Dè xẻn từng can nước ngọt

Bán dạo từng can nước ngọt tại quận 7, TP HCM. Ảnh: Đặng Trinh
Bán dạo từng can nước ngọt tại quận 7, TP HCM. Ảnh: Đặng Trinh
TP - Viện Kỹ thuật Tài nguyên nước và Môi trường (KTTNMT), cảnh báo xâm nhập mặn đầu năm 2011 cao gần gấp đôi và diễn ra sớm hơn gần một tháng so với trung bình nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của TPHCM.

> Biển đang 'nuốt' dần nhiều khu du lịch

Bán dạo từng can nước ngọt tại quận 7, TP HCM. Ảnh: Đặng Trinh
Bán dạo từng can nước ngọt tại quận 7, TP HCM. Ảnh: Đặng Trinh.

Nguy cơ ngừng hoạt động

Nhà máy nước Tân Hiệp cung cấp mỗi ngày 300 nghìn m3 nước sạch cho người dân TPHCM. Theo lãnh đạo nhà máy, cuối tháng 2-2011, có lúc độ mặn trên sông Sài Gòn tại khu vực lấy nước thô của trạm bơm Hòa Phú (huyện Củ Chi) vượt quá ngưỡng cho phép (0,25g/lít).

Để cứu nguy cho nhà máy nước Tân Hiệp, cuối tháng 1-2011, Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng đã phải xả hàng chục triệu m3 nước từ hồ Dầu Tiếng tạm thời đẩy mặn về hạ lưu.

Tuy nhiên, theo Viện KTTNMT, mấy ngày qua gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh đã làm tăng nhanh tốc độ xâm nhập mặn. Trên sông Sài Gòn, ranh mặn 4-5 phần nghìn đã xuất hiện quanh phà Thủ Thiêm và chuyển dần về Lái Thiêu (Bình Dương).

Trước tình hình này, từ ngày 13 đến 20-2, Công ty Dầu Tiếng phải tiếp tục xả nước cứu Nhà máy nước Tân Hiệp, dù nước hồ Dầu Tiếng năm nay không dồi dào. Do phải liên tục xả nước đẩy mặn và phục vụ tưới tiêu, mỗi ngày mực nước trong hồ hạ 4-5cm và hiện đã gần mực nước chết, trong khi mùa khô còn kéo dài đến tháng 7.

Hai nhà máy nước Thủ Đức và BOO Thủ Đức lấy nước thô từ sông Đồng Nai còn nguy cấp hơn bởi không có cơ chế xả nước đẩy mặn. Những ngày qua, độ mặn tại các điểm lấy nước thô tăng nhanh khiến lãnh đạo hai nhà máy nơm nớp lo. Cụ thể: ranh mặn 5 phần nghìn hiện đã vượt qua phà Cát Lái.

Tại Long Đại (sông Đồng Nai), độ mặn đã lên đến 1-2 phần nghìn. Nếu độ mặn nguồn nước thô trên sông Đồng Nai vượt quá 0,25g/lít, hai nhà máy nước có thể phải tạm ngừng hoạt động.

Mua nước ở quận Nhà Bè Ảnh: CTV
Mua nước ở quận Nhà Bè. Ảnh: CTV.

Dè xẻn từng mét khối nước

Chỉ vườn sầu riêng gần 7 sào, ông Hai Ruộng (thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, Bình Dương) nói: Lấy nước dưới kênh, sau khi tưới, cây không xanh mà còn có hiện tượng héo rũ lá. Mấy hôm nay tôi phải liên tục bơm nước từ dưới giếng để cứu vườn cây.

Không chỉ đe dọa nguồn nước sinh hoạt, xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến gần 100 nghìn ha đất nông nghiệp của nông dân hai tỉnh TPHCM và Tây Ninh. Làm việc với lãnh đạo Công ty Dầu Tiếng mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín lưu ý: Nguồn nước hồ Dầu Tiếng có vai trò quan trọng đối với khu vực và TPHCM. Tiết kiệm nước là nhiệm vụ hàng đầu trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khan hiếm.

Theo ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, mưa ít, thiếu nước, xâm nhập mặn và nhu cầu sử dụng tăng cao khiến nước sạch ngày càng thiếu thốn. Do đó, từ cuối tháng 1-2011, Công ty Dầu Tiếng thực hiện giải pháp tưới luân phiên.

Mỗi tuần, hồ Dầu Tiếng cung cấp nước 3 ngày cho TPHCM qua kênh Đông và 4 ngày qua kênh Tây đưa nước phục vụ nông dân Tây Ninh. Nước thay vì tiêu thoát kênh sẽ được giữ lại trong kênh.

Ngoài ra, cơ quan chức năng hướng dẫn bà con trồng các loại cây ít sử dụng nước, đăng ký nhu cầu sử dụng nước, tu sửa, nâng cấp hệ thống kênh mương, nạo vét kênh nội đồng với tổng chiều dài trên 700km. Nhờ đó, Công ty đảm bảo đủ nước tưới vụ đông xuân đến ngày 31-3 và nhu cầu sử dụng nước vụ hè thu 2011.

Áp dụng giải pháp tưới luân phiên, hai tháng qua hồ tiết kiệm được trên 60 triệu m3 nước nên trước mắt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong khu vực vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, không chỉ cung cấp nước, hồ Dầu Tiếng còn phải xả nước đẩy mặn, ô nhiễm trên sông Sài Gòn. Với lượng nước ít ỏi còn lại sẽ khó đảm bảo cho việc vừa đẩy mặn vừa phục vụ tưới tiêu nếu không sử dụng tiết kiệm, hợp lý.

Theo báo cáo của Viện Kỹ thuật Tài nguyên nước và Môi trường, tính đến giữa tháng 2-2011, ranh mặn 10 phần nghìn đã qua vùng mũi Nhà Bè, khống chế vùng phía Đông Nam thành phố.

Khu vực Bình Chánh, ranh mặn 10 phần nghìn đã ảnh hưởng đến khu vực cầu Ông Thìn vào sâu vùng phía Nam huyện Bình Chánh. Cao điểm sẽ diễn ra vào tháng 3, 4 tới. Nước mặn xâm nhập có khả năng đạt ngưỡng cho phép (0,25g/lít) vào tháng 5-2011. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG