Cử tri khó tính thì mới có Quốc hội tốt

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, thời gian qua hoạt động chất vấn tại QH đã có nhiều đổi mới Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, thời gian qua hoạt động chất vấn tại QH đã có nhiều đổi mới Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Từ khi đổi mới đến nay, hoạt động của Quốc hội (QH) ngày càng hiệu quả, thu hút sự chú ý của nhân dân và đáp ứng yêu cầu của nhà nước pháp quyền, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu của người dân” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

>> Dân còn kêu nhiều

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, thời gian qua hoạt động chất vấn tại QH đã có nhiều đổi mới Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, thời gian qua hoạt động chất vấn tại QH đã có nhiều đổi mới. Ảnh: Hồng Vĩnh.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, khóa IV, Văn phòng QH chỉ có 5 chục người, mỗi kỳ họp vài ngày. Đại biểu (ĐB) phát biểu ý kiến có văn bản viết sẵn. Bây giờ, phong cách dân chủ ngày càng đậm nét, làm nên sức hấp dẫn, tạo niềm tin cử tri đối với QH.

ĐB phát biểu không phải duyệt trước văn bản, ngay cả khi chất vấn người cao nhất - bởi ĐB nhận thức rõ trách nhiệm, mình phát biểu sai cử tri cũng sẽ không đồng tình. Công tác giám sát bao quát được nhiều mặt của xã hội, nhất là những vấn đề nổi cộm. Chất vấn QH có nhiều đổi mới.

Tuy nhiên, chất lượng của hoạt động giám sát chưa cao, nhiều vấn đề QH đã kiến nghị chuyển biến chậm. Phải nói rằng chính QH tự hạn chế quyền lực của mình. Khi bấm nút chính ĐB phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Không ngại va chạm

Theo GS, để hoạt động của QH có chất lượng hơn nữa, QH và ĐB cần phải đổi mới như thế nào trong nhiệm kỳ tới?

QH đổi mới chính là nhờ sự đổi mới của Đảng. Vì vậy, để QH đổi mới hơn nữa thì phải tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với QH. Phải làm sao phát huy cao nhất sức mạnh dân chủ, trí tuệ của dân, vì QH là cơ quan đại diện của dân. Lẽ sống, sức mạnh của ĐB là dân. Người có thể khiển trách ĐB cũng là dân. Tiếp xúc cử tri, dân phải chất vấn ĐB đã làm gì cho dân.

Nhưng lâu nay các đoàn ĐB đi tiếp xúc cử tri rất hình thức, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cũng thừa nhận có tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”, còn địa phương thường thu hẹp thành phần cử tri đỡ phức tạp.

Chúng ta phải thay đổi, quy định ĐB phải gắn với một khu vực nào đó, đại diện cho người dân ở đó. Phải thay đổi hình thức, địa điểm tiếp xúc cử tri. Ta thường tiếp xúc kiểu hội nghị, thành phần đủ đại diện từ lãnh đạo địa phương, chi bộ thôn bản, đoàn thể. Nên một nửa cử tri là những thành phần mời, còn một nửa phải để dân - ai muốn đến thì đến.

Địa phương thường e ngại, sợ ĐBQH về tiếp xúc mà nhiều ghế trống, lèo tèo thì ĐB buồn. Nhưng phải thay đổi quan niệm, 5-7 cử tri có khi tốt hơn cả mấy chục cử tri nếu người ta trình bày được nhiều ý kiến thiết thực, hơn là cử tri đông chỉ chờ hết giờ để về.

Ở Úc, có một nữ nghị sỹ thường mượn sảnh siêu thị nơi có nhiều người qua lại để tiếp xúc cử tri. ĐB không phải là quan đến hội nghị phải vỗ tay mới trịnh trọng. Nên có nhiều cuộc tiếp xúc hơn chứ không chỉ trước và sau mỗi kỳ họp.

Dường như với cơ chế hiện nay, nhân dân rất khó giám sát xem ĐB đã làm gì cho dân, phải chăng chưa có cơ chế để dân giám sát ĐBQH?

Cả kỳ họp không đọc một tài liệu nào cũng không ai có thể kiểm soát, kiểm tra ĐB, không phát biểu chẳng ai phê bình. ĐB hoạt động trên cơ sở tự giác, không có chuyện tổ đảng, trưởng đoàn nhắc nhở, trừ phi anh ăn mặc lố lăng, tác phong không ổn thôi.

Năm trước, có báo công khai sơ đồ ĐBQH hoạt động, phát biểu mấy lần, tự nhiên ĐB giật mình vì thấy bị giám sát. Phải cải tiến tiếp xúc cử tri, để cho dân giám sát được. Bầu ra một ông ĐB rồi chẳng biết ông ấy làm gì, nói gì thì mình dại quá, mình đánh tuột mất quyền của mình.

Vậy theo ông, có nên qui định bãi miễn ĐB ngay giữa kỳ, nếu ĐB đó không hoàn thành nhiệm vụ?

Quy định giám sát, bãi miễn ĐB có rồi nhưng vấn đề là không thực hiện. Chúng tôi vẫn nhận được những đề xuất bãi miễn ông A, ông B nhưng một vài ĐB đề xuất rất khó. Dân đề nghị không thực hiện rồi cũng trôi đi thôi, vấn đề là mặt trận, cấp ủy có muốn làm không?

Cần có nhiều biện pháp để dân giám sát ĐB: Công khai hóa hoạt động của ĐB trên hội trường cũng như các hoạt động khác, xem ĐB đã làm gì trong mỗi kỳ họp. Tôi nghĩ chúng ta cân nhắc xem giữa kỳ có nên tổ chức thăm dò tín nhiệm ĐB không. Nếu lấy phiếu thăm dò ĐB ở khu dân cư thì có thể được, và chắc chắn ĐB sẽ phải nhìn lại mình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, GS Nguyễn Minh Thuyết
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội,
GS Nguyễn Minh Thuyết.

Tâm sáng

Là ĐBQH nhiều năm (từ khóa XI đến nay), theo ông ĐB cần bản lĩnh gì?

Để ĐBQH hoạt động tốt cần chọn người xuất sắc cho QH, không nên quá lệ thuộc cơ cấu, đừng nghĩ chính quyền mới cần người tài. Ứng viên phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Còn cử tri phải khó tính hơn mới có QH tốt được.

Dân mình dễ quá, một người đi bầu thay cả nhà! Liếc danh sách thấy ai có chức vụ thì bầu, chẳng biết năng lực ông ấy ra sao. Tiếp xúc thì nể nang bắt tay dặn dò là chính, không có truy vấn xem ông ấy sẽ làm gì cho dân.

Phẩm chất đầu tiên của ĐB là sự gắn bó với cử tri. Phải gắn bó để hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri, nói lên tiếng nói cử tri. Cả nhiệm kỳ không một lần nào nói lên tiếng nói cử tri sẽ là có lỗi. Nhiều ĐB nói mỗi kỳ QH áp lực rất lớn, luôn có một sức ép vô hình nhất là ĐB chuyên trách, vì ăn lương chỉ để làm mỗi nhiệm vụ ĐBQH.

Thứ hai phải có bản lĩnh để nói lên tiếng nói của cử tri trong thảo luận và biểu quyết. Nhưng không đơn giản, tâm phải sáng: Mình biểu quyết vì cái gì đây, phát biểu vì cái gì, vì quyền lợi cá nhân mình, nhóm lợi ích mình đại diện, hay để chọc ngoáy anh A, B, hay để đánh bóng mình. Tâm sáng, vì cái chung thì không ngại gì cả. Thứ ba, phải rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng.

Như ông nói, ĐB luôn chịu sức ép dư luận cử tri, từ lương tâm và trách nhiệm, với ông thì sao?

Có câu chuyện tôi đã kể rồi đó là khi đi vận động bầu cử ở Lạng Sơn, một ông ở huyện Lộc Bình phát biểu: “Cả nhiệm kỳ tôi không biết đoàn ĐBQH tỉnh ngồi ở đâu, làm gì. Kỳ này rất mừng có một đồng chí giáo sư ứng cử, mong đồng chí chuyển tải ý kiến của chúng tôi đến QH chứ đừng ngồi im”.

Tôi trả lời, nếu trúng cử sẽ thực hiện đúng yêu cầu của ông, tham gia tích cực vào các hoạt động của QH. Nhưng mình là ĐB trung ương nên không thể đóng góp gì nhiều cho địa phương mà chỉ có thể đóng góp ý kiến cho QH. Cho nên càng phải hết sức cố gắng, nếu không thì sẽ chẳng đóng góp được gì cho dân.

Trước mỗi kỳ họp, có nhiều sức ép: Phải nghiên cứu tài liệu, để có thể đóng góp một vài ý kiến, nếu không sẽ ăn không ngon ngủ không yên. Đó là một sức ép rất vô hình. ĐB càng nhiều người biết càng phải cố gắng.

Hiện nay QH đang chuẩn bị bầu cử, nhưng chính cơ cấu sẽ khuôn hẹp lại việc chọn người tài năng, tâm huyết?

Cơ cấu đảm bảo cho tính đại diện của QH, nhưng chỉ nên là định hướng. Kinh nghiệm cơ cấu hình thành một cách tự nhiên là tốt nhất, phải phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội. Cơ cấu áp đặt cứng sẽ làm giảm chất lượng ĐBQH.

Cơ cấu tỷ lệ đảng viên cũng nên coi là tỷ lệ tham khảo, để đảng viên phấn đấu. Phần lớn những người có năng lực, phẩm chất đều là đảng viên, nếu đưa dân bầu chắc chắn đảng viên sẽ trúng.

Cuối cùng, phải hoan nghênh người tự ứng cử - bởi họ tự nguyện đứng ra gánh vác việc chung. Nhưng vì sao càng vào trong càng thu hẹp? Có thể có trường hợp không loại trừ - đó là người ta ngại. Ngại nhất là có thể ảnh hưởng đến cơ cấu, phiếu bầu của một số người dự kiến. Nhưng anh có tài năng, đủ điều kiện thì có gì mà phải sợ.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG