Có đưa 'cụ Rùa' lên bờ?

Cụ Rùa với vết thương ở cổ khó nhọc bơi nghiêng trên mặt hồ trong những ngày gần đây
Cụ Rùa với vết thương ở cổ khó nhọc bơi nghiêng trên mặt hồ trong những ngày gần đây
TP - Với lần cụ Rùa nổi lên mới nhất lúc chiều 17-2, cùng ngày UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm, dư luận càng sốt ruột trước câu hỏi “Có đưa cụ Rùa lên bờ hay không?”.

> Các bài viết về cụ Rùa hồ Gươm

Cụ Rùa với vết thương ở cổ khó nhọc bơi nghiêng trên mặt hồ trong những ngày gần đây
Cụ Rùa với vết thương ở cổ khó nhọc bơi nghiêng trên mặt hồ trong những ngày gần đây . Ảnh: Vũ Long

Hội thảo ngày 15-2 về bảo vệ Rùa Hồ Gươm là một trong những hội tụ lớn nhất các nhà khoa học liên quan đến cụ Rùa.

Nhà động vật học Vũ Ngọc Thành ở Bảo tàng Sinh vật, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho rằng, những gì cơ quan quản lý muốn biết thì đã có đủ và giờ chỉ còn chờ quyết định dứt khoát cuối cùng từ phía UBND TP Hà Nội mà “không cần cuộc tham khảo khoa học nào nữa”.

" Tôi muốn nhấn mạnh, Rùa Hoàn Kiếm là một động vật như bất kỳ động vật nào khác, tuổi thọ là hữu hạn. Bởi vậy, điều chúng tôi quan tâm hơn cả là chúng ta có thể làm gì để bảo tồn giống nòi cho cá thể này và cho các loài rùa đặc hữu ở Việt Nam nói chung." - Nhà báo Hà Hồng, người sở hữu trang web về cụ Rùa

Phóng viên Tiền Phong đã đăng ký làm việc theo đúng thủ tục với TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội, để tìm câu trả lời. Rất tiếc mọi liên lạc đều không thành.

Khách quan mà nói, những việc làm gấp rút của TP Hà Nội thời gian gần đây, sau sự kiện cụ Rùa bò lên bờ, mình mẩy đầy vết thương, được nhiều người đánh giá cao.

Chiều qua, Timothy McCormack, điều phối viên Chương trình Rùa Châu Á (ATP), chia sẻ với Tiền Phong: “Các cuộc thảo luận tiếp tục diễn ra sau hội thảo 15-2 và các ban ngành được giao nhiệm vụ với kế hoạch hành động rõ ràng. Công việc đang được tiến hành cẩn thận và tôi nghĩ UBND TP Hà Nội đang tiếp cận vấn đề ở mức tốt nhất có thể để giải quyết tình hình hiện tại. Họ đang xử lý vấn đề với mức độ khẩn trương cao nhất”.

Dù thế, vẫn chưa thấy kế hoạch cụ thể cứu cụ Rùa. Ngày 17-2, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 807/QĐ-UBND thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hồ Gươm với chín thành viên, trong đó Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi là Trưởng ban chỉ đạo.

Các sở, ban, ngành, đúng như Timothy nhận xét, được phân công nhiệm vụ cụ thể song cũng chỉ gói gọn trong nhóm công việc can thiệp đến cảnh quan hồ Hoàn Kiếm mà thôi.

Điều dư luận mong chờ nhất là cách can thiệp cụ Rùa như thế nào, đưa lên bờ chữa trị hay chữa dưới hồ? Không rõ vì sao, câu hỏi ấy vẫn chưa thấy đề cập trong cuộc họp tối 16-2 và Quyết định 807 ngày 17-2.

Kết luận của TS Lê Xuân Rao tại hội thảo ngày 15-2 có nhấn mạnh nhiều nhà khoa học trong nước đều đồng tình phương án đưa cụ Rùa lên bờ chữa trị. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của hội thảo là không ai đưa ra được bằng chứng xác đáng về tình trạng sức khỏe thực sự cũng như các dữ liệu khoa học về chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm. Bởi thế, cơ quan quản lý khó có thể chọn ngay phương án nào.

Cụ Rùa với nhiều vết thương trên cơ thể
Cụ Rùa với nhiều vết thương trên cơ thể. Ảnh: Xuân Phú

“Đúng là cần có thời gian để thẩm định các tình huống cụ thể nhưng không thể kéo dài mãi được”, nhà khoa học Vũ Ngọc Thành lưu ý.

Để góp phần giúp lãnh đạo TP Hà Nội sớm có quyết sách, chúng tôi xin trích dẫn các ý kiến mới nhất thu thập được chiều qua (18-2), về hai phương án cứu cụ Rùa:

Cải thiện ngay môi trường sống

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khánh An Trang KAT, có 14 năm nuôi rùa: Việc cần làm ngay là làm bãi cát ở quanh Tháp Rùa để cụ Rùa lên phơi nắng, giúp vết thương trên mình cụ sớm khô lại. “Nếu không làm bãi cát, trong khi chưa có biện pháp nào chữa trị cho cụ Rùa, những vết thương trên mình cụ sẽ khiến cụ chết” - ông Khôi cảnh báo.

Ông Nguyễn Viết Để, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, cho rằng bên cạnh nạo vét, dọn dẹp đáy hồ, nên dùng chế phẩm sinh học để làm lượng tảo độc giảm đi, giúp nước hồ sớm sạch hơn.

GS-TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cũng mong sớm bổ sung nước: “Vết thương trên mình cụ Rùa có lẽ do nước cạn quá, cụ Rùa bơi qua bơi lại va phải ống nước, vật cản dẫn đến bị thương”, Timothy bổ sung: “Cải thiện ngay chất lượng nước còn giúp giảm stress và tác động ngay đến sức khỏe cụ Rùa”.

Đưa lên bờ?

Đây tiếp tục là vấn đề chưa có sự thống nhất. GS-TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, vẫn giữ quan điểm đưa cụ Rùa lên bờ chữa trị: “Nhưng phải cẩn thận. Chúng ta cần thống nhất quyết định xử lý vết thương ở cổ và các xây xát ở viền mai cho cụ. Để thực hiện việc này, cần làm như bất cứ bệnh nhân hay động vật nuôi nào”.

Song các ý kiến không đưa cụ Rùa lên bờ có vẻ cũng khá quyết liệt. Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khánh An Trang KAT, kiên quyết không đồng tình phương án đưa cụ Rùa lên bờ để chữa trị vì nếu làm không cẩn thận “sẽ làm vỡ mật, vỡ gan cụ Rùa ngay”.

Thay vì đưa cụ lên bờ, ông đề nghị, ngoài việc làm bãi cát cho cụ lên phơi nắng, nên mua bể bơi thông minh của Trung Quốc rồi đặt ngay dưới Hồ Gươm. Sau đó dùng lưới kéo cụ vào cạnh bể rồi từ từ khênh lên cho cụ trườn vào bể bơi thông minh, rồi hút nước ô nhiễm trong bể ra và thay nước sạch.

Ông Nguyễn Viết Để cũng e ngại “đưa cụ ra vị trí khác để chữa trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn và có thể gây stress cho cụ”.

Nhà khoa học Vũ Ngọc Thành cho rằng, để phá vỡ tình thế lưỡng nan trong việc lựa chọn phương án đưa hay không đưa cụ Rùa lên bờ, cách tốt nhất là hãy để nhà thú y quyết định. “Một trong những chuyên gia cần tham khảo ngay là TS Nimal Fernando ở Ocean Park, Hồng Kông (Trung Quốc) người vừa khảo sát hiện trạng hồ Hoàn Kiếm”, ông Thành nói.

Ý kiến người dân

Sau khi Tiền Phong đăng bài Nấm độc tấn công cụ Rùa (15-2), Sẽ đưa cụ Rùa lên bờ chữa bệnh (16-2) và Đưa chuyện cụ Rùa ra quốc tế (17-2), tòa soạn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người dân xung quanh vấn đề này.

Cách đây hơn nửa năm, tần suất cụ nổi lên nhiều chỉ vì cụ khó thở do thiếu ôxy và giảm sức khỏe. Nhưng nhiều người lại gán ghép cho các phép mầu nhiệm và linh thiêng nào đó để lý giải hiện tượng cụ Rùa nổi. Rồi lại hội thảo nọ, hội thảo kia bàn về cụ. Theo tôi, các cơ quan chức năng, nhà khoa học thay vì bàn luận nhiều hãy nhanh tay cứu cụ. Nguyễn Công (Nguyencong1@hotmail.com)

Cụ Rùa còn hơn cả một tài sản quốc gia. Người dân Việt Nam đều biết cụ có vai trò như thế nào trong đời sống của họ. Xin các cơ quan chức năng có trách nhiệm hãy nhanh lên! Võ Xuân Vinh(voxvinh@yahoo.com)

Tại sao lại chậm trễ như vậy? Những việc cần thiết và khẩn cấp thì phải làm ngay chứ! Đề nghị chữa bệnh khẩn cấp cho cụ Rùa!  Tùng (tung_l@yahoo.com)

Tình trạng sức khỏe của cụ báo động lắm rồi. Cứ bàn mãi mà không hành động, không khéo cụ đi mất.
Đỗ Hồng Hà (hongha@gmail.com)

Thu Hòe
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.