Khu vực có dịch bệnh: Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm

Khu vực có dịch bệnh: Cấm vận chuyển gia súc, gia cầm
TP - Cấm vận chuyển có thời hạn với những địa phương có dịch, lấy mẫu bệnh phẩm khẩn cấp để giải trình tự gen, bố trí vaccine phù hợp với chủng virus… là những biện pháp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đưa ra tại cuộc họp chiều 22-3.

>> Dịch cúm gia cầm lan ra 7 tỉnh

Xuất hiện chủng virus mới

Ông Ngô Thanh Long, Cơ quan Thú y Vùng 6 (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cho biết: Theo nghiên cứu từ năm 1993 trở lại đây, qua giải trình tự gen viurs gây bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở Việt Nam cho thấy, cứ mỗi năm bùng phát dịch bệnh, virus LMLM lại xuất hiện chủng mới, tính chất phức tạp hơn.

Theo ông Long, ở miền Bắc, do tần suất xuất hiện dịch bệnh nhiều hơn, nên virus biến thể phức tạp hơn so với miền Nam.

Theo Cục Thú y, hiện nay, chủng virus đang lưu hành ở Việt Nam, chủ yếu là Pan Asia (miền Nam), và Mya 2008 (miền Bắc).

Ông Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư cho hay, hiện đã lấy 35 mẫu ở 20 tỉnh có dịch gửi sang Anh để giải trình tự gen, đối chiếu, so sánh với những chủng virus cũ, từ đó đưa ra khuyến cáo về vaccine cho phù hợp. “Trong vaccine type O, chứa kháng nguyên O 3039 và Manisa, thì kháng nguyên O 3039 đang có hiệu lực tốt, còn kháng nguyên Manisa đã giảm”- Ông Thành cho biết.

Nhiều tỉnh giấu dịch

Theo ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Thú y, qua kiểm tra, các đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đánh giá, nhiều tỉnh không báo cáo và công bố dịch, tỷ lệ tiêm phòng rất thấp “không như báo cáo của địa phương”. Chẳng hạn ở Phú Thọ, bệnh thực tế một đằng, báo cáo một nẻo.

Từ ngày 5 đến 13-2, phát hiện bệnh LMLM trên gần 240 gia súc ở 19 hộ, thuộc 3 xã tại 2/13 huyện. Tuy nhiên, đến ngày 8-3, đã có tới gần 4.000 gia súc mắc bệnh ở 147/277 xã toàn tỉnh, nhưng Chi cục thú y của tỉnh xem đó là bệnh thường, lấy mẫu xét nghiệm âm tính với LMLM.

“Phú Thọ phát hiện bệnh chậm, lấy mẫu bệnh phẩm không đạt yêu cầu xét nghiệm, không công khai minh bạch tình hình dịch bệnh. Công tác chỉ đạo, nói thì rất quyết liệt, nhưng chỉ nói chống dịch gia súc, gia cầm chung chung, không nói cụ thể là bệnh gì” - ông Năm nói.

Ông Năm dẫn thí dụ, ở Lai Châu việc báo cáo dịch cũng không rõ ràng, không công bố dịch. Dịch xảy ra từ đầu tháng 12-2010, nhưng lấy mẫu vẫn không xác định được virus gây bệnh. Đến cuối tháng 12, khi nhiều gia súc mắc bệnh có biểu hiện LMLM, qua xét nghiệm mới biết dương tính với virus LMLM.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, hầu hết các địa phương đều phát hiện dịch rất muộn, chỉ khi dịch bệnh đã bùng phát mạnh, ngoài tầm kiểm soát mới báo cáo, nhiều tỉnh còn xem nhẹ công tác tiêm phòng vaccine.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu, Cục Thú y ra văn bản cấm vận chuyển gia súc, gia cầm có thời hạn trong khu vực có dịch. Các cơ quan chuyên môn của Bộ, tiếp tục lấy mẫu virus phân tích, để khuyến cáo sử dụng loại vaccine tương thích.

“Các địa phương không báo cáo dịch, giấu dịch khiến dịch lây lan mạnh là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về phòng chống dịch bệnh” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Bàng hoàng những trang sách tả cảnh 'giường chiếu'; Thông tin về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'
TPHCM 24/7: Bàng hoàng những trang sách tả cảnh 'giường chiếu'; Thông tin về 'hội vỡ nợ muốn làm liều'
TPO - Xôn xao clip tố CSGT đạp xe người vi phạm; Công an TPHCM theo dõi sát 'hội vỡ nợ muốn làm liều'; Trường Quốc tế phát sách tả cảnh gợi dục cho học sinh; 16 học sinh ngộ độc đều ăn sushi trước trường, Sở Y tế TPHCM ra khuyến cáo,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.