòa phải lùi lại để 5 xe ôtô qua cầu theo hướng ngược lại. Nhưng khi đoàn tàu SE2 sắp tới, các nhân viên gác chắn tại địa điểm hai đầu cầu đã không phát tín hiệu là chưa thông cầu và tàu không được phép vào cầu. Do không nhận được tín hiệu cảnh báo trên của nhân viên gác chắn, nên đoàn tàu đã lao tới và gây ra vụ tai nạn.

Kết quả phân tích hộp đen cho thấy, lúc xảy ra tai nạn đoàn tàu SE2 đang lưu thông với vận tốc 62 km/giờ. Khi đoàn tàu di chuyển cách đầu cầu phía nam khoảng 250m thì lái tàu đã nhấn phanh để hãm tàu. Song do khoảng cách quá gần, nên đoàn tàu vẫn trượt tới với vận tốc lớn và đâm vào 6 xe ôtô đang lưu thông trên cầu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG