Nhận toàn bộ lao động từ Libya vào làm việc

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa cho lao động sau khi xuống máy bay, sáng qua Ảnh: Đình Thắng
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa cho lao động sau khi xuống máy bay, sáng qua Ảnh: Đình Thắng
TP - Chuyến bay cuối cùng bằng cầu hàng không của Vietnam Airlines mang theo 209 lao động đã đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 7giờ 50 hôm qua. Việt Nam là nước đầu tiên đưa hết công dân ra khỏi Libya. Trong khi đó, một doanh nghiệp trong nước nhận giải quyết việc làm cho toàn bộ số lao động này.

>> Toàn bộ lao động Việt Nam ở Libya đã về nước

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa cho lao động sau khi xuống máy bay, sáng qua Ảnh: Đình Thắng
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa cho lao động sau khi
xuống máy bay, sáng qua. Ảnh: Đình Thắng.

An toàn

Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, Ban chỉ đạo giải quyết tình hình lao động Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi đã có cuộc họp báo ngay tại sân bay.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đây là chuyến bay thứ 10 và cũng là chuyến bay cuối cùng trong chiến dịch lập cầu hàng không giải cứu lao động Việt Nam khỏi lãnh thổ Libya về nước. Đây cũng là chiến dịch giải cứu lao động lớn nhất từ trước đến nay. Đoàn công tác tiền phương sang Tunisia giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Libya cũng đã trở về trên chuyến bay này.

Còn khoảng 1.700 lao động đang trên đường về nước bằng đường thủy. Dự kiến, số lao động này sẽ về đến cảng Hải Phòng vào ngày 21-3 tới. Ngoài ra, còn 292 lao động Việt Nam đã sang Algeria và 67 lao động tại Ai Cập đang được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hứa sẽ đưa về nước.

Theo ông Đoàn Xuân Hưng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Trưởng ban công tác tiền phương cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên hoàn thành việc giải cứu công dân Việt Nam tại Libya và đưa họ về nước an toàn.

Được ưu tiên xuất ngoại trong năm 2011

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sẽ căn cứ tình hình thực tế để lên phương án hỗ trợ cho lao động. Trước mắt, những lao động từ Libya về nước được Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước và doanh nghiệp trợ giúp 1 triệu đồng để lao động có tiền về quê.

Bộ cũng chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng các doanh nghiệp đưa lao động làm việc ở Libya căn cứ vào hợp đồng thực tế để đánh giá và có chính sách đối với lao động. Bên cạnh đó, Bộ có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ lao động, không để lao động quá thiệt thòi sau khi về nước, nhất là lao động tại các huyện nghèo.

Về lâu dài, người lao động sẽ được khoanh nợ, giãn nợ khoản vay khi đi Libya, đồng thời phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho người lao động được vay thêm (nếu cần) khi chuyển sang thị trường lao động mới. Đặc biệt, trong năm nay, việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ ưu tiên cho lao động vừa từ Libya trở về.

Nhận toàn bộ lao động vào làm

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ngoài hai đơn vị là Cienco5 và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) tài trợ tiền và hứa nhận một phần lao động trở về từ Libya, ngày 8-3, Tập đoàn Khang Thông - chủ đầu tư dự án Happyland tại Long An đã đồng ý nhận toàn bộ 10 nghìn lao động Việt Nam vừa trở về từ Libya.

Khi làm việc cho Happyland, lao động sẽ được chủ dự án bảo lãnh cả khoản vay nợ từ ngân hàng để họ yên tâm làm việc (lao động từ Libya về nước chủ yếu làm xây dựng - PV).

“Chúng tôi sẽ phổ biến cho tất cả lao động vừa trở về từ Libya được biết và có trách nhiệm giới thiệu cho chủ lao động. Những lao động có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước để biết thêm thông tin. Còn ai không muốn làm việc cho dự án này thì sẽ được tạo điều kiện để đi thị trường khác làm việc” - Bộ trưởng Ngân khẳng định.

Theo bà Ngân, Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp lên kế hoạch thanh lý hợp đồng cụ thể cho từng lao động. Đồng thời, yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước lên chương trình, thống kê về nhu cầu việc làm của lao động, để có phương án hỗ trợ.

Ông Đoàn Xuân Hưng khẳng định: Hiện, toàn bộ lao động do Cục Quản lý lao động ngoài nước quản lý đã về nước an toàn. Tuy nhiên, có thể vẫn có một bộ phận lao động đi trái phép và những công dân Việt Nam di cư theo các đường khác vẫn còn kẹt lại Libya.

Do vậy, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Libya và các nước Trung Đông tiếp tục theo dõi sát tình hình báo cáo với Ban chỉ đạo để có phương án xử lý kịp thời.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đến thời điểm này đã đưa 8.728 lao động ở Libya về nước. Trong đó, có 3.200 lao động được về bằng nguồn ngân sách nhà nước; hơn 5.000 lao động còn lại là do các đối tác lao động và các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đưa 4 nữ sinh Việt Nam đang học tại thủ đô Tripoli và giúp 20 sinh viên của nước bạn Lào về nước an toàn.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG