Trần ai đường vào Nam

Hành khách bị nhồi nhét trên những chuyến xe khách vào Nam (ảnh chụp chiều 9-2)
Hành khách bị nhồi nhét trên những chuyến xe khách vào Nam (ảnh chụp chiều 9-2)
TP - Đến hẹn lại lên, thượng đế trên nhiều chuyến xe khách lại bị nhồi thịt trong hành trình vào Nam sau nghỉ Tết

 >> Ùn ùn đổ về Thủ đô sau Tết

Hành khách bị nhồi nhét trên những chuyến xe khách vào Nam (ảnh chụp chiều 9-2)
Hành khách bị nhồi nhét trên những chuyến xe khách vào Nam (ảnh chụp chiều 9-2). Ảnh: Nguyễn Huy

Lèn như cá hộp

Chiều 8 - 2 (mùng 6 Tết), chúng tôi có mặt tại ngã ba Phủ Lý (Hà Nam) để bắt đầu hành trình vào Nam. Nườm nượp xe khách nối đuôi nhau trên quốc lộ. “Chỉ vào Đà Nẵng thôi à, đón xe sau vậy nhé”, lơ xe và tài xế không mấy mặn mà đón khách đi những tuyến đường ngắn Đà Nẵng, Quảng Nam... Nhìn qua, hầu hết xe khách tuyến đường dài đều kín chỗ.

Chưa đầy chục mét tại ngã ba Phủ Lý, hàng chục người hành lý lỉnh kỉnh chờ xe trong sự mệt mỏi, vất vả. “Ba người trong nhà đã chờ cả tiếng đồng hồ để bắt xe vào Đắk Lắk nhưng chẳng xe nào chịu dừng. Nếu có thì cũng bị hét giá cao gấp 4 - 5 lần ngày thường nên không kham nổi. Đành chờ xe nào giá mềm mềm đi đỡ vậy”, chị Nguyễn Thị Mai (29 tuổi, quê Xuân Trường, Nam Định) bộc bạch cạnh chồng và con nhỏ.

Kế bên, ông Nguyễn Văn Đang (quê Đồng Văn, Hà Nam) nói: “Vừa có xe đồng ý chở vào Sài Gòn nhưng giá đắt khét, đến 700.000 - 800.000 đồng. Nhưng lên xe thì kín hết cả rồi, tôi đành phải xuống. Mình già cả đi lại khó lắm”.

Gần 20 giờ cùng ngày, xe khách BKS 90T - 3114 (nhà xe Huyên Thức) chạy tuyến Hà Nam - Sài Gòn tấp đến. “Xe mới chạy nên còn rộng chỗ lắm. Cứ lên ngồi thoải mái. Nói câu cho vuông, Đà Nẵng 400.000 đồng một vé”, lơ xe quả quyết.

Vừa bước lên xe, lơ xe đóng rầm cửa, đẩy chúng tôi vào băng ghế đầu tiên. Nhìn quanh các băng ghế đều kín chỗ, một số hành khách ngồi vạ vật, dựa mình mệt mỏi trên những chiếc ghế nhựa dọc lối đi trên xe.

Ngồi chưa ấm chỗ, nhà xe đổi giọng: “Hai ghế này họ đặt vé từ trước rồi, các chú xuống hàng ghế cuối ngồi cho mát nhé”. Thấy chúng tôi ngần ngừ, lái xe trợn trừng mắt, hùng hổ thốc hành lý xuống.
Đi thêm vài km, xe khách Huyên Thức 90T - 3114 nhồi nhét quá quy định gần chục người. Đường luồng xe hầu hết kín chỗ.

Gần chục người nằm, ngồi la liệt trong khoang cuối mấy mét vuông. Khu vực cửa lên xuống phía sau cũng được gia cố để 4 hành khách ngồi chen chúc, vạ vật. “Cứ như thế này không biết còn sức đi vào đến nơi nữa không”, mặt xanh xám, tái ngắt sau những trận nôn, chị Nguyễn Thị Hoa (Ninh Bình) than thở.

Hành khách bị nêm ở cửa lên xuống phía sau xe khách 90T - 3114
Hành khách bị nêm ở cửa lên xuống phía sau xe khách 90T - 3114 . Ảnh: Nguyễn Huy

Chiếc xe chợ nhồi nhét tiếp tục hành trình xuyên đêm qua các địa phận Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... mà không bị lực lượng CSGT địa phương nào kiểm tra, xử lý.

Gần trưa 9 - 2, xe qua địa phận Quảng Trị đến tỉnh Thừa Thiên - Huế, đoạn đường tránh TP Huế (xã Thủy Phương, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) mới bị tổ trực, Đội Tuần tra kiểm soát (TTKS) số 1, Phòng CSGT Thừa Thiên - Huế lập biên bản.

Trung tá Nguyễn Văn Anh, Tổ trưởng tổ trực, Đội TTKS số 1 cho hay: đơn vị tạm giữ giấy phép lái xe tài xế Tạ Văn Huyên (30 tuổi, ngụ Hà Nam), đồng thời xử lý hành chính (400.000 đồng/khách chở quá quy định) và yêu cầu nhà xe hạ tải số khách chở vượt.

Chạy ẩu

Theo Trung tá Lê Viết Phương, Đội trưởng Đội TTKS số 1, sau Tết, nhiều xe khách chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định... Không chỉ xe chợ, ngay cả một số xe chất lượng cao cũng có dấu hiệu nhồi nhét khách.

Theo thống kê tại Phòng CSGT, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, chỉ tính riêng 5 ngày sau Tết (từ 2 đến 7 - 2), đơn vị kiểm tra 437 phương tiện, lập biên bản 401 trường hợp vi phạm, trong đó gần 80 ô tô với 30 ca chạy quá tốc độ và chở quá số người quy định.

Ngày 6 - 2, lực lượng phòng CSGT Thừa Thiên - Huế, phát hiện xe khách BKS 53S - 5277 do tài xế Lâm Văn Lập (ngụ Ninh Bình) điều khiển tuyến từ Ninh Bình vào TP HCM chở quá quy định 57/46 khách.

Trung tá Đặng Hữu Tài, Trưởng trạm CSGT, Công an TP Đà Nẵng, cho biết: Thống kê gần một tuần cao điểm sau Tết, đơn vị kiểm tra, lập biên bản hơn 30 trường hợp xe khách vi phạm, trong đó chủ yếu lỗi chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định.

Nghệ An: Do nhu cầu đi lại của người dân sau Tết tăng đột biến nên nhiều nhà xe ở Nghệ An đã đội giá lên gấp 2, gấp 3 lần so với ngày thường. Giá xe từ Vinh đi Hà Nội là 300.000 đồng, giá xe đi các tỉnh miền Nam từ 1 – 1,2 triệu đồng/người.

Anh Trần Văn Hai ở huyện Nghi Lộc nói: “Hai vợ chồng tôi làm công nhân tại Bình Dương, 4 năm mới có điều kiện về quê ăn Tết, đồng lương công nhân ít ỏi nay giá xe lên cao nên phải vay tiền người thân để đi, sau vào làm gửi về trả sau”.

Mặc dù giá xe bị đẩy lên cao nhưng nhiều người vẫn chấp nhận để cho kịp thời gian làm việc. Chị Hoàng Thị Lan làm việc tại khu chế xuất Linh Trung (TPHCM) nói: “Giờ tôi không bận tâm đến giá cả nữa, làm sao cho bắt được xe để cho kịp vào Nam làm việc. Vậy mà đứng mãi từ sáng tới giờ (16h) rồi mà vẫn chưa bắt được xe”.

TPHCM: 5 giờ sáng 9-2, một chiếc xe khách với dòng chữ Chạy suốt Bắc - Nam, Nam Định - Sài Gòn đang chạy với tốc độ cao bỗng phanh kít và vội vã tấp vào lề đường gần khu du lịch Suối Tiên (TPHCM). Cả chục con người nhốn nháo lao xuống xe. Lơ xe và lái phụ cuống cuồng lấy hành lý xuống cho khách trong khi một số khách nữ nôn thốc nôn tháo bên vệ đường. Tài xế liên tục giục: “Nhanh lên không bị phạt chết bây giờ”.

Chị Lê Thị Phụng, công nhân khu công nghiệp Tân Bình, nói: “Em bắt xe khách ở quốc lộ 1A đoạn qua huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Hơn 24 tiếng đồng hồ ngồi chật cứng trên xe, nhiều lúc mỏi quá muốn xoay người cũng không được, giờ toàn thân đau ê ẩm.

Cũng chịu bầm dập gần 30 tiếng trên xe, anh Phạm Văn Thọ (quê Yên Định, Thanh Hóa), công nhân khu chế xuất Linh Trung, cho biết, vì không mua được vé xe chất lượng cao nên đành phải ra quốc lộ đón xe khách, giá cũng ngang ngửa nhau nhưng chất lượng thì một trời một vực.

“Nhà xe liên tục bắt trả khách trên đường, đến Quảng Trị thì xe chật cứng không nhét thêm được một người nào nữa. Tôi phải ngồi bó gối cả 1 ngày 1 đêm mới đến được Sài Gòn. Cũng may là từ Quảng Trị xe chạy thẳng một mạch, chứ nhìn trên đường thấy có nhiều khách lục tục từ xe này bị bán qua xe khác mà rùng mình”.

Hà Nội: Giật túi xách, lôi kéo và phát giá chỉ bằng 1/2 giá thu thực tế là những chiêu mà cò đang lôi kéo khách tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội) những ngày đầu năm.

Một số người vì ngại vào bến mua vé và thấy giá cả cò nói không cao hơn so với giá vé trong bến nên ra thẳng xe đi luôn. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi bến xe, nhiều hành khách bị nhà xe thu với giá cao hơn giá thực tế 50 - 70%.

“Trước khi lên xe tôi đã hỏi kỹ giá và được các phụ xe cho biết vẫn như cũ là 60.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi ra khỏi bến xe, tôi bị nhà xe thu 90.000 đồng”, chị Trịnh Thị Tuyết (phường Cửa Nam, Hoàn Kiếm) đi về Thanh Hóa chiều qua nói.

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại bến xe Giáp Bát chiều qua, thay vì bắt khách ở trong bến, một số xe chạy tuyến Thanh Hóa, Nam Định chạy ra cổng đứng nhờ các cò bắt khách. Bến xe Giáp Bát có 2 - 3 đội cò chuyên bắt khách thuê cho các xe.

Có nơi vắng khách

Tại một số bến xe ở TT-Huế và Đà Nẵng, PV không thấy tình trạng chen lấn, chờ đợi. Theo một số tài xế và người quản lý bến xe, đó có thể là do đặc thù của địa phương.

TT-Huế : Từ mùng 1 Tết Tân Mão (3-2) đến hôm qua (9-2), lượng hành khách từ TT- Huế trở lại miền Nam không tăng nhiều.

Ghi nhận của phóng viên, trong ngày 9-2, lượng khách mua vé qua Bến xe phía nam Huế không tăng nhiều hơn so ngày thường. Tình trạng khách bị ùn ứ, vật vạ tại bến đã không xảy ra. Hành khách dễ dàng mua vé ở bến và có thể lên xe xuất hành ngay sau đó.

Theo ông Phạm Xuân Sơn, Trưởng bến xe khách phía nam Huế, bến xe phía nam Huế vẫn còn hơn 20 xe chất lượng cao dự phòng cho trường hợp khách vào Nam tăng đột biến từ ngày mùng 8 đến 16 Tết.

Theo lý giải của nhiều chủ bến và nhà xe, khách ở TT- Huế vào Nam chưa tăng, chủ yếu do sinh viên nhập học muộn, nhiều hành khách tự góp tiền thuê nguyên cả xe khách để đi, chọn phương tiện khác, hoặc đợi sau mùng 10 Tết mới xuất hành làm ăn...

Đà Nẵng: Xe nhồi nhét giảm mạnh vì… các Cty sợ thiếu lao động. Ghi nhận của PV Tiền Phong về tình hình xe khách chạy vào Nam ngày 9-2 trên QL 1A cung đoạn Đà Nẵng cho thấy dù là ngày cao điểm, nhưng tình hình bớt căng thẳng hơn các năm trước.

Một số tài xế nói rằng, nhiều công nhân làm việc ở miền Nam khi về quê ăn Tết được xe của Cty hợp đồng đưa đón tận nhà. Anh Lê Tài, tài xế xe chạy tuyến Nghệ An - Sài Gòn, nói: “Các Cty họ sợ lao động bỏ việc nên trong năm thì cho xe chở ra tận nhà, ra năm lại đón tận nơi. Thế nên tụi tui đói. Tết đến giờ chạy được 2 chuyến, chẳng có chuyến nào nhồi khách cả. Vì có đâu mà nhồi”.

Thống kê của các trạm CSGT Kim Liên, trạm cửa ô Hòa Nhơn và trạm cửa ô Hòa Phước cho thấy, từ ngày 5-2 (tức mồng 3 Tết) đến nay, lực lượng CSGT của 3 đơn vị xử phạt 25 trường hợp ô tô khách lưu thông hướng Bắc - Nam vi phạm lỗi chở quá số người quy định từ 1 - 6 người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG