Kiếp nạn ở xứ người - kỳ 2

Thay vì lái xe, làm thợ hàn, thợ xây, các lao động bị bắt đi dọn, hốt rác
Thay vì lái xe, làm thợ hàn, thợ xây, các lao động bị bắt đi dọn, hốt rác
TP - Trong một thời gian dài, người lao động lâm vào tình cảnh ăn ở vạ vật, bị Cty môi giới Ảrập Xê-út bán đi bán lại nhiều lần và phải làm nhiều việc nặng nhọc nhưng các Cty môi giới phía Việt Nam không có biện pháp can thiệp khiến họ trắng tay về nước.
Thay vì lái xe, làm thợ hàn, thợ xây, các lao động bị bắt đi dọn, hốt rác
Thay vì lái xe, làm thợ hàn, thợ xây, các lao động bị bắt đi dọn, hốt rác.

Lao động bị bỏ rơi

Như đã phản ánh, điều khiến nhiều lao động bức xúc là cho đến thời điểm trước khi họ được mua vé máy bay về nước, tuyệt nhiên không có sự can thiệp hay giúp đỡ nào từ phía các Cty môi giới Việt Nam. Vì không được chủ trả lương, các lao động quyết định nghỉ việc.

“Sau nhiều lần kêu gào, chúng tôi được Cty Nuzha mời lên văn phòng làm việc. Sau đó, họ cử nhân viên đi khám đồ từng người, thu hết điện thoại, ví...”, anh Phạm Văn Hùng (Hưng Hà, Thái Bình) nhớ lại.

Anh Hùng cho biết, nhân viên Cty Nuzha không chỉ khám và giữ đồ của lao động Việt Nam mà còn khám và giữ đồ của lao động Philippines. Bức xúc, các lao động Philippines đã báo vụ việc lên Đại sứ quán của họ tại Ảrập Xê-út. Sau đó, Đại sứ quán Philippines tại Ảrập Xê-út đã nhờ cảnh sát đến can thiệp.

“May được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Philippines tại Ảrập Xê-út và cảnh sát can thiệp, Cty Nuzha mới mua vé máy bay cho các lao động Việt Nam về nước” - Anh Hùng cho biết.

Không chỉ riêng Hùng mà 12 lao động khác ký hợp đồng trực tiếp với Cty Nhân lực và Thương mại Quốc tế - INTRACO (thuộc Tổng Cty Vận tải thủy, Bộ GTVT) sang Ảrập Xê-út làm thợ hàn, thợ xây, lái xe cũng đều rời Ảrập Xê-út trong tình trạng trắng tay.

Trong khi đó, theo hợp đồng ký kết, họ làm việc 10 tiếng và được nhận mức lương 1.200 SR/tháng (khoảng 5-6 triệu đồng/tháng) và được chủ sử dụng cung cấp miễn phí chỗ ở và trả thêm 200 SR tiền ăn/người/tháng.

Tuy nhiên, sau nhiều lần bị bán đi bán lại cho các Cty và phải làm nhiều công việc khác nhau, họ không hề được chủ trả lương cũng như hỗ trợ tiền ăn; trong khi chỗ ở lại rất tạm bợ, chật chội (như kỳ trước đã phản ánh). Không chỉ có 13 lao động do INTRACO đưa đi mà 11 lao động của Cty TNHH một thành viên Dịch vụ và Thương mại VCCI - TSC cùng lao động của các Cty còn lại đều rơi vào tình cảnh tương tự.

Các Cty thừa nhận vi phạm hợp đồng

Lý giải về việc người lao động không được trả lương và bị chủ sử dụng chèn ép trong thời gian dài nhưng không được Cty môi giới Việt Nam bảo vệ, ông Nguyễn Văn Lợi - Giám đốc chi nhánh Hà Nội và Nghệ An của Cty TSC (đơn vị có 11 lao động) thừa nhận đã vi phạm hợp đồng với người lao động.

Theo ông Lợi, sở dĩ người lao động không có việc làm là vì chủ sử dụng không có khả năng duy trì dự án. Ông Lợi cũng thừa nhận, đây là đơn hàng đầu tiên Cty TSC đưa lao động sang Ảrập Xê-út và ngay lập tức xảy ra sự cố ngoài ý muốn. “Vì sự cố này, Cty TSC sau đó đã định dừng không đưa lao động sang thị trường này nữa”, ông Lợi nói.

Trả lời câu hỏi vì sao sự cố xảy ra trong một thời gian dài mà Cty không có biện pháp để giải quyết? Ông Lợi lý giải, việc xin visa gặp khó và phải đợi trong thời gian dài nên không sang được Ảrập Xê-út để sớm xử lý. “Trước vụ việc, 7 Cty đã nhóm họp (vì cùng chung đơn hàng) và cử tôi làm đại diện sang Ảrập Xê-út giải quyết thì lúc đó người lao động đã được phía Cty môi giới mua vé máy bay về nước”, ông Lợi cho biết.

Về việc Cty TSC có bán lại đơn hàng cho các Cty còn lại hay không, ông Lợi khẳng định là không có chuyện đó và các Cty đều ký trực tiếp hợp đồng với người lao động vì có chức năng giống nhau (đưa người đi làm việc ở nước ngoài - PV).

Ông Lợi cũng cho biết, trước khi đưa lao động sang Ảrập Xê-út, đơn hàng đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thẩm định.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hán- Phó Tổng GĐ Cty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Cát (đơn vị có 4 lao động), lại cho PV Tiền Phong biết, số lao động này là do Cty TSC chia sẻ từ đơn hàng ký với đối tác Ảrập Xê-út. Ông Hán còn nói rằng “chắc đơn hàng được thẩm định thì Cty mới dám đưa lao động đi”. Theo ông Hán, sở dĩ lao động phải về nước trước thời hạn là do phía chủ sử dụng lao động bị phá sản.

Ông Nguyễn Trung Trực - đại diện Cty Nhân lực và Thương mại Quốc tế - INTRACO, thuộc Tổng Cty Vận tải thủy (Bộ GTVT) cũng thừa nhận 13 lao động họ đưa về nước trước thời hạn là do chủ sử dụng phía Ảrập Xê-út không bố trí được việc làm.

“Khi còn làm ở INTRACO, tôi được giao thanh lý hợp đồng với 13 lao động nên không biết việc ký kết hợp đồng với lao động từ trước đó thế nào. Còn việc đưa lao động sang Ảrập Xê-út là quyết định chung của Cty, nội tình thế nào không biết” - Ông Trực nói.

Được biết, sau khi 42 lao động về nước, họ vẫn không được các Cty mời lên để thanh lý hợp đồng. Đến khi người lao động gửi đơn tố cáo lên Bộ LĐ-TB&XH, lúc đó, các Cty mới mời đến làm việc nhưng khi đưa ra phương án giải quyết, nhiều lao động đã không chấp thuận.

Đến thời điểm này, trong số 42 lao động, một số người đã được các Cty trả lại tiền. Cty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Cát đã trả lại tiền cho 4 lao động (Phạm Văn Đô, Đinh Hải Lương, Nguyễn Văn Trọng, Vương Đình Quyền).

Cty GMAS cũng đã trả lại tiền cho 4 lao động. Riêng Cty TSC, mặc dù ông Nguyễn Văn Lợi cho biết đã thanh lý hợp đồng với 11 lao động nhưng nhiều người vẫn chưa nhận được tiền. Với 13 lao động của Cty INTRACO, do mức đền bù thiệt hại thấp nên nhiều lao động cũng chưa nhận tiền.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG