Dự thảo Luật Thủ đô: Băn khoăn về 'công dân loại hai'

ĐB Lê Văn Cuông phát biểu tại hội trường Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Lê Văn Cuông phát biểu tại hội trường Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, ngày thứ hai của kỳ họp 9 Quốc hội khóa XII, thảo luận lần cuối trước khi thông qua Luật Thủ đô, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn băn khoăn về quy định hạn chế nhập cư và chính sách đặc thù trong dự thảo luật.

>> Học sinh Hà Nội sẽ học 'trên chuẩn'?

ĐB Lê Văn Cuông phát biểu tại hội trường Ảnh: Hồng Vĩnh
ĐB Lê Văn Cuông phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồng Vĩnh .

Theo Ủy ban Thường vụ QH, qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu không tán thành với quy định bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn để được đăng ký cư trú trong nội thành Hà Nội. Vì những quy định này không thể giải quyết thực chất vấn đề quá tải hiện nay, bởi lẽ vấn đề không phải hoàn toàn do nhân khẩu thường trú, mà chủ yếu do nhu cầu nội tại của chính Hà Nội về nguồn nhân lực là lao động tự do. Những lao động này không có nhu cầu đăng ký thường trú.

Tuy nhiên, sức ép về dân số đang thực sự là thách thức đối với chính quyền Thủ đô. Hà Nội đang phải đối mặt với sự quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Do vậy, việc bổ sung điều kiện cư trú chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng cần thiết nhằm giãn bớt số lượng dân cư cư trú trong nội thành.

ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng, quản lý nhập cư bằng hộ khẩu là không hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường. Thực tế đời sống, người dân vì mưu sinh mà đến Hà Nội. Dùng hộ khẩu để hạn chế nhập cư sẽ có “những người là công dân loại hai vì không đăng ký được hộ khẩu”.

Ông Lịch cho rằng, phải hạn chế nhập cư bằng quy hoạch và động lực kinh tế. Như hiện nay, cứ xây cao ốc, văn phòng trong nội đô thì dân số sẽ tăng.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) so sánh: “Hạn chế nhập cư không khác nào một gia đình đông con, nhà chật chội, một số đứa được ở trong nhà còn số khác phải nằm ngoài hè, vườn”. Nguyên lý là đất lành chim đậu. Hiện nay bao nhiêu phần trăm dân cư Thủ đô là người gốc Hà Nội, hay đa phần là nơi khác đến. Do vậy, “không thể xong việc của mình rồi thì đóng cửa”.

Không thể “cốt ở đôi bên”

Thảo luận về dự thảo Luật Tố tụng dân sự (TTDS) sáng 22-3, nhiều ĐBQH cho rằng cần nâng cao vai trò của Viện kiểm sát (VKS) trong các phiên tòa dân sự- Viện không chỉ giữ quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tố tụng mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi người dân.

ĐB Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) cho biết, theo quy định hiện hành, vai trò của VKSND ngày càng mờ nhạt với quan niệm “việc dân sự là việc của đôi bên”. Vì thế, VKS bị hạn chế trong việc bảo vệ quyền lợi các bên đương sự. “Cần khôi phục lại vai trò của VKS trong các phiên tòa dân sự” – ĐB Hòa kiến nghị.

Có ĐB nhìn nhận, án dân sự rất phức tạp, thậm chí phức tạp hơn cả hình sự. Nên quy định sự tham gia của VKS là bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho biết, chất lượng xét xử án dân sự thấp, nhưng rất ít kháng nghị.

Từ thực tiễn các vụ án dân sự chất lượng thấp, dân khiếu nại nhiều, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng “không thể bỏ mặc công dân tự thỏa thuận với nhau”. ĐB dẫn chứng có vụ án vì lý do nội bộ mà kết quả xét xử thiếu khách quan, làm dân oan sai. Đến khi Đoàn ĐBQH phát hiện, tòa mới chịu sửa sai.

“Cần phải có một cơ quan giám sát việc xét xử (Viện Kiểm sát -PV) để dân yên tâm và đảm bảo quá trình xét xử khách quan hơn” – ĐB Cuông nói.

Nét mới của dự thảo Luật - vấn đề cơ chế đặc biệt sửa bản án có sai lầm nghiêm trọng được đa số tán thành. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nói, đây là cơ chế đặc biệt để xem lại những quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Nếu thấy bản án có sai lầm, chính Hội đồng này sẽ sửa sai chứ không phải cấp tối cao nào khác. Đây là cơ chế phù hợp trong tình hình hiện nay để giải quyết những gì tòa án đã xét xử mà chưa đảm bảo công lý.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG