Có điện mà không phát được

Có điện mà không phát được
TP - Trong khi cả nước đang đối mặt nguy cơ thiếu điện gay gắt trong mùa khô này thì một nghịch lý đã dự báo trước vẫn xảy ra ở Kon Tum: Nhiều nhà máy thủy điện nhỏ không thể chạy hết công suất hoặc bị đầu tư cầm chừng vì… không thể truyền tải lên lưới điện quốc gia.

>> Kon Tum: Cháy hơn 220 ha rừng

Một công trình thủy điện ở Kon Tum Ảnh: PV
Một công trình thủy điện ở Kon Tum. Ảnh: PV.

Đến cuối năm 2010, tỉnh Kon Tum có 9 nhà máy thủy điện hoạt động với tổng công suất 180MW như PleiKrông 2 tổ máy, công suất 50MW/tổ, thủy điện Đăk Psi 3 và 4 tổng công suất 45MW, thủy điện Đăk Ne 8,1MW...

Bên cạnh đó, Kon Tum còn 14 công trình thủy điện đang trong giai đoạn xây dựng, sẽ hoàn thành trong năm 2011 và 2012 với tổng công suất 165 MW. Thế nhưng đường dây truyền tải điện của Kon Tum hiện chỉ có loại 110KV và các đường điện hạ thế.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Kon Tum, với khả năng truyền tải này, chỉ cần Nhà máy thủy điện Pleikrông phát hết công suất thì các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ khác coi như phải... cầm chừng, không có chỗ tải lên.

Đấy là chưa kể hiện nay, nhiều nhà máy thủy điện đang xây dựng sắp đi vào hoàn thành ở huyện Đăk Glei và huyện Kon Plông, các chủ đầu tư đang lo lắng về việc đưa lên lưới quốc gia.

Ông Nguyễn Bô-Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum cho biết, riêng cụm thủy điện Đăk Glei có gần 100MW trong khi khu vực này vẫn chưa có trạm 110KV. Nhìn vào lưới điện cao thế 110KV này, người ta thấy nhiều công trình thủy điện đang xây dựng ở Đăk Glei, Ngọc Hồi, Kon Plông không có đường đấu nối.

Nếu chủ đầu tư bỏ tiền ra thi công đường dây thì giá thành đội lên quá cao, còn chờ Nhà nước mà cụ thể là Công ty Điện Lực 3 xây dựng theo phân cấp thì không biết đến bao giờ có đường dây truyền tải.

Theo dự báo của Sở Công Thương Kon Tum, từ nay đến năm 2015, nhu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh sẽ tăng lên mạnh mẽ, nếu năm 2010 điện năng thương phẩm là 154,6 GWh thì năm 2015 nhu cầu điện toàn tỉnh Kon Tum sẽ là 539,5GWh, tăng trưởng điện bình quân 30%/năm.

Theo quy hoạch, từ năm 2011 đến 2015, tỉnh Kon Tum sẽ xây dựng 56 công trình thủy điện vừa và nhỏ, tổng công suất hơn 417MW. Như vậy nhu cầu xây dựng một hệ thống truyền tải mới là đường dây 220KV rất cấp thiết.

Thế nhưng, hiện chưa tín hiệu nào cho thấy sẽ có một đường dây 220KV ở Kon Tum đi vào khởi động, mặc dù dự án và kế hoạch cho việc xây dựng đường dây này đã có từ lâu. Trong khi để hoàn thành hệ thống đường dây 220KV trên địa bàn Kon Tum sẽ tốn hàng nghìn tỷ đồng và nếu nhanh cũng mất 2-3 năm.

Chủ tịch HĐQT công ty CP Tấn Phát, đơn vị đầu tư thủy điện Đăk Ne cho biết nhà máy của họ công suất chỉ hơn 8MW song từ trước Tết Nguyên đán Tân Mão đến nay đã có 3 lần bị điều độ cho tạm dừng phát điện vì quá tải đường dây.

Việc tạm dừng này là vi phạm hợp đồng ký giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với lãnh đạo công ty vì trước khi xây dựng nhà máy, EVN cam kết sẽ thu mua hết sản lượng điện doanh nghiệp làm ra. Không thu mua hết sản lượng điện khiến doanh nghiệp thất thu hàng trăm triệu đồng.

Điều đáng lo là thời điểm này đang là mùa khô, hầu hết các công trình thủy điện đều phát không đủ công suất. Nếu mùa cao điểm, khả năng bán điện của doanh nghiệp tư nhân là rất căng, bởi EVN chắc chắn sẽ dành việc ưu tiên mua điện của các nhà máy do chính họ bỏ vốn đầu tư.

Theo thẩm quyền phân cấp, trách nhiệm xây dựng lưới điện cao thế thuộc về EVN. Tuy nhiên, thời gian qua hệ thống truyền tải điện ở các tỉnh Bắc Tây Nguyên này, có sự mâu thuẫn rất lớn giữa nhu cầu tăng trưởng, quy hoạch được duyệt với thực tế đầu tư truyền tải của EVN.

Cắt điện luân phiên, doanh nghiệp chới với

Trước tình hình bị cắt điện, thiếu điện sản xuất, nhiều doanh nghiệp đang lo ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Ông Đặng Đức Tuấn, chủ doanh nghiệp sản xuất gỗ ở huyện Trảng Bom cho rằng, với tình hình thiếu điện sản xuất như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng giao hàng cho đối tác trong quý 1 này.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thép Tiến Lên cho biết, cắt điện sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, máy phát dự phòng hiện chỉ phục vụ cho bộ phận hành chính.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Cung, Phó Giám đốc Cty CP Đồng Xanh, doanh nghiệp xử lý rác sinh hoạt cho toàn TP Biên Hòa cho rằng hoạt động của nhà máy hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện lưới. Và sản xuất của Cty là loại hình đặc thù riêng ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, nếu cắt điện dễ dẫn đến tồn đọng rác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG